Trong 2 ngày 11 và 12-7, tại Thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Công Thương và Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế phối hợp đã tổ chức “Diễn đàn kinh tế đồng bằng sông Cửu Long 2008” (MDEC 2008).

MDEC 2008 diễn ra với 3 chuỗi sự kiện là: Hội nghị lãnh đạo các tỉnh thành; Triển lãm thành tựu xây dựng hạ tầng; và Diễn đàn doanh nghiệp. Mục tiêu của MDEC 2008 là tập trung phân tích sâu chủ đề “Phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long”, tìm kiếm giải pháp huy động nguồn vốn, đẩy mạnh liên kết và hợp tác để xây dựng hạ tầng giao thông vùng ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu phát triển.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự “Hội nghị lãnh đạo các tỉnh thành”. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất đánh giá: trong thời gian qua, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long thấp so với cả nước; tiến độ thực hiện dự án chậm và chưa có sự liên kết mang tính liên hoàn giữa các địa phương trong vùng. Kết quả thực hiện Quyết định 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010, định hướng 2020 được đánh giá là chưa thực sự nghiêm túc, chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm về việc thực hiện chậm tiến độ. Theo Quyết định 344, đến năm 2010, sẽ hoàn thành 4 trục dọc chính (Quốc lộ 1A, tuyến N2, N1 và tuyến ven biển-QL 50, QL60), và những cầu lớn: Rạch Miễu, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh... Tuy nhiên, đa số các dự án này tiến độ triển khai chậm, thậm chí có dự án chưa khởi công.

Trong tình hình hiện nay, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương hạn chế, nếu đầu tư theo phương thức BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải thì nhiều nhà đầu tư lo ngại vì khả năng hoàn vốn thấp. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát, giá cả vật liệu tăng càng làm cho quá trình thi công gặp nhiều khó khăn hơn. Theo dự báo, đến năm 2010, giao thông đồng bằng sông Cửu Long có thể vẫn chưa được cải thiện.

Các đại biểu nêu rõ, để phát triển giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long một cách hoàn chỉnh, cần phải xác định lại việc phân bổ nguồn lực quốc gia, xác định vị thế chiến lược của vùng để có cơ sở đầu tư hiệu quả nhất.

Về nguồn vốn, nên có cơ chế đặc thù trong việc huy động nguồn vốn, đồng thời có kế hoạch cân đối cụ thể và phân bổ các nguồn vốn ngân sách, BOT, ODA... cho từng dự án. Mặt khác, phải đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Việc kiến nghị Trung ương tạm hoãn những công trình, dự án để đầu tư những dự án trọng điểm nằm trong chủ trương chung về kiềm chế lạm phát, nhưng đối với những dự án đã ghi được vốn cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lương thực của cả nước, góp phần rất lớn cho chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vì vậy, các đại biểu đề nghị Trung ương xem xét mức đầu tư cho tương xứng với đóng góp của vùng.

Sau khi kết thúc cả 3 chuỗi sự kiện của MDEC 2008, Ban tổ chức sẽ ra tuyên bố chung, tập hợp các kiến nghị trình lên Chính phủ, để có thể sớm có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực cho đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững. MDEC 2009 sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đăng cai tổ chức với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực cho đồng bằng sông Cửu Long”./.