Chấp hành nghị quyết (?)

Bảo Trung
09:38, ngày 02-10-2007

Nghị quyết nhiệm kỳ Đảng ủy của Bệnh viện X đã đề ra nhiều chủ trương: nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh, cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân viên để thu phục những chuyên gia giỏi công tác tại bệnh viện, v.v. và v.v.. Đáng chú ý là trong chủ trương phát triển bệnh viện, có mục phấn đấu tăng thu nhập, cho cán bộ, nhân viên phải "năm sau cao hơn năm trước".

Chủ trương đã được biểu quyết và đạt sự nhất trí rất cao, nên triển khai thực hiện cũng làm rất bài bản. Kế hoạch của Đảng ủy đã được cụ thể hóa đến từng đảng viên - bác sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên tạp vụ. Tất cả guồng máy đều phải quay cùng một nhịp để đạt được mục tiêu chung cũng là lẽ thường không có gì đáng bàn.

Thế nhưng sau một thời gian thực hiện thì bắt đầu xuất hiện nhiều luồng tư tưởng, suy nghĩ khác nhau. Một số đồng chí không muốn thể hiện ý kiến cá nhân, đã quen lối suy nghĩ là "việc mình, mình làm", hơn nữa trong xu thế hiện nay làm như vậy chẳng những lợi ích cá nhân được cải thiện, mà bộ mặt của bệnh viện chắc cũng sẽ khác, vì có thu nhập là có tiền, có tiền làm cái gì cũng dễ. Chẳng hạn như nâng cấp, sửa chữa phòng ốc, mua sắm trang thiết bị mới, hiện đại...

Nhưng một số đồng chí khác lại có suy nghĩ về những hiệu ứng phụ của chủ trương, chính sách.

Ông A là một bác sĩ chuyên khoa vào loại giỏi, có uy tín trong giới chuyên môn, đồng thời cũng là một đảng viên gương mẫu của bệnh viện X, cảm thấy như mình đang đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Ông nói: - Thấy đa số ủng hộ, mình đành phải chấp hành, nhưng cái nghề của thầy thuốc là cứu người, là "Lương y như từ mẫu". Trước chủ trương này buộc các thầy thuốc phải sử dụng nhiều thủ pháp nghề nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao mà hậu quả thì khôn lường. Chẳng hạn, nhiều trường hợp, đáng ra chỉ cần kê đơn từng này thuốc, thì bác sĩ cũng không tiếc, "phóng bút" kê nhiều lên, thậm chí nhiều gấp 2 - 3 lần. Tâm lý bệnh nhân thì ai cũng muốn khỏi bệnh, nên bác sĩ đã chỉ định phải cố mà dùng cho "đủ toa thuốc". Nhưng mấy ai biết rằng, thuốc quá liều là "lợi bất cập hại". Kháng sinh quá liều buộc thận, gan phải gánh chịu mọi hậu quả. Đó là chưa kể đến nhiều việc khác, như đáng ra bệnh nhân chỉ cần chụp X-quang là đủ để chẩn đoán, nhưng để "hoàn thành nhiệm vụ" - chỉ tiêu tăng doanh thu cho bệnh viện - nên đã chỉ định chụp cắt lớp (mỗi ca chụp như vậy phải tiền triệu).

Nghe câu chuyện này, tôi cho rằng nỗi tâm tư của ông A là thật sự chính đáng. Nếu làm đúng lương tâm nghề nghiệp thì khó mà hoàn thành trách nhiệm và ngược lại. Nhưng tiếc rằng, vẫn còn đó bao nhiêu người thầy thuốc khác thấy cách làm như vậy là có lợi cho cả cá nhân và tập thể, phù hợp với "xu thế mới", nên có nghĩ đến, dù là một thoáng thôi, cũng "tặc lưỡi" cho qua và cứ thế mà làm.

Cũng có thể có ý kiến cho rằng, Đảng ủy Bệnh viện X đã "lấn sân" của chính quyền. Nhưng giả sử không lấn sân, mà chính quyền chủ trương như vậy, thì Đảng ủy cũng phải lên tiếng để điều chỉnh chính sách cho đúng, chứ đâu phải chạy theo lợi ích thiển cận... dù của số đông?! Đó mới là câu chuyện đáng phải suy ngẫm.