Bộ đội Biên phòng phát huy truyền thống trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Hoàng Xuân Chiến Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
22:44, ngày 01-03-2019

TCCS - Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng luôn khắc phục mọi khó khăn, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cách đây 60 năm, ngày 19-11-1958, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Bộ Chính trị khóa II đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”. Sau đó, ngày 03-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg về “Thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang”, trong đó nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách làm công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, do Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, quản lý”. Tham dự buổi lễ thành lập lực lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ, chiến sĩ phải “Đoàn kết cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã dời đồng bằng, thành phố, tiến lên vùng cao biên giới, ra biển, đảo lập đồn, trạm, giúp đỡ nhân dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng “lũy thép biên phòng nhân dân”...

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với tinh thần “Cảnh giác, mưu trí, sáng tạo”, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương kịp thời phát hiện, bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích, đập tan nhiều vụ bạo loạn, góp phần giữ vững sự ổn định ở khu vực biên giới miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, lực lượng biên phòng lần đầu tiên triển khai đồn, trạm biên giới, vận động nhân dân xây dựng gần 8.000km phòng tuyến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, hình thành hệ thống bảo vệ biên giới trên phạm vi cả nước. Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, lực lượng bộ đội biên phòng luôn nêu cao ý chí kiên cường, dũng cảm, tinh thần độc lập dân tộc, thực hiện phối hợp hiệu quả với các lực lượng, lập được nhiều chiến công; qua đó, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia và củng cố hòa bình, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia anh em.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia với những yêu cầu mới rất phức tạp, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, nghiệp vụ và các biện pháp công tác biên phòng. Các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới; qua đó, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, huy động sức mạnh của nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Có thể nói, thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, lực lượng bộ đội biên phòng đã góp phần quan trọng, trực tiếp tham gia xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng đã chủ động triển khai đội ngũ cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn ở khu vực biên giới, thực hiện “3 bám, 4 cùng” (“3 bám” bao gồm bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách, bám đơn vị; “4 cùng” bao gồm cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), vừa làm nhiệm vụ chuyên môn là tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa giúp đỡ, cùng nhân dân lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa. Lực lượng bộ đội biên phòng còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhân dân tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới hình thức giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới(1).

Bộ đội Biên phòng phối hợp với Bộ Ngoại giao và cấp ủy, chính quyền các địa phương ở khu vực biên giới tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về công tác phân giới, cắm mốc và các hiệp định, quy chế biên giới cho hàng nghìn lượt cán bộ tham gia công tác này; nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền ở các xã, đồn biên phòng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân... Từ năm 2017 đến nay, nhiều mô hình và cách thức tuyên truyền sáng tạo đã được các đơn vị bộ đội biên phòng thực hiện có hiệu quả, như tổ chức phòng đọc biên giới; xây dựng tủ sách, ngăn sách, ô sách pháp luật ở các đơn vị bộ đội biên phòng; luân chuyển sách từ các thư viện tỉnh, huyện đến xã và các điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân; biên soạn bộ đề cương, tờ gấp tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Phòng, chống tội phạm về ma túy; tổ chức thi tìm hiểu Luật Biên giới quốc gia năm 2003 cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân ở khu vực biên giới...

Các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng còn phối hợp với lực lượng công an triển khai thực hiện tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn, bản ở khu vực biên giới”, gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tham gia phòng, chống, tố giác tội phạm, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở khu vực này(2). Căn cứ vào tình hình thực tiễn và đặc điểm truyền thống văn hóa của từng vùng, địa phương, các tổ, đội tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng phối hợp với các tổ, đội thông tin văn hóa lưu động của các địa phương tổ chức kết hợp hình thức tuyên truyền miệng với giao lưu văn hóa, văn nghệ... Bên cạnh đó, hằng năm, Bộ đội Biên phòng trực tiếp tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân, phát động các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần tuyên truyền cho nhân dân về truyền thống đoàn kết, đấu tranh xây dựng và bảo vệ biên giới...

Với các hình thức cụ thể, thiết thực, công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác của đồng bào trước âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền kích động của các phần tử phản động, các thế lực thù địch; đồng thời kịp thời cổ vũ, động viên các phong trào quần chúng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, phát huy sức mạnh toàn dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ năm 2009 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã huy động nhân dân tham gia tuần tra bảo vệ biên giới 93.578 lần và cung cấp gần 10.000 nguồn tin phục vụ công tác.

Thứ hai, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Trên cơ sở quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng đã triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Phối hợp với Cảnh sát biển và Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các loại tội phạm về ma túy, buôn lậu, mua bán người, xâm phạm an ninh quốc gia, vượt biên... Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhân dân ở các địa phương trong việc duy trì thực hiện tốt các hiệp định, nghị định, quy chế về biên giới và phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ; giải quyết có tình, có lý các vấn đề phức tạp ở khu vực biên giới, bảo đảm đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, phát huy sức mạnh của quần chúng tại chỗ, không để xảy ra đối đầu, căng thẳng.

Trong quá trình tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, ở các địa phương đã xuất hiện nhiều phong trào quần chúng tiêu biểu, như các phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữa gìn an ninh, trật tự xóm, bản biên giới”, “Tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Người phụ nữ vì biên giới”...

Thứ ba, tham gia xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh toàn diện.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng tiến hành tăng cường cán bộ, chiến sĩ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn để làm nhiệm vụ tham mưu, giúp địa phương củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội. Bộ đội Biên phòng đã phân công trên 7.000 đảng viên ở các đồn biên phòng phụ trách gần 34.000 hộ dân ở khu vực biên giới; toàn lực lượng có 332 cán bộ, chiến sĩ được tăng cường về các xã biên giới, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ được bầu, phân công giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền xã; giới thiệu 1.447 đảng viên ở các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới, qua đó trực tiếp củng cố các chi bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và xây dựng các đoàn thể nhân dân vững mạnh. Việc chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, xóa tình trạng các thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ của các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng trên các địa bàn đứng chân đã góp phần củng cố, kiện toàn về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực biên giới. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng cũng như hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền từng bước được nâng lên; hoạt động của các đoàn thể nhân dân dần đi vào nền nếp; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực này thường xuyên được củng cố, tăng cường.

Không chỉ chú trọng tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực biên giới, các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng còn chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới. Trong quá trình tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương khu vực biên giới, nhiều phong trào, mô hình, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, như phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”; các mô hình “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ tăng cường xã”, “Điểm sáng văn hóa vùng biên”; các chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Giao lưu biên giới và biên cương thắm tình hữu nghị”, “Thày giáo quân hàm xanh - Nâng bước em đến trường”;...

Từ năm 2009 đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp địa phương triển khai hàng trăm mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội(3), trong đó có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả của các đơn vị bộ đội biên phòng đang được nhân rộng ở nhiều địa phương. Phối hợp với ngành giáo dục và các địa phương mở hàng trăm lớp học tình thương, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới(4), góp phần giảm dần tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ ở các xã biên giới. Đến nay, các xã biên giới cơ bản đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng còn tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân và phòng, chống dịch bệnh ở khu vực biên giới; xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách...

Thời gian tới, trên thế giới và khu vực, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song dự báo tình hình sẽ còn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ; các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục đe dọa môi trường hòa bình, phát triển của các quốc gia; các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược và cạnh tranh quyết liệt, tận dụng ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, sử dụng “sức mạnh mềm”... để đẩy mạnh can dự, gây sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, xâm phạm biên giới của các quốc gia khác, thậm chí mưu toan “vẽ lại” đường biên giới... Ở trong nước, cùng với những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, tạo thuận lợi, thời cơ lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vẫn còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động vẫn ra sức thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển biến” trong nội bộ ta, mưu đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tình hình nói trên khiến cho việc xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân vững mạnh trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo đó, để làm tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần thiết thực trong xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân trong tình hình mới, phát huy truyền thống 60 năm qua, lực lượng bộ đội biên phòng phải không ngừng quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trước mắt, cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16-4-2018, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược quốc phòng Việt Nam” và Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”. Các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, nâng cao ý thức quốc gia, quốc giới, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực biên giới, hải đảo trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; đồng thời tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tổ chức có hiệu quả Ngày Biên phòng toàn dân (ngày 03-3) hằng năm với nhiều hình thức thiết thực.

2- Tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữa xây dựng hệ thống chính trị với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực này; Phát huy vai trò chủ thể của quần chúng nhân dân trong quản lý, bảo vệ biên giới, để mỗi người dân là cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng và Đảng, Nhà nước trong ban hành và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu; chính sách đối với đồng bào các dân tộc và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân để bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa; xây dựng mối quan hệ thân thiện, hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia láng giềng, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

3- Các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng tích cực, chủ động đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ở khu vực biên giới, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, giữ vững an ninh chính trị, trật tư, an toàn xã hội ở khu vực này. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn đứng chân và tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để động viên, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

4- Tập trung xây dựng Bộ đội Biên phòng thành quân chủng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu pháp luật, tinh thông nghiệp vụ. Để làm được điều này, các cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng cần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, giữ mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các tình huống, vụ, việc xảy ra ở khu vực biên giới, không để bị động, bất ngờ. Chăm lo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới; kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yên tâm bám trụ nơi biên cương Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cũng phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm kỷ luật và chủ động trong nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân./.

---------------------------------------------------------

(1) Từ năm 2009 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức 229.368 buổi tuyên truyền cho 12.193.162 lượt người; in, cấp phát 437.700 cuốn tài liệu pháp luật; 21.791.500 tờ rơi; 445.000 đĩa DVD tuyên truyền
(2) Phối hợp tuyên truyền về bảo vệ biên giới, phòng, chống tội phạm được 439.000 buổi cho 25.275.000 lượt người; phát hành 132.946.000 tờ rơi, 57.515 pa-nô, áp-phích tuyên truyền; tổ chức cho 232.082 người ký cam kết không vi phạm pháp luật
(3) Có 65 dự án cấp nước sạch với mức đầu tư 212,997 tỷ đồng; 27 dự án cấp điện với mức đầu tư 367,177 tỷ đồng; 6 dự án sắp xếp, ổn định dân cư với tổng mức đầu tư 201,382 tỷ đồng; 10 dự án đường giao thông với mức đầu tư 800,903 tỷ đồng
(4) Bộ đội Biên phòng trực tiếp mở trên 300 lớp học xóa mù chữ cho gần 6.000 học viên, 230 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho hơn 4.000 trẻ em nghèo, vận động hơn 100.000 trẻ em đến trường; ký Chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập”