Phụ nữ tham gia lãnh đạo là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, của mỗi tổ chức, đơn vị
TCCS - Ngày 20-11-2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các lãnh đạo và đại biểu Quốc hội nữ.
Tham dự gặp mặt có các nữ Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Dự cuộc gặp mặt còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ...
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nêu rõ, ngày nay, sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành đang trở thành nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng... hướng tới văn minh, thịnh vượng.
Ở cấp độ toàn cầu, tại nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, phụ nữ đã được tin tưởng bầu vào những chức vụ cao, trọng trách lớn. Nhiều nhà lãnh đạo nữ với tố chất và bản tính mềm dẻo, khéo léo, nhưng quyết đoán đã giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng một cách linh hoạt và hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam, bất kỳ thời đại nào cũng xuất hiện những nữ lãnh đạo lừng lẫy, những nữ anh hùng của dân tộc, có công lớn trong việc gìn giữ chủ quyền, độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, như Hai Bà Trưng, Lê Chân, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định...
Nhắc đến truyền thống đánh giặc, cứu nước của các nữ anh hùng dân tộc Bà Trưng, Bà Triệu, Thủ tướng cho rằng, đó là những đại diện cho trí tuệ, bản lĩnh, lòng yêu nước nồng nàn và phẩm giá cao quý của người phụ nữ Việt Nam; là sức mạnh truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là sự nhẫn nại, can đảm, giàu trí tuệ - cảm xúc, đức hy sinh và rất mạnh mẽ...
Thủ tướng cũng nhắc đến bức thư của Thủ tướng động viên hai cháu gái có nghị lực phi thường là cô bé Hoàng Oanh 13 tuổi, mẹ mất từ năm lên 6 tuổi, không có bố, bản thân lại mất một chân vì tai nạn giao thông nhưng đã nỗ lực vượt khó, tự lập vươn lên, là học sinh ngoan, giỏi liên tục nhiều năm; em Thủy Tiên, sinh viên 19 tuổi của Đại học Ngoại thương Hà Nội, mặc dù bị ung thư nhưng tâm thế vô cùng lạc quan và mạnh mẽ, là nguồn sức mạnh tinh thần, là sự an ủi, động viên lớn của bố mẹ trong lúc khó khăn.
Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, chúng ta có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ.
Trong số gần 500 đại biểu Quốc hội có trên 27% là đại biểu nữ, một tỷ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ở cấp tỉnh có 7 bí thư tỉnh ủy, 14 phó bí thư, 8 chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, 31 phó chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, 18 phó chủ tịch ủy ban nhân dân, cùng nhiều nữ cán bộ đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở các cơ quan trung ương và địa phương. Số lãnh đạo nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2017, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng.
Theo Thủ tướng, đây là minh chứng sinh động cho công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nước ta.
Đánh giá cao các nữ đại biểu Quốc hội, ngoài công việc bận rộn vẫn dành thời gian chăm lo cho gia đình và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, xã hội. Trên nghị trường, vai trò và đóng góp của các nữ đại biểu Quốc hội cũng rất sôi nổi và quan trọng. Nhiều sáng kiến của nữ đại biểu Quốc hội nêu trên diễn đàn Quốc hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu và thể chế hóa thành những quy định và chính sách.
Hơn 1/2 dân số Việt Nam là nữ, tương đương với 1/2 lực lượng lao động của cả nước. Vì vậy, việc phát huy vai trò phụ nữ có ý nghĩa rất quyết định đối với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các cộng đồng, giữa các vùng, miền và địa phương, cũng như tầm nhìn về một nước Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Thủ tướng khẳng định lại quan điểm phát triển bao trùm để không một người dân nào, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em bị bỏ lại phía sau.
Là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng phát triển, thúc đẩy tiến bộ, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm các quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, cho dù ở thành thị hay nông thôn, biên giới, hải đảo, người Kinh hay vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...
Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành chỉ thị về việc về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ trẻ em. "Chính phủ sẽ hành động kiên trì và quyết liệt, phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương để hiện thực hóa mục tiêu và quyết tâm này”, Thủ tướng khẳng định.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nữ đại biểu Quốc hội luôn đồng hành, ủng hộ Chính phủ thực hiện các chiến lược, giải pháp, biện pháp cụ thể phát triển đất nước, đặc biệt đóng vai trò tích cực hơn trong việc thực hiện có hiệu quả các luật như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em và pháp luật liên quan khác; phát huy hơn nữa vai trò đề xuất chính sách, giám sát thực thi chính sách, pháp luật về các lĩnh vực then chốt, như y tế, giáo dục, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm quyền cho phụ nữ, trẻ em.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan có văn bản cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về các vấn đề các nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân quan tâm khi có yêu cầu.
Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực trong gia đình, trong học đường, trong bệnh viện; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng có trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ em nên người, thành công dân có ích cho đất nước.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế cùng đồng hành với Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện các mục tiêu vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, vì bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Tại cuộc gặp mặt, các nữ đại biểu Quốc hội phát biểu, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, với kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 12/12 chỉ tiêu năm nay sẽ đạt và vượt.
Các nữ đại biểu bày tỏ ấn tượng về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nữ đại biểu.
Một số ý kiến đề xuất Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục quan tâm tới việc tăng tỷ lệ phụ nữ là bộ trưởng, thứ trưởng trong nhiệm kỳ tới; tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số; Chính phủ sớm có chương trình hành động, đưa các luật, đề án mà Quốc hội vừa thông qua đi vào cuộc sống như Bộ luật Lao động sửa đổi, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…/.
Hữu Nguyên (tổng hợp)
Gặp mặt, chúc mừng nguyên lãnh đạo ngành giáo dục; các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam  (20/11/2019)
Ấm áp niềm vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên mọi miền Tổ quốc  (18/11/2019)
Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần tạo đột phá về quy mô, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam  (17/11/2019)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể và Phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35  (03/11/2019)
Đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu  (10/10/2019)
Việt Nam - Campuchia sắp hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc  (06/10/2019)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay