Mặc dù hoạt động xuất khẩu nói chung đang gặp khó khăn, nhưng xuất khẩu lúa gạo lại đang phát đi những tín hiệu khá tươi tắn. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho rằng, khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam!

Tháng 2 - tháng xuất khẩu kỷ lục trong lịch sử xuất khẩu gạo 20 năm qua

Tháng 1-2009 mặc dù là tháng giáp hạt, nhưng cả nước đã xuất được 310.000 tấn gạo. Trong lịch sử xuất khẩu gạo 20 năm qua, đây là tháng xuất khẩu kỷ lục. Trong vòng 9 ngày đầu tháng 2, các doanh nghiệp đã xuất thêm 74.000 tấn gạo với giá bán khoảng 390 USD đến tới 400 USD/tấn, giải quyết được khoảng một nửa số gạo tồn kho từ năm 2008. Giá gạo bình quân trong tháng 2-2009 có thể đạt tới 410 USD, cao hơn tháng 1-2009. Trong tháng 2-2009, các doanh nghiệp sẽ nỗ lực giao khoảng 550.000 - 600.000 tấn. Như vậy, cả 2 tháng đầu năm có thể đạt 900.000 tấn (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 300.000 tấn). Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, trong tuần cuối tháng 1-2009, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20 USD so với tháng trước. Trong đó, có những doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu với giá rất hấp dẫn như gạo 5% tấm có giá 500 USD/tấn, gạo 25% tấm: giá 400 USD/tấn (giá FOB).
 
Năm 2009, Việt Nam có thể đạt mục tiêu xuất khẩu được 5 triệu tấn gạo

Trong năm 2008, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 5,1 triệu tấn gạo, đã giao 4,65 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,9 tỉ USD, gấp hơn hai lần so với năm 2007 (1,4 tỉ USD). Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 cũng đạt mức cao, bình quân là 550 USD/tấn, gần gấp đôi so với năm trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo tổng sản lượng lúa năm 2009 có thể đạt 38 triệu tấn. Đồng bằng sông Cửu Long năm nay sẽ được mùa lớn, sản lượng chắc chắn sẽ đạt 5 triệu tấn. Dự báo được mùa đi liền với khả năng mở rộng thị trường và giá bán có xu hướng nhích lên làm cho ngay từ những ngày cuối tháng 1-2009, thị trường lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã nhộn nhịp trở lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua với số lượng lớn lúa gạo nguyên liệu, chuẩn bị chế biến phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu đầu năm 2009.

Theo tính toán, vụ đông xuân 2009 có thể đạt 9-10 triệu tấn lúa, năng suất bình quân đạt 6,2-6,4 tấn/ha. Với giá lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang nhích lên theo chiều hướng khả quan, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long tính toán: với giá lúa trên 4.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, nông dân sẽ có lãi khoảng 50% - một tín hiệu đáng mừng cho thị trường lúa gạo nói riêng và cho lĩnh vực xuất khẩu nói chung, trong năm nay.

Còn theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong bối cảnh các nước phải tăng cường dự trữ lương thực trước những rủi ro từ khủng hoảng tài chính, trong năm 2009, Việt Nam có thể xuất khẩu được 5 triệu tấn gạo. Cũng theo FAO, năm 2009, tuy giá gạo không tăng đột biến như năm 2008, nhưng vẫn tiếp tục ở mức cao. So với năm 2003, giá gạo tăng khoảng hai lần do nhu cầu gạo của các nước tăng cao trong khi nguồn cung không tăng. Hiện giá phân bón và các vật tư nông nghiệp đã giảm tới 50%, trong khi giá xuất khẩu không giảm nhiều. Đây là tín hiệu tích cực đối với nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, và là cơ hội để bù đắp phần nào thiệt hại mà nhà nông và doanh nghiệp Việt Nam đã gặp phải trong năm 2008.

Hiện nay, diện tích trồng lúa của Việt Nam là 7,5 triệu ha, sản lượng khoảng 39 triệu tấn. Do vậy, mục tiêu xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.

Những vấn đề cần quan tâm

Mặc dù được mùa và có những dấu hiệu tích cực về giá, thị trường tiêu thụ..., tuy nhiên, vẫn rất cần quan tâm đến những yếu tố có tác động không thuận, ảnh hưởng tới những cơ hội, triển vọng tốt đẹp.

Chẳng hạn, tình trạng người nông dân mở rộng diện tích trồng lúa một cách tự phát do giá gạo tăng cao. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan. Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse trong chuyến khảo sát vựa lúa vùng Đông Bắc Thái Lan nói: "Chính phủ đã phát tín hiệu sai lầm ngay từ ban đầu. Giá gạo cao theo chương trình can thiệp giá của chính phủ khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích trồng lúa trong khi giá gạo đang có xu hướng giảm". Theo ông, giá gạo hấp dẫn trong vụ mùa vừa qua đã khuyến khích người nông dân trồng thêm 450.000 rai (1 rai = khoảng 16.000 m2) lúa, tương đương khoảng 3% sản lượng lúa. Trong khi đó, thị trường gạo toàn cầu bỗng trở nên ảm đạm, không có hợp đồng lớn được ký kết. Do các nhà nhập khẩu gạo cho rằng, chính phủ có lượng gạo dự trữ rất lớn, nên họ đã giảm các hợp đồng mua gạo vì tin rằng giá gạo sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Vì thế, Thái Lan sẽ không thể đạt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo trong năm 2009; đồng thời, Thái Lan cũng sẽ mất một số thị trường cho Việt Nam và Ấn Độ. Thực tế cho thấy, năm 2008, Thái Lan đã được hưởng lợi, do Việt Nam và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực trong nước. Phó Chủ tịch Charoen Laothammatas nói rằng, nếu năm 2008 là năm vàng của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan thì năm 2009 sẽ là năm khó khăn khi giá gạo có thể từ 1.000 USD/tấn xuống còn 300USD/tấn. Hiện đã có nhiều khách hàng từ Phi-lip-pin, Xin-ga-po và một số nước châu Phi liên hệ với các doanh nghiệp trong nước để ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới Phi-lip-pin sẽ nhập khẩu của Việt Nam 1,5 triệu tấn gạo trong năm 2009.

Một hiện tượng cần quan tâm khác là tình trạng trồng lúa thơm tự phát trong vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã lên tới 25% đến 30% diện tích. Lúa thơm ở đồng bằng sông Cửu Long trồng hơi khó do vùng sinh thái, thổ nhưỡng... nên chưa đạt mùi thơm theo chuẩn. Giống lúa thơm tốt thường phải trồng ở vùng nước lợ cặp ven biển mới có mùi thơm. Việt Nam lại chưa có thương hiệu về lúa thơm nên khó bán, vì thế, gạo thơm của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với gạo thơm của Thái Lan, nên rất có thể gạo thơm chỉ bán bằng với giá gạo thường như đầu năm 2004, 2008. Vì vậy, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long khuyến nghị, đồng bào chỉ nên trồng một phần nào để cung cấp cho nhà hàng, khách sạn có nhu cầu./.