TCCSĐT - Ngày 22-02, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán

Ngày 22-02, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, đồng tình với các nhận định năm 2018 là một năm vượt khó và thành công của TTCK Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra nguyên nhân là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của các thành viên thị trường, vai trò điều phối của Chính phủ, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết củng cố và tăng cường hơn nữa ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của các chủ thể thị trường với tầm nhìn tới năm 2045, trong đó có thị trường vốn-chứng khoán. Thứ hai, Chính phủ cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng, muốn TTCK, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này.

Với TTCK, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể với tham vọng là cơ cấu lại và phát triển TTCK trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải “ăn đong” từng năm.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) để tạo khung khổ pháp lý cho TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn trung- dài hạn, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế, tạo ra sự phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, chuyên nghiệp tiếp cận thông lệ quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực góp ý giúp Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện luật ở các nội dung quan trọng như bổ sung phạm vi điều chỉnh cả công cụ chứng khoán phái sinh, trái phiếu Chính phủ, thí điểm TTCK chuyên biệt cho Start-up phát triển.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán phát triển thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng ít nhất 12% so với 2017, nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay chỉ 2,2%).

Cơ cấu lại nhà đầu tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường để tạo ra sự chuyên nghiệp. Cơ cấu lại thị trường với các giải pháp ngay trong năm nay như sớm thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo lộ trình mà Thủ tướng đã phê duyệt nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, bảo đảm thông suốt, ổn định cho các hoạt động của nhà đầu tư.

Hoàn thành và đưa vào hệ thống thông tin mới, hoạt động đồng bộ tại sở chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán; nghiên cứu khả năng từng bước áp dụng chuỗi công nghệ blockchain cho một số mảng thị trường và một số công đoạn của quá trình giao dịch, thanh toán, nâng cao tính toàn vẹn, minh bạch của dữ liệu nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra các giải pháp cơ cấu lại thị trường như nghiên cứu áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh và quy định trong luật; nghiên cứu mô hình vay và cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính khả năng quản trị rủi ro của các tổ chức liên quan; phát triển các hệ thống nhà tạo lập thị trường ở cả thị trường sơ cấp và quốc tế; nâng cao năng lực quản lý giám sát và thực thi...

Phó Thủ tướng nhắn gửi: “Dù là doanh nghiệp đại chúng hay doanh nghiệp chưa niêm yết, hãy cùng nắm tay nhau để đi xa và về đích theo mục tiêu Chính phủ kỳ vọng về TTCK phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, an toàn”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”

Chiều 22-02, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những phong trào về văn hoá đã có từ lâu, liên quan đến mọi người, mọi ngành nhưng nếu không chú ý thì ai cũng tưởng là việc của người khác, ngành khác, khó đo đếm định lượng. Do vậy, trong năm 2019, các thành viên Ban Chỉ đạo cần đề xuất những việc cụ thể để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến. Đặc biệt là phải đánh giá, định lượng cụ thể từng phong trào, cuộc vận động, có khen, chê, có khen thưởng, khắc phục kịp thời.

“Làm văn hoá nếu không đến ngưỡng nhất định, thành nếp, thành thói quen, thì không thấy tác dụng. Có những hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày, thói quen dù rất nhỏ nhưng ẩn sau đó cũng là nét văn hoá, đạo đức. Ví dụ như không xả rác bừa bãi nơi công cộng, vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng… không đơn thuần là hành vi ứng xử mà còn thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, sự tôn trọng người khác”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm 2019 là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong Di chúc, Bác có viết: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”. Điều đó cho thấy trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải được tăng cường hơn nữa, tiếp tục khắc phục các hạn chế trong quá trình chỉ đạo các phong trào liên quan đến văn hoá như: Không có công cụ đo đếm, lượng hoá, không gắn với cơ chế chính sách, chế tài xử lý, đánh giá thi đua...

Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, lựa chọn một số việc, đổi mới cách làm.

Trước hết, việc thực hiện các quy định, tiêu chí mới về công nhận gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, đơn vị văn hoá… theo đúng tinh thần “bớt bệnh hình thức như số liệu báo cáo không đo đếm, kiểm chứng được, danh hiệu có cũng được, không có cũng không sao”.

Các danh hiệu văn hoá phải thuyết phục. Một gia đình văn hoá, khu phố văn hoá có nghĩa là đã thực hiện tốt mọi phong trào, cuộc vận động ở địa phương như khuyến học, giữ gìn vệ sinh môi trường, hoạt động văn hoá thể thao, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn… chứ không chỉ hoàn thành 1-2 tiêu chí thành phần.

“Chúng ta không chỉ vận động đơn thuần mà cần đồng bộ với các văn bản, quy định, chế tài của nhà nước và vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu ra một số việc để các thành viên Ban Chỉ đạo xem xét, góp ý triển khai.

Trước hết là phát động phong trào giáo dục văn hoá cho học sinh trong trường học từ những hành vi cụ thể như xếp hàng, tập luyện thể dục thể thao, ý thức tham gia giao thông, vứt rác đúng nơi quy định…

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, báo chí, vận động người dân thực hiện một số hành vi ứng xử đời sống hàng ngày. Qua đó từng bước xây dựng nếp sống văn hoá, thể hiện văn hoá của người Việt Nam, phù hợp với ứng xử văn minh trên thế giới.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương mở chuyên mục về người tốt, việc tốt cùng một số hành vi văn hoá, không văn hoá được phân tích dưới góc độ văn hoá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá. Các bài viết này khi được tập hợp thành “kho dữ liệu” sẽ giúp mọi người xem xét, soi chiếu vào những hành vi trong cuộc sống hàng ngày, phân định được thế nào là tốt, thế nào là xấu.

“Chúng ta nên xem xét làm sao để khơi dậy trong mỗi người dân ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tiết kiệm, tôn trọng sự khác biệt, để ứng xử đúng đắn trước những hiện tượng trong đời sống xã hội. Không để những việc làm tử tế, bình dị không bị coi là bất thường. Nhân rộng những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu, hiện tượng tiêu cực”, Phó Thủ tướng mong muốn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai

Ngày 22-02, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Tập đoàn Hyundai.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn Tập đoàn Hyundai đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, mở rộng đầu tư tại Việt Nam và khẳng định các chính sách mới sẽ được xây dựng với các nguyên tắc đề cao tính nhất quán, ổn định, minh bạch để đảm bảo phát triển nền công nghiệp sản xuất ô tô bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng ghi nhận, Tập đoàn Hyundai đã đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam nhiều năm qua, trong đó có việc hợp tác với Tập đoàn Trường Hải và Thành Công để sản xuất, lắp ráp, phân phối các sản phâm ô tô.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định hiện nay, phát triển công nghiệp ô tô là chính sách cốt lõi trong chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam, với ưu tiên sản xuất ô tô nội địa hướng tới thị trường tiêu thụ trong nước.

“Các chính sách mới sẽ được xây dựng với các nguyên tắc đề cao tính nhất quán, liên tục, minh bạch, dễ dự báo, cạnh tranh và hấp dẫn, đảm bảo phát triển nền công nghiệp sản xuất ô tô bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Hyundai tiếp tục hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý với các đối tác, xác định Việt Nam là cơ sở sản xuất chiến lược. Đồng thời, nâng tỉ lệ nội địa hoá đạt mức tối thiểu 40%.

“Hyundai và các nhà sản xuất ô tô lớn của Hàn quốc và thế giới hoàn toàn có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng những thế mạnh của Việt Nam về hội nhập quốc tế, chi phí đầu vào cạnh tranh, thị trường nội địa lớn và đa dạng”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Chia sẻ những quan điểm của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Jin Haeng Chung khẳng định, tập đoàn đánh giá rất cao quyết tâm và những chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ Việt Nam và khẳng định, Tập đoàn đang có những kế hoạch nghiêm túc, quy mô để đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam./.