Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-5-2019)
TCCSĐT - Nhìn lại quá trình lãnh đạo đất nước trong 2 năm qua, nhiều người cho rằng, không thể phủ nhận nỗ lực của Tổng thống Pháp E. Macron trong việc cải cách toàn diện nước Pháp, thúc đẩy vị thế của Pháp trong Liên minh châu Âu (EU) và trên thế giới. Tuy nhiên, thách thức từ làn sóng biểu tình “Áo vàng” liên tục trong 6 tháng qua đang phơi bày những vấn đề trong lòng xã hội Pháp và đặt Tổng thống E. Macron trước những thách thức không nhỏ trong 3 năm tiếp theo của nhiệm kỳ tổng thống.
Nhìn lại 2 năm cầm quyền của Tổng thống Pháp
Tổng thống Pháp E. Macron. Ảnh: France 24
Cách đây 2 năm, ngày 14-5-2017, Tổng thống Pháp E. Macron chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 8, tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Ngay sau khi vừa nhậm chức, Tổng thống E. Macron nỗ lực thực hiện các cam kết trong chương trình tranh cử, trong đó có các chương trình cải cách sâu rộng và toàn diện, từ đề xuất cải cách Hiến pháp, cải cách Luật lao động, cải cách tư pháp, Luật tỵ nạn và nhập cư, đến các cải cách xã hội như cải cách Công ty đường sắt quốc gia (SNCF) hay cải cách giáo dục đại học... Những nỗ lực cải cách này đã giúp Tổng thống E. Macron nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân bởi kết quả cho thấy, nền kinh tế Pháp đã có nhiều khởi sắc. Các nhà phân tích cho rằng, tuy bức tranh kinh tế Pháp sáng sủa hơn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do phục hồi kinh tế toàn cầu và “độ trễ” của các chính sách từ nhiệm kỳ trước, nhưng cũng không thể phủ nhận những kết quả của chính quyền Tổng thống Macron trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Mức đầu tư của doanh nghiệp Pháp ở thời điểm năm 2018 được đánh giá là cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Lòng tin của giới doanh nghiệp đã quay trở lại.
Tuy nhiên, nếu như trong năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống E. Macron đã để lại nhiều ấn tượng khi bức tranh kinh tế Pháp đạt tăng trưởng khá, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thì trong năm thứ hai, Tổng thống E. Macron phải đối mặt với thời điểm được xem là khó khăn nhất kể từ khi nhậm chức. Đó là làn sóng biểu tình của những người “Áo vàng” làm nước Pháp trở nên hỗn loạn trong suốt 6 tháng qua. Đây là cuộc khủng hoảng xã hội “chưa từng có” khiến Tổng thống E. Macron gặp nhiều lúng túng để có thể tìm ra giải pháp ứng phó. Không chỉ có phong trào “Áo vàng”, trong năm qua, nước Pháp còn là nơi diễn ra nhiều cuộc đình công, biểu tình của nhân viên đường sắt, hàng không, giáo dục... nhằm phản đối biện pháp cải tổ của Chính phủ. Điều đó phản ánh phần nào tâm trạng hoài nghi của người dân Pháp đối với Tổng thống đương nhiệm.
Trong bối cảnh đối mặt với những thách thức uy tín suy giảm, mới đây vào ngày 25-4-2019, Tổng thống E. Macron đã tổ chức một cuộc họp báo công bố kế hoạch cải cách nhằm mang lại ổn định cho đất nước sau một năm đầy sóng gió. Động thái này được xem là cách thức để lấy lại sự tín nhiệm và cũng là bước đi nhằm chuẩn bị cho quá trình tái tranh cử vào năm 2022. Trong cố gắng nhằm hàn gắn những rạn nứt xã hội, Tổng thống E. Macron cam kết sẽ giảm “đáng kể” thuế thu nhập, cũng như loại bỏ các lỗ hổng thuế. Nhằm nâng cao mức sống của người về hưu, Tổng thống Pháp cam kết hệ thống lương hưu sẽ được cải tổ, nhất là đối với mức dưới 2.000 euro/tháng. Bên cạnh đó, sẽ không có trường học và bệnh viện nào sẽ bị đóng cửa từ nay đến năm 2022.
Mặc dù đã đưa ra những quyết định được xem là kịp thời nhằm cải thiện tình trạng mâu thuẫn trong xã hội, song thực tế hiện nay, dường như tỷ lệ ủng hộ Tổng thống E. Macron sau 2 năm ông lãnh đạo nước Pháp vẫn chưa được cải thiện. Theo cuộc thăm dò của Hãng Ifop thực hiện hồi tháng 4-2019, chỉ có 29% số người được hỏi tỏ ra hài lòng với cách điều hành hiện nay của Tổng thống E. Macron, trong khi đó tới 69% có ý kiến ngược lại. Các nhà phân tích cho rằng, để thực sự hóa giải được thực trạng đất nước đang bị chia rẽ cũng như thực hiện được những bước đi đột phá mang lại luồng gió mới cho nước Pháp, Tổng thống E. Macron còn phải vượt qua nhiều thách thức.
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Nga
Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo. Ảnh: TTXVN
Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo thực hiện chuyến thăm Nga ngày 15-5. Chuyến thăm được coi là cơ hội tháo gỡ thế đối đầu giữa hai nước.
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề song phương và toàn cầu, bao gồm kiểm soát vũ khí, biến động chính trị ở Venezuela, phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và Iran, cuộc khủng hoảng tại Syria... Về quan hệ song phương, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo cho biết, Tổng thống D. Trump quyết tâm cải thiện quan hệ với Moscow, đồng thời khẳng định hai nước có thể không đồng thuận về một số vấn đề, song vẫn có chỗ cho sự hợp tác, đặc biệt là trong hoạt động chống khủng bố và không phổ biến hạt nhân. Đáp lại, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov cho rằng đã đến lúc Nga và Mỹ bắt đầu hướng hợp tác mới mang tính xây dựng.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng M. Pompeo đến Nga lần này diễn ra trong bối cảnh thời gian qua, mối quan hệ giữa hai nước bị phủ bóng đen bởi việc Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt Nga. Ngoài ra, hàng loạt những khác biệt liên quan đến chính sách đối ngoại cũng khiến cho mối quan hệ Nga - Mỹ liên tục trong tình trạng căng thẳng. Hầu hết các vấn đề “nóng” của quốc tế hiện nay như tình hình tại Syria, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Venezuela, Iran đều đang chứng kiến sự “đối đầu” giữa Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, khi giữa lúc quan hệ Nga - Mỹ đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng thì trong những ngày đầu tháng 5 lại xuất hiện những tín hiệu tích cực. Đó là việc Tổng thống D. Trump ngày 03-5 tiến hành điện đàm với Tổng thống Nga V. Putin. Cuộc điện đàm do phía Mỹ đề nghị được Tổng thống D. Trump đánh giá “rất tích cực". Tiếp đó, Ngoại trưởng M. Pompeo cũng có cuộc hội đàm với người đồng cấp S. Lavrov bên lề cuộc họp Bộ trưởng Hội đồng Bắc cực ở thành phố Rovaniemi (Phần Lan). Các nhà phân tích cho rằng, có lẽ hiện là thời điểm thuận lợi để Mỹ cải thiện quan hệ với Nga. Đặc biệt đối với Tổng thống D. Trump khi kết luận điều tra của Công tố viên đặc biệt R. Muller công bố gần đây cho thấy không có sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông D. Trump với giới chức Nga.
Cho dù cả Nga và Mỹ đã tỏ ra thiện chí, song các nhà phân tích cũng cho rằng với một mối quan hệ vốn đã chứa đựng nhiều bất đồng, thì điều mà dư luận hy vọng trước mắt chỉ có thể là khả năng hai nước sẽ ngừng việc tiếp tục làm xấu đi quan hệ song phương, bắt đầu tiến trình xây dựng lòng tin và khôi phục hợp tác trên một số lĩnh vực “có chọn lọc”. Nhìn chung tại chuyến thăm, hai bên bước đầu đạt được sự đồng thuận “mang tính định hướng” trong 3 vấn đề là Triều Tiên, Syria và kiểm soát vũ khí. Trong khi những vấn đề luôn gây căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ thời gian gần đây như Iran hay Venezuela mới chỉ được coi là dịp để hai bên trình bày quan điểm, chứ chưa thể đưa ra những giải pháp hay biện pháp nào khả thi.
Sắc lệnh của Mỹ đối với Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Ngày 15-5, Tổng thống Mỹ D. Trump ra sắc lệnh cấm các công ty của nước này sử dụng thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc). Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, vụ việc tiếp tục đẩy “cuộc đối đầu” giữa hai cường quốc ngày càng đi xa.
Ngay sau sắc lệnh của Chính phủ Mỹ, ngày 16-5, Tập đoàn Huawei đưa ra tuyên bố cho rằng, “những hạn chế vô lý” của Mỹ đã xâm phạm các quyền của tập đoàn này và gây ra các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khác. Cùng ngày, Trung Quốc khẳng định sẽ “kiên quyết bảo vệ” các công ty của nước này, sau khi Washington coi các thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei là rủi ro an ninh.
Huawei được thành lập vào năm 1987, là tập đoàn tư nhân của Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và các thiết bị thông minh. Huawei được biết đến là đối thủ đã soán ngôi vị trí “á quân” của tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple trên thị trường điện thoại thông minh. Đặc biệt, Huawei là nhà sản xuất thiết bị hàng đầu cho mạng 5G, một lĩnh vực mà công ty này có thế mạnh và kế hoạch đầu tư tại nhiều nước. Từ cạnh tranh gay gắt giữa hai nhà sản xuất, khi cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và không gian mạng càng quyết liệt, thì những tập đoàn như Huawei sẽ bị đẩy lên tuyến đầu.
Chủ đề Huawei tại Mỹ cũng mang những yếu tố chính trị. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh quốc gia và công nghiệp Mỹ nhiều lần đề cập tới những rủi ro an ninh xuất phát từ các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông được sản xuất tại Trung Quốc. Thực tế Huawei đã nằm dưới sự theo dõi của giới chức Mỹ từ hơn 10 năm qua. Bên cạnh đó, Mỹ còn khuyến cáo các nước phương Tây tẩy chay các sản phẩm gắn mác Huawei, động thái được nhận định là lôi kéo các đồng minh và đối tác tạo một “thế trận cờ vây” xung quanh Huawei, mà mục tiêu là hướng tới “cô lập” Trung Quốc, ít nhất là về kinh tế. Australia, New Zealand cùng nhiều nước khác đã cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei do những lo ngại rằng, Bắc Kinh có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia.
Hiện Huawei đang trải qua thời kỳ khó khăn sau vụ nhà chức trách Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu hồi tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc Tập đoàn Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Đây được xem là nhằm thể hiện sức mạnh và uy lực của Washington trước đối thủ đang đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Dù diễn biến vụ việc theo chiều hướng nào thì cũng báo hiệu Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một thế trận tranh giành ảnh hưởng ngày càng quyết liệt. Do vậy, trước quyết định của Mỹ cấm các công ty của nước này sử dụng thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei, giới phân tích cảnh báo việc kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ làm cho bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều hệ lụy khi bất ổn an ninh gia tăng tại vùng Vịnh
Hai trạm bơm bị ném bom thuộc Công ty dầu mỏ Saudi Aramco. Ảnh: TTXVN
Sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái do lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen tiến hành nhằm vào đường ống dẫn dầu chính của Saudi Arabia ngày 14-5, nước chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này đã ngừng bơm dầu thô trên đường ống dẫn dầu chính. Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ - Iran leo thang, những diễn biến mới khiến cộng đồng quốc tế quan ngại “chảo lửa” Trung Đông lại bùng phát, cũng như tác động lớn tới thị trường dầu mỏ.
Cuộc tấn công do phiến quân Houthi tiến hành khiến giới phân tích nhận định, Yemen đang là một trong những mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran do hai nước ủng hộ các bên đối địch tại quốc gia Arab này. Vụ tấn công cũng có thể làm leo thang hơn nữa chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn dắt tại Yemen.
Về thị trường dầu mỏ, theo Ngân hàng UBS, Trung Đông là nơi sản xuất gần 1/3 sản lượng dầu toàn cầu và gần như toàn bộ công suất dự phòng của thế giới. Chính vì vậy, thị trường dầu rất nhạy cảm với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở khu vực này. Trong phiên giao dịch ngày 15-5, giá dầu thế giới tăng do khả năng căng thẳng leo thang tại Trung Đông ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu đã lấn át sự gia tăng bất ngờ trong lượng dầu thô dự trữ của Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã bất ngờ tăng 5,4 triệu thùng trong tuần trước lên mức cao nhất kể từ tháng 9-2017, trái ngược với dự đoán giảm 800.000 thùng đưa ra trước đó. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu và các doanh nghiệp vận chuyển dầu tại châu Á đã ra báo động đối với các chuyến tàu chở dầu từ khu vực này đến Trung Đông sau khi xảy ra loạt vụ tấn công nhằm vào đường ống dẫn dầu Petroline và hai tàu chở dầu của Saudi Arabia. Theo các nguồn tin trong lĩnh vực dầu mỏ, ngay sau các vụ tấn công trên, giá dầu mỏ thế giới đã tăng hơn 1% trong ngày 15-5, khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lọc dầu châu Á tăng theo.
Sau các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu của UAE và Saudi Arabia, Ngoại trưởng UAE, ông A. Gargash khẳng định sẽ kiềm chế và ưu tiên giảm căng thẳng, thận trọng và đánh giá chính xác tình hình. Trong cuộc gặp giữa Thái tử UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tại thủ đô Cairo (Ai Cập), hai bên đã thảo luận tình hình mới nhất tại khu vực trong bối cảnh vùng Vịnh đang chứng kiến các cuộc tấn công phá hoại nhằm vào 4 tàu ngoài khơi UAE và cuộc tấn công vào 2 giếng dầu tại Saudi Arabia. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực nhằm tìm kiếm “các giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đã lên án các vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại vừa qua, nhấn mạnh sự cần thiết phải hoàn tất quá trình điều tra, đồng thời quy trách nhiệm cho những kẻ đứng sau các vụ tấn công này. Bên cạnh đó, ông cũng kịch liệt chỉ trích hành động tấn công một số cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia, coi đây là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh những hành động làm phức tạp tình hình.
Nga - Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược
Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga S. Lavrov. Ảnh: AP News
Nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến thăm hai ngày 13 và 14-5 tới thành phố Sochi (Nga). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh công tác chuẩn bị đang được tiến hành cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga vào tháng 6 tới để tham gia Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg.
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương, trao đổi quan điểm về ổn định chiến lược toàn cầu, vấn đề của Liên hợp quốc, tình hình Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Venezuela, thỏa thuận hạt nhân Iran và vấn đề Afghanistan.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhắc lại Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V. Putin bên lề Diễn đàn hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” lần thứ hai tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng trước. Tại cuộc gặp đầu tiên trong năm nay, hai nhà lãnh đạo đã hoạch định phương hướng phát triển quan hệ song phương và tạo khởi đầu tốt để cùng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh và Moscow cần tăng cường hợp tác chiến lược nhằm đối mặt với sự bất ổn toàn cầu cũng như chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy. Đồng tình với quan điểm trên, Ngoại trưởng S. Lavrov khẳng định Nga luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và điều này phù hợp với lợi ích lâu dài của Nga.
Là hai quốc gia láng giềng, Nga và Trung Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác lớn. Tuy nhiên, hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh chỉ thực sự bứt phá kể từ năm 2014, thời điểm các nước phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nhằm thoát khỏi các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đẩy mạnh chính sách “xoay trục” sang hướng Đông, trong đó Trung Quốc là một trong những trụ cột hợp tác.
Các chuyên gia phân tích nhận định, trong thời gian tới, quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của mỗi bên. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh đang có nhu cầu về năng lượng và không muốn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt, dầu mỏ từ Trung Đông, nên hợp tác với Nga trong lĩnh vực này luôn được coi là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Còn đối với Nga, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ dầu khí trong bối cảnh đang bị các nước phương Tây trừng phạt là một mục tiêu mang tính chiến lược. Hợp tác giữa hai nước cũng sẽ được mở rộng đáng kể khi hiện thực hóa sáng kiến kết nối Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) với các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ một cuộc chiến thương mại kéo dài, còn các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vẫn chưa được dỡ bỏ, Moscow và Bắc Kinh sẽ xích lại gần nhau hơn./.
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển cân bằng và bền vững cho Việt Nam  (20/05/2019)
Tiêu thụ điện đã cao kỷ lục, vận hành hệ thống điện gặp nhiều thách thức  (20/05/2019)
Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019)  (19/05/2019)
Một số hoạt động của lãnh đạo Chính phủ  (19/05/2019)
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc của Bác  (19/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển