Hảo tâm của nhà giàu!

09:08, ngày 18-07-2008

Chừng nào chưa có một thế giới khác thì những vấn đề Bắc - Nam khó lòng được giải quyết. Do vậy các nước đang phát triển phải đoàn kết lại để cùng nhau đấu tranh cho một thế giới công bằng và phát triển bền vững.

Câu lạc bộ Pa-ri là một nhóm các chủ nợ quốc tế quản lý 470 tỉ USD các nước phương Tây cho các nước nghèo vay. Mới đây, Câu lạc bộ đồng ý xóa cho I-rắc khoản nợ 11,6 tỉ mà nước này vay dưới thời X. Hút-xen. Và họ sẵn sàng xoá thêm 27,4 tỉ “nếu I-rắc tiến hành một cách mạnh mẽ những cải cách kinh tế thị trường theo một kế hoạch do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ấn định” (1). Sự việc bắt đầu bằng việc Hoa Kỳ “gương mẫu” xoá số nợ 4,1 tỉ USD của I-rắc trong số nợ do Câu lạc bộ Pa-ri quản lý, rồi yêu cầu các chủ nợ khác noi gương. Nhưng cũng kể từ đó, những nước nghèo hơn I-rắc luôn đặt câu hỏi tại sao xóa nợ cho một quốc gia giàu dầu mỏ như vậy mà lại không xoá nợ cho họ, những nước nghèo hơn?

Chẳng có gì là khó hiểu khi Tổng thống G.Bu-sơ yêu cầu “một sự đóng góp quốc tế lớn lao để tái thiết về chính trị và kinh tế cho I-rắc. Mỹ có nhiều tiền thật nhưng như ước tính mới đây, chiến tranh I-rắc đã làm cho siêu cường này phải tốn tới 700 tỉ USD, mỗi tháng trung bình phải chi 5,6 tỉ. Và nếu cứ duy trì quân đội như hiện nay ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan thì ngân sách liên bang Mỹ sẽ thâm hụt gấp đôi trong thập kỷ tới.

Cũng nhân nói chuyện nợ, ngày 4-8-2005, Ngân hàng thế giới (WB) báo cho Ê-cu-a-đo không cho nước này vay 400 triệu USD vì cái “tội” nước này đã cơ cấu lại quỹ ổn định dầu mỏ, một quỹ vốn được thiết lập để lấy số tiền lãi từ dầu mỏ chủ yếu để trả nợ. Chính phủ Ê-cu-a-đo quyết định chỉ sử dụng một nửa trong số tiền lời bán dầu dành ra để trả nợ; nửa còn lại sẽ chi cho các khoản xã hội.

Trở lại vấn đề nợ của I-rắc, nếu Mỹ và phương Tây coi X. Hút-xen là một nhà độc tài thì nhân dân I-rắc được Mỹ “giải phóng” có quyền không trả số nợ của “nhà độc tài” mà các nước phương Tây cho ông ta vay để mua sắm vũ khí và các phương tiện chiến tranh khác. Ca-na-đa cũng bán chịu cho I-rắc 600 triệu USD bột mì, A-rập Xê-út cho I-rắc vay 30 tỉ USD để đánh nhau với I-ran trước đây. Ngoài ra, Cô-oét vẫn đòi Irắc phải trả khoản nợ 27 tỉ USD bồi thường chiến tranh.

Trong lịch sử đã có những tiền lệ các nước không trả những khoản nợ gọi là “nhục nợ”. Năm 1898, sau chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ, nước Mỹ chiếm được Cu-ba tuyên bố không trả các khoản Cu-ba nợ của chính phủ trước (Tây Ban Nha). Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các đồng minh quyết định Ba Lan không phải trả những khoản nợ dưới thời thống trị của Uyn-hem (Wilhelm) II nước Đức. Gần đây, Ác-hen-ti-na đã thành công một phần trong đàm phán các khoản nợ do chế độ quân sự để lại. Thay vì phải trả 103 tỉ USD, Ác-hen-ti-na chỉ phải trả với giá 30 xen cho một USD nợ, bởi phần lớn số nợ đó là do một chế độ độc tài, không vì yêu cầu của đất nước mà chỉ để tăng thêm sức mạnh đàn áp nhân dân” (2).

Nhiều nước như Phi-líp-pin cho rằng Ác-hen-ti-na giảm số nợ chỉ còn 28% của số 103 tỉ USD thì tại sao Phi-líp-pin lại không được như vậy với số nợ 55 tỉ USD do nhà độc tài F. Mác-cốt gây ra. Những nước nào đòi đưa vấn đề nợ ra trọng tài quốc tế thì thường được giảm nợ, xóa nợ vì các nước giàu không muốn bị kéo vào các vụ làm ăn phi pháp với các nhà độc tài. Chỉ có những nước như trường hợp Ni-giê-ri-a thì thật bi đát. Nước này vay 13,5 tỉ USD (cũng là do chế độ quân phiệt trước đây), đã trả được 42 tỉ USD cho Câu lạc bộ Pa-ri, nhưng nay vẫn còn nợ đến 25 tỉ USD (vì lãi mẹ đẻ lãi con). Quốc hội Ni-giê-ri-a đã kêu gọi giảm nợ, và lấy I-rắc làm ví dụ. Nhưng Ni-giê-ri-a vẫn bị các nước giàu từ chối bởi là quốc gia có dầu, bất chấp thực tế là Ni-giê-ri-a chỉ có trữ lượng dầu bằng 1/5 I-rắc. Tiêu chuẩn kép vẫn được nước giàu vận dụng. Kiểu như câu nói dân gian: “Miệng nhà giàu có gang có thép”. Họ lại biết liên kết để thêm sức mạnh, nước nghèo luôn ở trong thế yếu khi đối diện với cả một câu lạc bộ quản lý tới 470 tỉ USD nợ nần. Ngoài ra, còn Câu lạc bộ Luân Đôn và những thiết chế hùng mạnh như IMF và WB.

Đó cũng là điều mà những người tiến bộ trên thế giới trăn trở: Chừng nào chưa có một thế giới khác thì những vấn đề Bắc - Nam khó lòng được giải quyết. Do vậy, các nước đang phát triển phải đoàn kết lại để cùng nhau đấu tranh cho một thế giới công bằng và phát triển bền vững./.
 

[1] Energy Probe Research Foundation (EPRF), 6-8-2005
[2] Mario Cafiero, nghị sĩ Ác-hen-ti-na (dẫn trong bài viết của EPRF)