Hoạt động trong ngày của các Phó Thủ tướng
TCCSĐT - Ngày 28-02, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp giao ban với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối giáo dục, đào tạo và đại diện một số hiệp hội; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài chính; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
* Tại buổi giao ban với lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối giáo dục, đào tạo và đại diện một số hiệp hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tập trung xây dựng, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều vấn đề vướng mắc đã được khai thông. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực xây dựng tiêu chí mới về cộng đồng học tập, mô hình học tập suốt đời, với sự tham gia của các trường đại học, nhân rộng các điển hình tiên tiến. “Chúng tôi cũng chỉ đạo số hóa các chương trình đào tạo, đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa để mọi người tiếp cận được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, tăng cường công tác truyền thông nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về đổi mới giáo dục cho người dân, cộng đồng, xã hội. Ngoài ra, Bộ cũng cần sớm hướng dẫn nâng chuẩn giáo viên mầm non, đẩy mạnh phân luồng đào tạo nghề từ bậc trung học cơ sở, đổi mới cơ chế tài chính để theo kịp sự phát triển của giáo dục, nhất là bậc đại học.
Trong khi đó, GS, TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành hướng dẫn về xây dựng cộng đồng học tập, đánh giá hiệu quả và kiện toàn các trung tâm giáo dục cộng đồng; đồng thời kiểm tra chặt chẽ quy trình biên soạn các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo theo sát quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; cung cấp thông tin đầy đủ, trước hết cho các cơ quan, bộ, ngành để hình dung được bức tranh tổng thể về đổi mới giáo dục; qua đó khẳng định sự đúng đắn của Nghị quyết và nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực tham gia, giải trình thuyết phục, tăng cường truyền thông về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); tập trung xây dựng các nghị định để hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 01-7-2019.
Về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Phó Thủ tướng nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội; tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong quá trình chuẩn bị kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia cần “đặt hàng” chuyên gia về mọi tình huống có thể xảy ra. Đề thi mẫu cần chuẩn bị tốt. “Từ kinh nghiệm của các trường nghề, các trường đại học cần tiến tới phương án tuyển sinh nhiều lần trong năm”, Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo từ số liệu biên chế giáo viên ở từng trường, từng môn, từng cấp học, tiến tới dự báo về nhu cầu giáo viên trong những năm tới ở từng địa phương, kết hợp với thống kê số sinh viên tại từng địa phương đang học sư phạm để từ đó giải quyết căn bản bài toán này.
Đối với các trường nghề, bên cạnh kiện toàn cơ sở vật chất cần tạo điều kiện hơn nữa cho nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng, đại học. “Quy hoạch các trường nghề không nên hiểu máy móc, cứng nhắc. Điều cần thiết là cơ chế để phát huy được tối đa cơ sở vật chất đào tạo nghề hiện nay. Các trường nghề cần phối hợp chặt chẽ với trường đại học, cao đẳng trong đào tạo một số nghề có nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thông tin, du lịch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng học tập, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. “Tới đây không chỉ học liệu, bài giảng điện tử mà toàn bộ nội dung các chương trình, hoạt động giáo dục tại trường học cần đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa để cộng đồng cùng khai thác, sử dụng, giám sát”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
** Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành về thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, chính sách ưu đãi thuế, tài chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, báo cáo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trình bày cho thấy, cả nước hiện có 21.400 doanh nghiệp FDI (chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp). Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI từ năm 2011 - 2017 duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI rất thuận lợi. Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế, Bộ Tài chính nhận định khối này đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu (chiếm trên 70%), thu ngân sách nhà nước (chiếm 15%).
Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài còn có điểm hạn chế là cơ cấu ngành/vùng chưa phù hợp, mới tập trung vào ngành sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng không cao, ở các vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi mà chưa vào các vùng khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ là trên 50%, dẫn đến tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp.
Đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động. Đơn cử, tốc độ tăng về số nộp ngân sách của khối FDI năm 2017 so với năm 2016 là 7% và vẫn thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế là 19,2% và lợi nhuận sau thuế là 22%. Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân là doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư lớn về các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Hiện nay, ưu đãi về tài chính của Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi về tài chính đất đai. Bên cạnh các tác dụng theo bản chất chính sách thuế, Bộ Tài chính cũng cho rằng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng đã làm suy giảm nguồn thu ngân sách. Ví dụ như các ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số phải nộp trong 9 năm tiếp theo và một số trường hợp được áp dụng mức thuế 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án (trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 20%).
Mặc dù áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, nhưng khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần doanh nghiệp khác: Tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp FDI được miễn, giảm trên tổng số thuế được miễn giảm là 76%. Tỷ lệ về thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm của doanh nghiệp FDI trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước là 4,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam không ổn định nên doanh nghiệp không dự tính được hiệu quả kinh doanh trong dài hạn, làm khó cho việc thu hút FDI; một số ngành thực hiện ưu đãi thuế chưa đạt được mục tiêu phát triển nội địa hóa và công nghệ cao...
Đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho thấy, từ trước tới nay, ưu đãi theo chiều rộng, không trọng tâm, trọng điểm. Ưu đãi về tài chính vẫn là nội dung tạo tính hấp dẫn nhất định với nhà đầu tư, nhưng cần tiếp cận theo phương thức mới. Ưu đãi thuế chỉ là một phần, cần tập trung nhiều vào các biện pháp bổ trợ khác nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có vấn đề giải quyết thủ tục đơn giản, nhanh gọn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Đặt câu hỏi “tại sao 52% doanh nghiệp FDI báo lỗ mà vẫn mở rộng hoạt động và tốc độ mở rộng cao hơn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, Bộ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Hiện vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp FDI là 1,5 triệu tỷ đồng và tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng là con số rất lớn thì người ta bỏ vốn thực không, tổng tài sản thực không? Samsung họ nói đã đầu tư 15 tỷ USD thì ta tính thế nào cho đúng 15 tỷ USD, trong khi đó họ cứ khấu hao tài sản thôi”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu.
Ông cũng chỉ ra hiện nay ở miền Trung có khu kinh tế được đầu tư hạ tầng đồng bộ sân bay, cảng biển, đường cao tốc giúp vùng này không còn khó khăn nữa, nhưng doanh nghiệp đầu tư vào vẫn được hưởng khung chính sách cũ, ưu đãi hơn cả đầu tư ở Hà Nội. Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế hiện nay quá phức tạp, vừa ưu đãi ngành nghề, vừa ưu đãi theo lĩnh vực hoạt động, dự án đầu tư, khu công nghiệp, sản phẩm, quy mô dự án, số lượng lao động nữ... Những nội dung này phải đánh giá lại nghiêm túc hơn.
Dẫn số liệu đáng chú ý về tình trạng doanh nghiệp FDI vốn mỏng “tay không bắt giặc”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, qua kiểm soát 140 doanh nghiệp có vốn vay gấp trên 4 lần vốn chủ sở hữu thì 100% số doanh nghiệp này đều là FDI, cá biệt có doanh nghiệp tỷ lệ này gấp hàng trăm lần như Samsung Display, Capitalland Tower... Trong khi đó, xem xét các hạng mục khác của cán cân thanh toán, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết cổ tức chi cho các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam rất lớn, khoảng 10 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với Tổng cục Thống kê để làm rõ hơn các số liệu liên quan.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp mở rộng dự án, doanh thu cao, quy mô đầu tư lớn, nhưng số nộp ngân sách không tăng tương ứng. Bên cạnh đó, những vướng mắc, bất cập trong quản lý thuế, khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần doanh nghiệp khác.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư, khuyến khích họ tăng vốn chủ, giảm vốn vay, khắc phục tình trạng vốn mỏng, cũng như cơ chế kiểm soát tài sản hình thành sau đầu tư để khắc phục tình trạng chuyển giá. Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia chia sẻ thông tin FDI từ đăng ký, đầu tư mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, chi phí; hệ thống chuyên biệt trong Thanh tra thuế để xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả hơn.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mục tiêu tới đây là tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhưng có định hướng và chọn lọc, vì vậy việc thiết kế các chính sách ưu đãi phải làm sao đảm bảo ưu đãi cho nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách; thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực, khuyến khích được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, khắc phục những bất cập hiện nay.
Dẫn ý kiến từ đợt khảo sát việc thu hút và sử dụng vốn FDI tại Bình Dương mới đây, Phó Thủ tướng nhìn nhận, nên ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng, giá trị nội địa hóa lớn, hơn là tập trung vào vấn đề liên quan vốn. “Chúng ta chỉ nhăm nhăm vào chuyện thu được nhiều vốn thôi. Quan trọng là đóng góp được nhiều vào ngân sách, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất, giá trị nội địa hóa lớn nhất, chúng ta chuyển sang hướng này, chứ không phải là vấn đề quy mô đồng vốn”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
** Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, ngành Trung ương về diễn biến và các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn được phát hiện ở Kenya vào năm 1921, sau đó lan sang các nước châu Âu vào năm 1957. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và 100% số lợn mắc bệnh bị chết, thường nhầm lẫn với triệu chứng của một số bệnh thường gặp khác ở lợn nên người chăn nuôi thường có tâm lý chủ quan, khi phát hiện thường đã muộn. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan chậm trong trang trại chăn nuôi và chỉ lây nhiễm trên loài lợn, không lây sang người và không gây bệnh cho các loài động vật khác.
Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường, sống lâu trong các điều kiện khác nhau. Hiện nay trên thế giới chưa có vaccine để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nên chưa thể thanh toán bệnh này một cách triệt để.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua diễn biến khá phức tạp.
Trên thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 26-02-2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bị xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng, đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Theo báo cáo cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở nước ta, từ ngày 01 đến 27-02-2019, dịch bệnh đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con với tổng trọng lượng hơn 172.500 kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức phòng, chống dịch bệnh được thực hiện một cách chủ động, tích cực ngày từ tháng 8-2018 (khi Trung Quốc thông báo xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi).
Sau khi được các địa phương báo cáo hiện tượng xâm nhiễm bệnh, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần trực tiếp đến các ổ dịch tại các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch; giao Cục Thú y cử cán bộ chuyên môn đến từng địa phương để hướng dẫn, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thống nhất đầu mối thông tin, tránh thông tin gây hoang mang dư luận.
Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện khẩn; tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh khác ở động vật trên cạn tại các địa phương.
Chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành phố có dịch đã khẩn trương triển khai các biện pháp đồng bộ để khống chế, kiểm soát dịch bệnh theo quy định. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo công tác xử lý theo đúng quy trình đối với các ổ dịch.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan rộng.
“Nếu không có các biện pháp tập trung quyết liệt và hiệu quả thì nguy cơ dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là người chăn nuôi” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Để ngăn chặn, khống chế có hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 19-02-2019, của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước hết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương phải tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ triệu chứng, các nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cách phòng, chống bệnh; không hoang mang, lo lắng, từ đó tích cực tham gia công tác khống chế dịch; bảo đảm an toàn sinh học, ngăn chặn, phòng, chống bệnh lây lan sang các địa phương khác.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới và từ các vùng có dịch sang vùng chưa bị xâm nhiễm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền, cấp ủy, các đoàn thể và nhân dân ở cơ sở.
Cụ thể, các địa phương cần thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở; Xây dựng các phương án, kịch bản cho các tình huống khác nhau để kịp thời ứng phó, xử lý.
Cùng với đó, các địa phương cần huy động và chuẩn bị tốt các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và điều kiện làm việc cho ngành thú y và các lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Để chia sẻ khó khăn và động viên người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trước mắt chủ động hỗ trợ theo thẩm quyền; yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động đề xuất phương án, bố trí nguồn lực hỗ trợ người dân một cách kịp thời.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương theo nhiệm vụ của mình cùng vào cuộc một cách quyết liệt, khẩn trương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành chăn nuôi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chuẩn bị, tổ chức Hội nghị trực tuyến do lãnh đạo Chính phủ chủ trì vào đầu tuần tới, với sự tham gia của các bộ, ngành và các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cùng nhau triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch./.
Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn toàn thể người dân Việt Nam  (28/02/2019)
Vị thế của Việt Nam được đánh giá cao  (28/02/2019)
Tổng thống D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có cuộc gặp tốt đẹp và mang tính xây dựng  (28/02/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Việt Nam  (28/02/2019)
Tổng thống Mỹ Donald Trump: Phía Triều Tiên sẵn sàng phi hạt nhân hóa  (28/02/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên