Để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo, việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người
TCCS - Ngày 30-11-2019, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959 - 2019), vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước tặng thưởng. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến.
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành...
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua 60 năm hình thành và phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, thúc đẩy nền khoa học, công nghệ nước nhà.
Trong tổng chi cho khoa học, công nghệ, tỷ trọng đầu tư của Nhà nước so với doanh nghiệp đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực, 52/48 so với 70/30 của hơn 5 năm trước. Hệ thống các tổ chức khoa học, công nghệ phát triển mạnh; đến nay, cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức khoa học, công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng, với khoảng 67.000 cán bộ nghiên cứu, đạt tỷ lệ 7 người/1 vạn dân, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín đã được thế giới công nhận.
Thủ tướng nêu rõ, ngày nay, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển. Khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình, đạt tăng trưởng kinh tế cao, vươn lên sự thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc. Chúng ta có tài nguyên vô tận, đó là chất xám, là sự sáng tạo của con người. Khoa học, công nghệ ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, với hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục tăng và năm 2019 xếp thứ 42/129 quốc gia và đứng thứ ba trong khối ASEAN.
Chúng ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, với khát vọng đưa đất nước ta phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng, kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh.
Cần xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội, giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải làm tốt hơn nữa... Đây là yêu cầu, là trọng trách to lớn đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu khoa học, công nghệ.
Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ nước nhà, trong đó tập trung vào một số nội dung:
Trước hết, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công. Mục tiêu là lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ giữa pháp luật về khoa học, công nghệ với pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính và pháp luật liên quan để nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học, công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường.
Thứ hai, phát huy vai trò, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho các trường đại học, viện nghiên cứu. Tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các công nghệ sản xuất mà doanh nghiệp đòi hỏi và cải tiến phương thức giáo dục ứng dụng lý thuyết khoa học, công nghệ vào các mục tiêu thực tiễn. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý ngân sách chi cho khoa học, công nghệ, thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ. Cơ cấu lại các chương trình, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng.
Thứ ba, tập trung phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ, phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới đánh giá, chuyển giao công nghệ. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Coi trọng hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong đổi mới đầu tư vào khoa học, công nghệ. Chủ động phát triển kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ theo hướng hiện đại, đồng bộ, trong đó có các khu công nghệ đi đầu trong việc bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin.
Thứ tư, đổi mới chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học, công nghệ, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam, tăng cường thu hút sự tham gia sâu của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước.
Hiện nay, chúng ta có khoảng 300.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá, là cầu nối giúp chúng ta tiến nhanh trên bản đồ đổi mới sáng tạo của thế giới, nếu biết cách huy động. Hơn bao giờ hết, nền tảng công nghệ hiện nay có thể giúp các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học kết nối và hợp tác với các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài hết sức thuận lợi và nhanh chóng.
Thứ năm, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và phát huy công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để làm căn cứ hoạch định chính sách, có cơ chế, chính sách đột phá để nâng cao năng lực và chất lượng nhân sự làm việc trong khu vực công về đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải làm cho cán bộ làm khoa học dám ước mơ, dám khát vọng, theo đuổi khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học. "Trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người", Thủ tướng nhấn mạnh.
* Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước - cho Bộ Khoa học và Công nghệ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
* Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo đã cắt băng khai mạc Triển lãm 60 năm thành tựu khoa học và công nghệ, gồm 60 gian hàng của 60 doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực, như điện tử - viễn thông, nông nghiệp, y tế, giao thông - vận tải, cơ khí chế tạo.../.
Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
Thường trực Chính phủ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020  (30/11/2019)
Hàn Quốc - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN  (28/11/2019)
Phụ nữ tham gia lãnh đạo là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, của mỗi tổ chức, đơn vị  (21/11/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam