TCCSĐT - Chiều 19-6, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành (461/464, chiếm 93,51%), Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua.

Theo đó, Nghị quyết giao Chính phủ thực thi các nhiệm vụ quan trọng và cần thiết nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, như:

1. Sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật An toàn thực phẩm; sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

2. Xây dựng chiến lược quốc gia bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, và xác định việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm là Chương trình mục tiêu quốc gia. Có lộ trình và giải pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chợ đầu mối thực phẩm; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; quản lý chặt chẽ thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm chức năng và thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu tiểu ngạch.

3. Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cấp huyện và có cộng tác viên cho công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp xã. Củng cố và tăng cường mọi mặt để nâng cao khả năng, hiệu quả hoạt động của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc nâng cấp thành Tổng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế đi đôi với đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để giúp Bộ Y tế thực hiện có hiệu quả chức năng đầu mối, chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước.

4. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ và phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu và cung ứng thực phẩm; đối với các loại thực phẩm mà sự phân biệt giữa các công đoạn của chuỗi thực phẩm không thật rõ ràng thì cần có quy định cụ thể trách nhiệm giữa các bộ quản lý đối với từng loại thực phẩm. Phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương; kết hợp nguồn lực Trung ương, nguồn lực địa phương và nguồn lực xã hội để bảo đảm tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm./.