Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, sau hai ngày làm việc, ngày 16-5, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Paris do Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức đã kết thúc.
 
Tham dự tòa án bên cạnh đoàn Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) đại diện cho hơn ba triệu nạn nhân, còn quy tụ nhiều tổ chức quốc tế, các nhân chứng và người bị hại do ảnh hưởng của chất độc da cam từ nhiều nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các nhân chứng, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy hành động tàn bạo và dã man của quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam. Tất cả các ý kiến đều đòi hỏi những kẻ gây ra tội ác phải bồi thường và đối xử công bằng với những mất mát, đau thương mà các nạn nhân đã phải hứng chịu. Rất nhiều nạn nhân đã nói lên những mất mát, đau thương mà họ phải chịu đựng do ảnh hưởng của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ðoàn VAVA có ba nhân chứng. Ông Mai Giảng Vũ, lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa từ năm 1968 đến 1974. Trong thời gian này, ông đã  nhiều lần tham gia rải chất khai hoang ở Lộc Ninh và Quảng Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, vợ chồng ông sinh ba người con đều bị teo cơ. Hai người con của ông đã chết ở độ tuổi 22. Nhân chứng trẻ nhất của đoàn VAVA lần này là anh Phạm Thế Minh, sinh tháng 12-1975, quê  ở  Hải  Phòng.  Bố anh là một chiến sĩ thành cổ Quảng Trị. Minh bị mắc nhiều bệnh, đôi chân của Minh bị teo tóp, không tự đi lại được. Em gái của Minh sinh năm 1978 cũng bị rối loạn chức năng. Nhiều người tham dự tòa án đã rơi nước mắt trước hình ảnh người thanh niên trẻ Phạm Thế Minh với đôi chân tật nguyền khi được tòa hỏi về dự định tương lai.

Từ Mỹ tới, bà Rê-na Cô-pi-xten-xki, vợ của cựu chiến binh Mỹ Giôn Cô-pi-xten-xki, đến tòa án với tư cách nhân chứng. Trong những bằng chứng bà mang theo, có ảnh của chồng bà và cháu nội. Con trai của ông bà, A-lếch, sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh khớp xương. Cháu nội cũng bị bệnh và hay đau khắp người.

Theo chương trình, tòa án sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong cuộc họp báo quốc tế vào ngày 18-5. Các nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đang mong đợi công lý phải được thực hiện. Một tòa án quốc tế phải được tổ chức để xét xử những kẻ đã gây ra tội ác đó và những kẻ gây ra tội ác phải có trách nhiệm đền bù đầy đủ cho những tổn thất của những nạn nhân. Ðó là đề xuất của luật sư Rô-lăng Vây, Chủ tịch Hội quyền và tự do, thành viên Hội Luật gia dân chủ quốc tế trong phát biểu cuối phiên tòa. Chủ tọa Gi-ten-đra Sác-ma, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, khẳng định: Sự có mặt của các nhân chứng Việt Nam tại tòa án cho thấy công lý đòi hỏi sự công bằng, một sự công bằng cho các nạn nhân trước khi quá muộn.

* Trong thời gian diễn ra tòa án, tối 15-5, triển lãm ảnh về nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin được tổ chức tại trụ sở của Hội Người Việt Nam tại Pháp. Ðây là những bức ảnh do bốn nhà báo nước ngoài thực hiện tại Việt Nam. Cũng tại triển lãm ảnh, cuốn phim tài liệu "Khúc tưởng niệm cho riêng mình" của đạo diễn người Nhật Bản Ma-sa-cô Sa-ka-ta được trình chiếu.

Bản thân đạo diễn Sa-ka-ta cũng là nạn nhân của chất độc này. Chồng bà, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, qua đời cách đây vài năm do ung thư gan vì hậu quả của chất độc da cam. Bà Ma-sa-cô tâm sự: "Ðể vượt qua nỗi đau và sự cô đơn, tôi bắt đầu chuyến đi tìm hiểu về chất độc da cam được rải xuống Việt Nam hơn 30 năm trước. Tôi tự nhủ mình phải quay trở lại Việt Nam". Nhớ lại những hình ảnh của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, bà xúc động: "Tôi thấy các nạn nhân chất độc da cam rất nhiều nơi ở Việt Nam. Có những đứa trẻ ngay từ khi được sinh ra đã bị dị tật hay mắc bệnh hiểm nghèo"./.