“Phụ nữ chung tay tìm giải pháp cho các vấn đề của thế kỷ 21” và những đóng góp của Việt Nam
TCCSĐT - Từ ngày 5 đến ngày 7-5, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu thế kỷ 21 và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, tại thủ đô I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tại Hội nghị, các đại biểu của hơn 80 quốc gia trên thế giới đã tập trung thảo luận 6 nhóm vấn đề lớn: tăng trưởng kinh tế khu vực toàn cầu, phát triển kinh doanh có sử dụng công nghệ, các chính sách thúc đẩy đời sống kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy cơ hội làm ăn kinh tế cho phụ nữ, giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn nước - một loại dầu khí của thế kỷ XXI.
Với chủ đề “Phụ nữ chung tay tìm giải pháp cho các vấn đề của thế kỷ 21”, Diễn đàn lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo nữ trao đổi về các giải pháp kinh tế, tiền tệ, năng lượng, môi trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc triển khai các chiến lược quản lý tư và công.
Tại phiên khai mạc, bà I-ren Na-ti-vi-đát (Irene Natividad), Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu đã khẳng định: Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu ngày càng có vị thế quan trọng, là cầu nối để phụ nữ trên khắp thế giới có thể liên kết với nhau, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt là những phụ nữ ở các quốc gia kém phát triển, những phụ nữ thuộc nhóm dễ bị tổn thương do những khủng hoảng đang xảy ra trên thế giới. Diễn đàn cũng kêu gọi phụ nữ khắp nơi trên thế giới nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực đưa ra các sáng kiến mới, ý tưởng mới để có thể tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Nhân dịp này, thay mặt phụ nữ trên toàn thế giới, bà I-ren Na-ti-vi-đát đã đề nghị các quốc gia, các chính phủ hãy tạo điều kiện, trao quyền để phụ nữ có cơ hội nâng cao vị thế của mình, được cống hiến nhiều hơn nữa vào sự phát triển của xã hội, vì một thế giới công bằng và văn minh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị năm nay và cho rằng: trong bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề thách thức mang tính toàn cầu, như khan hiếm năng lượng, lương thực, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu..., Hội nghị là cơ hội để các đại biểu tập trung thảo luận và đề ra các biện pháp phát huy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc giải quyết những thách thức trên. Tham dự Hội nghị, đoàn đại biểu Việt Nam đã tích cực trao đổi kinh nghiệm, tăng cường quan hệ với các nhà lãnh đạo nữ của các quốc gia, tìm kiếm các đối tác vì sự tiến bộ chung của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, trong đó nổi bật là việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động - việc làm và chăm sóc sức khỏe.
Theo thống kê đến năm 2010, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nữ ở khu vực nông thôn đã tăng lên 82%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở khu vực thành thị đã giảm xuống dưới 5%. Việc thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2010, tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai đủ 3 lần đã tăng lên 70%, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm xuống còn 69/100.000 người, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam đã tăng từ 70 tuổi (năm 1999) lên 76 tuổi (năm 2010).
Hiện nay, chỉ số quyền năng giới của Việt Nam đã đạt 0,554, đứng vị trí thứ 62/109 nước và được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách về giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và trên cơ sở mục tiêu của Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đề nghị các quốc gia, các tổ chức quốc tế cần có sự nhìn nhận thích đáng đối với vai trò của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để phụ nữ được tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, trong đó có việc quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu cũng cần tăng cường tiếng nói tư vấn cho các tổ chức quốc tế, đề xuất giải pháp cho các chính phủ nhằm phát huy vai trò và khả năng của phụ nữ trong việc giải quyết các vấn đề chung của toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan cũng khẳng định: Việt Nam luôn mong muốn và tin tưởng rằng, Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tiếp tục là diễn đàn trao đổi thiết thực, là cơ hội để tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, là nơi để phụ nữ trên khắp thế giới có thể bày tỏ nhu cầu được cống hiến, chia sẻ những ý tưởng, hoài bão trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, phục vụ sự tiến bộ của phụ nữ.
Bên lề Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc Pắc Hi Giăng (Park Hee Young). Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Pắc Hi Giăng đã trao đổi các chủ đề mà đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam và Hàn Quốc cùng quan tâm, đóng góp vào nội dung của Hội nghị; đồng thời thảo luận những vấn đề liên quan đến phụ nữ của hai nước hiện nay. Bộ trưởng Pắc Hi Giăng cảm ơn Phó Chủ tịch nước đã dành thời gian tiếp đoàn và cho biết Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang thực hiện nhiều chương trình bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, đặc biệt là những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc trong việc hỗ trợ các cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc nhanh chóng hòa nhập xã hội nước sở tại, cảm ơn Hàn Quốc đã giúp đỡ xây dựng các trung tâm dạy nghề cho phụ nữ tại một số tỉnh của Việt Nam, mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý có hiệu quả để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công dân hai nước, nhất là phụ nữ, góp phần quan trọng trong việc củng cố tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.
Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 21 lần này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác song phương ngày càng hiệu quả giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại Diễn đàn, với sự tham dự của hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đánh giá cao những nỗ lực phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua và khẳng định: Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Nam châu Á.
Trong thời gian qua, trao đổi giữa hai nước tăng trưởng nhanh và ổn định. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng trưởng liên tục từ mức 426 triệu USD (năm 2009) lên 636 triệu USD (năm 2010) và dự kiến sẽ đạt 1 tỉ USD trong năm 2011.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở đường bay trực tiếp từ I-xtan-bun tới Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là điều kiện hết sức thuận lợi để hai nước có thêm cơ hội phát triển du lịch, các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu và hợp tác kinh doanh đối với các sản phẩm là lợi thế của mỗi nước.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan đề nghị các doanh nghiệp cần phát huy những lợi thế sẵn có mà Chính phủ hai nước đã cam kết để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, tương xứng với tiềm năng hiện có của hai nước, phấn đấu đạt chỉ tiêu 2 tỉ USD kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2012 và tăng dần trong các năm tiếp theo.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đã giới thiệu cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ về tính ưu việt của thị trường Việt Nam. Đó là sự ổn định chính trị, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm công bằng bình bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Phó Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tạo thuận lợi cho hàng hóa hai bên dễ dàng thâm nhập thị trường của nhau.
Thay mặt Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Thủ tướng Bu-lin A-rin (Bulent Arinc) bày tỏ mong muốn Chính phủ hai nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc hợp tác khai thác thị trường có hiệu quả, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu, Trung Đông. Ngược lại, thông qua Việt Nam, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng thông thương với các nước Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Bu-lin A-rin cũng bày tỏ mong muốn: trong thời gian sắp tới, Chính phủ hai nước sớm tiến hành ký Hiệp định Thương mại nhằm thúc đẩy một cách toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, góp phần đưa mối quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước./.
Đoàn giám sát, kiểm tra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử làm việc tại Bắc Ninh  (09/05/2011)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón, tiếp Toàn quyền Ô-xtrây-li-a Quin-tin Brai-xơ  (09/05/2011)
Toàn quyền Ô-xtrây-li-a thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (09/05/2011)
Đoàn Đảng Cộng sản Việt Nam dự cuộc họp ICAPP  (09/05/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay