Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3
TCCSĐT - Ngày 05-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ của một số tỉnh, thành phố đã tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.
Giải pháp tập hợp phụ nữ, phát triển và quản lý hội viên
Tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo giải pháp tập hợp phụ nữ, phát triển và quản lý hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cụm thi đua Tây Nam Bộ.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ 12 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ gồm Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau.
Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội thảo nhằm nhìn nhận thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp tập hợp phụ nữ, phát triển và quản lý hội viên của Cụm, từ đó phấn đấu không còn cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp phụ nữ dưới 50%.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra khung giải pháp khắc phục tình trạng khó tập hợp phụ nữ tham gia tổ chức Hội và giảm số cơ sở đạt tỷ lệ tập hợp dưới 50%. Đối với phụ nữ đi làm ăn xa, sẽ phân tích nhóm đối tượng đi làm ăn xa để có hình thức tập hợp phù hợp; đồng thời quan tâm, thăm hỏi động viên gia đình có phụ nữ đi làm ăn xa. Đối với phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài, nắm thực trạng và những vấn đề đặt ra để báo cáo cấp ủy, Hội cấp trên; cũng như tăng cường công tác tuyên truyền về hôn nhân có yếu tố nước ngoài để giảm rủi ro.
Đối với phụ nữ không thích tham gia sinh hoạt Hội vì không thấy được quyền lợi thiết thực, Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi thiết thực của phụ nữ tại địa phương, cơ sở; thí điểm một số vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm và tạo dựng uy tín của tổ chức Hội. Riêng đối với phụ nữ không thích tham gia sinh hoạt Hội vì đơn điệu, nhàm chán, Hội tập trung đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt đáp ứng nhu cầu chị em; đồng thời có cách tiếp cận mới về mô hình Chi hội Phụ nữ theo đặc thù sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp.
Theo ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, thời gian qua, Hậu Giang luôn tập hợp được phụ nữ tham gia Hội ở tỷ lệ cao trên 70%. Hội thảo hôm nay là dịp Hậu Giang tham khảo những mô hình, cách làm hay của các tỉnh, thành phố, để thời gian tới áp dụng thực tế của địa phương, đưa phong trào tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên hiệu quả hơn.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An cho biết, do đặc thù địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, nên công nhân nữ chiếm khá đông. Tuy nhiên, thời gian qua việc tập hợp lực lượng này tham gia Hội chưa được nhiều. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An sẽ thành lập các câu lạc bộ nữ, nhóm phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, từ đó phát triển hội viên; đồng thời cũng tăng cường các hoạt động phù hợp với hội viên trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Hội thảo giải pháp tập hợp phụ nữ, phát triển và quản lý hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cụm thi đua Tây Nam Bộ, đã đề cập nhiều vấn đề quan tâm, như: Hoạt động Hội thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu, quyền lợi hợp pháp của chị em; cán bộ Hội nhiều nơi chưa đủ trình độ, năng lực để thu hút chị em tham gia; giải pháp tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên khu vực Tây Nam Bộ trong thời gian tới…
Lan tỏa phong trào “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ tổ chức phát động phong trào “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2019 - 2020. Chương trình nhằm huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội chung tay chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ các dân tộc ở địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo; qua đó thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ Diệp Thị Thu Hồng, đồng bào các dân tộc cư trú trên địa bàn biên giới, hải đảo, hằng ngày cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, trong đó có những đóng góp vô cùng quan trọng của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đời sống của người dân tại khu vực biên cương, đặc biệt là phụ nữ còn gặp rất nhiều khó khăn; họ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, thành phố Cần Thơ hy vọng góp phần khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, cũng như huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng, trước hết là các cấp Hội Phụ nữ và lực lượng bộ đội biên phòng chia sẻ một phần những khó khăn của phụ nữ ở các xã biên giới, hải đảo.
Được sự phân công của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong giai đoạn 2019 - 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ phụ trách hỗ trợ 2 xã Vĩnh Điều và Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Mỗi cụm thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu hỗ trợ ít nhất mỗi năm một căn nhà Mái ấm tình thương (trị giá khoảng 32 triệu đồng) cho hội viên ở 2 xã Vĩnh Điều và Phú Lợi (Kiên Giang). Ngoài ra, mỗi đơn vị có khả năng vận động xã hội hóa thêm về kinh phí, quà tặng (xe đạp, nhu yếu phẩm, tập sách, trang thiết bị…).
Đặc biệt, trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ sẽ vận động cán bộ, đoàn thể cùng toàn thể người dân tham gia ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” thông qua việc nhắn tin với cú pháp BC gửi tổng đài 1409. Thời gian gửi tin nhắn từ ngày 07-3 đến ngày 06-5, mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng sẽ được góp vào Quỹ Vì phụ nữ biên cương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh khẳng định, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình rất thiết thực nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội chung tay hướng về các xã biên giới, hải đảo, đồng bào các dân tộc thiểu số để góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Phó Chủ tịch Võ Thị Hồng Ánh mong rằng, chương trình sẽ góp phần giảm bớt được phần nào những khó khăn, vất vả cho chị em ở các vùng biên cương xa xôi, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.
Hơn 90 vận động viên tham dự Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương 2019
Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ 9 năm 2019 tranh Cúp Biwase do Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương phối hợp với Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 08 đến 16-3. Trưởng Ban Tổ chức Giải đua Ngô Văn Lui cho biết.
Theo ông Ngô Văn Lui, Giải đua lần này quy tụ hơn 90 nữ vận động viên đến từ 9 đội xe đạp nữ thuộc các câu lạc bộ mạnh trong nước (Biwase Bình Dương, RDCO Vĩnh Long, Hạt Ngọc Trời An Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh - Minh Giang, Tuyển trẻ Việt Nam…) cùng 7 đội đua đến từ các nước có phong trào xe đạp mạnh là Nhật Bản, Hà Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Australia; trong đó, Nhật Bản có 2 đội). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương đón chào một đội đua nữ đến từ Australia, đại diện của Châu Đại Dương tham dự và cũng là đội mạnh hứa hẹn mang đến một làn gió mới, những cuộc tranh tài sôi nổi, gây cấn và quyết liệt của cuộc đua.
Ngoài ra, Giải đua này được xem là một giải đấu đầy thử thách và cực kỳ khó khăn, có lộ trình là những cung đường đồi dốc liên tục. Các cua-rơ nữ sẽ phải chinh phục các ngọn đèo hiểm trở như: Bảo Lộc, Prenn cùng với Cù Hin và đèo Vĩnh Hy, với 9 chặng thi đấu, có tổng lộ trình đua hơn 800 km, để tìm chủ nhân các danh hiệu áo đỏ (vua leo núi), áo xanh (nước rút), áo trắng (tay đua trẻ dưới 20 tuổi), áo hồng (hoa khôi), áo vàng vô địch cá nhân cùng chức vô địch đồng đội chung cuộc, với tổng giá trị giải thưởng gần 400 triệu đồng.
Theo ông Ngô Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao Việt Nam, đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương là giải đua truyền thống nằm trong hệ thi đấu quốc gia dành riêng cho nữ và đã trở thành thương hiệu. Đây là sân chơi uy tín bậc nhất của làng xe đạp nữ Việt Nam và bạn bè quốc tế, cũng là sự kiện để tôn vinh phái đẹp. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ và kinh nghiệm chuyên môn để chuẩn bị cho các giải đua xe đạp toàn quốc trong năm 2019 và các giải quốc tế. Đặc biệt, năm 2018 cũng là năm thành công của các vận động viên xe đạp đường trường nữ Việt Nam với nhiều thành tích quốc tế nổi bật như 2 chiếc Huy chương Vàng tại SEA Games 29 được tổ chức tại Malaysia hay việc vận động viên Nguyễn Thị Thật đã vươn lên xếp hạng 77 thế giới, thứ hạng cao nhất mà vận động viên xe đạp nữ Việt Nam từng có./.
Khuyến khích doanh nghiệp Pháp mở rộng đầu tư tại Việt Nam  (05/03/2019)
Xây dựng đô thị thông minh ở Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (05/03/2019)
Việt Nam năm 2018: Đánh giá của cộng đồng quốc tế  (05/03/2019)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 25-2 đến ngày 03-3-2019)  (05/03/2019)
Nâng mức hỗ trợ cho nông dân phải tiêu hủy lợn do dịch tả châu Phi  (04/03/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển