Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 24 đến 30-12-2018)
TCCSĐT - Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2018 đã trải qua giai đoạn “đi ngang” và dần xoay chiều mũi tên đi xuống liên quan đến những chính sách thương mại cứng rắn, xu hướng bảo hộ mậu dịch, tiến trình đàm phán Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khoản nợ công toàn cầu. Trước những rủi ro này, các chuyên gia nhận định, kinh tế toàn cầu có thể còn hứng chịu những cú sốc mới khắc nghiệt hơn trong năm 2019.
Bức tranh kinh tế thế giới năm 2018
Ảnh minh họa. Ảnh: tapchitaichinh.vn
Những dự báo lạc quan về chỉ số tăng trưởng năm 2018 được đưa ra hồi giữa năm đã bị đảo ngược vào cuối năm. Lần đầu tiên kể từ tháng 7-2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,7%, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7-2018. Trên thực tế, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới trong năm 2017 đã khiến giới chuyên gia kỳ vọng vào sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018 khi kinh tế toàn cầu được cho là trải qua giai đoạn khởi sắc nhất. Tháng 7 vừa qua, các tổ chức quốc tế có uy tín đã đưa ra những dự báo lạc quan cho nền kinh tế thế giới năm 2018, bất chấp lo ngại về xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng có thể gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế thế giới cùng những ảnh hưởng từ tiến trình Brexit. Đặc biệt những chính sách như bình ổn giá năng lượng, hàng hóa, lòng tin của các nhà đầu tư, kinh doanh được cải thiện và hiệu ứng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là những yếu tố chính khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại lên tới 568 tỷ USD trong năm 2017 là một trong những nguyên nhân chính khiến chính quyền Tổng thống D. Trump khởi động cuộc chiến thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)...
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ đầu năm đã làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu, chặn đà tăng trưởng kinh tế từng được dự báo là khá vững chắc. Chỉ trong vài tháng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang nhanh chóng đã được dự đoán sẽ gây thiệt hại đối với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không chỉ có vậy, căng thẳng thương mại giữa hai nước cũng đã kéo đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm trong năm 2018.
Còn đối với EU, việc Mỹ lần lượt áp thuế 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU cho thấy Mỹ tiếp tục coi thuế quan như vũ khí mạnh nhất trong cuộc cạnh tranh kinh tế và cuộc cạnh tranh nhằm khẳng định vị trí cường quốc số 1 thế giới.
Kinh tế Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới, đã có dấu hiệu giảm tốc trong những tháng cuối năm, dù vẫn duy trì được tăng trưởng. Nhịp độ tăng trưởng 4,2% của quý II được dự báo sẽ giảm ở mức khoảng trên 3% trong các quý cuối năm, khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ giảm xuống mức 2,4% trong năm 2018 do tác động của căng thẳng thương mại. Còn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù đạt được mức tăng trưởng trong ba quý đầu năm 2018, nhưng với con số tăng trưởng 6,5% trong quý III, nước này cũng đã trải qua một quý tăng trưởng thấp nhất trong 9 năm qua. Do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Mỹ, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu chịu tác động. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ chững lại, nhu cầu nội địa yếu đi, đầu tư sụt giảm, cùng với thị trường chứng khoán lao dốc, đồng Nhân dân tệ (NDT) chưa có dấu hiệu phục hồi... cũng là nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 6,6% năm 2018.
Tại châu Âu, tác động của căng thẳng thương mại với Mỹ và tiến trình Brexit cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước EU. Trong đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong quý III năm 2018 đã chứng kiến lần đầu tiên kinh tế suy giảm kể từ năm 2015.
Mặc dù vậy, nền kinh tế châu Á có thể coi là một “điểm sáng” trong tổng thể bức tranh kinh tế thế giới năm 2018. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng của khu vực châu Á 6% cho năm nay. Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong năm nay với mức tăng đạt 7,3%. Kinh tế Nhật Bản cũng tiến triển tích cực. Theo báo cáo công bố ngày 20-12 của Chính phủ Nhật Bản, kinh tế nước này vẫn đang trên đà phục hồi trong bối cảnh nhu cầu nội địa gia tăng, bất chấp các rủi ro (trong đó có căng thẳng thương mại) đe dọa nền kinh tế Nhật Bản.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019, khi viện dẫn một số trở ngại, trong đó có căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo đó, mức tăng trưởng dự báo của Mỹ là 2,7% cho năm 2019 khi chính sách cải cách thuế mới đây của Tổng thống D. Trump hỗ trợ tốt cho đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi đó, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự kiến tăng 1,8% vào năm 2019.
Thực tế cho thấy, kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ do căng thẳng thương mại, bất ổn chính trị cũng như mức độ tăng trưởng không duy trì được như trước đây. Nếu không được kịp thời điều chỉnh, tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, chính sách thắt chặt tiền tệ, khả năng thanh toán sụt giảm, giá tài sản cao, đặc biệt là khoản nợ công toàn cầu, hiện đã lên tới mức kỷ lục 182.000 tỷ USD, vẫn sẽ là các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Thậm chí, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã được các chuyên gia đề cập tới.
Bên cạnh đó, chính sách thương mại cứng rắn với các đối tác nhiều khả năng sẽ tiếp tục được Tổng thống D. Trump triển khai trong thời gian tới bởi nhà lãnh đạo Mỹ luôn coi đây là biện pháp bảo đảm lợi ích cho nền kinh tế Xứ cờ hoa, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quốc gia được xem là thước đo cho cơ hội tái đắc cử của một tổng thống đương nhiệm ở Mỹ. Chính vì vậy, kinh tế toàn cầu có thể còn hứng chịu những “cơn bão” mới khắc nghiệt hơn trong năm 2019, đòi hỏi một sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó.
Châu Âu khép lại một năm nhiều biến động
Ảnh minh họa. Ảnh: quanhequocte.org
Khép lại năm 2018, mặc dù đã đạt được tiến bộ trong việc kiểm soát bài toán người di cư và nền kinh tế tiếp tục trên đà phục hồi, song nhìn chung trong năm qua, khu vực châu Âu vẫn phải đối mặt với nhiều biến động. Đó là bất ổn chính trị diễn ra tại nhiều nước, kịch bản về việc nước Anh rời khỏi EU vẫn chưa rõ ràng, cùng với sự chia rẽ vẫn tồn tại trong lòng xã hội châu Âu. Có thể thấy trong năm 2018, tại một loạt các nước EU đã diễn ra những biến động lớn về chính trị.
Tại Đức, chính trường nước này đã trải qua một giai đoạn bế tắc khi 6 tháng liền không có một chính phủ đúng nghĩa. Một trong những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng này là do tác động của cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vào năm 2015. Quyết định mở cửa biên giới Đức của Chính phủ do bà A. Merkel đứng đầu đã dẫn tới hệ quả là có hơn 1,2 triệu người di cư tràn vào nước Đức trong 3 năm qua, tạo ra nhiều xáo trộn về xã hội, cũng như đẩy nước Đức và châu Âu vào tình thế bất ổn về an ninh. Quyết định này cũng đã khiến cả 3 đảng trong đại liên minh cầm quyền đều mất uy tín, dẫn đến mất phiếu nghiêm trọng trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang, và nội bộ bất đồng sâu sắc trong tiến trình đàm phán tái lập chính phủ.
Còn tại Italy, nước này rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 04-3 để tự đứng ra thành lập chính phủ. Thế bế tắc chính trị này chỉ được tháo gỡ sau khi chính phủ liên minh của đảng Dân túy M5S và đảng Cực hữu Liên đoàn của tân Thủ tướng G. Conte vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, việc hai đảng này bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề như luật an ninh và siết chặt kiểm soát người nhập cư, tư pháp, mục tiêu cắt giảm thuế và tăng phúc lợi, các dự án kinh tế ưu tiên cũng như vấn đề ngân sách năm 2019, đã khiến quan hệ trong liên minh cầm quyền trở nên căng thẳng. Cuối cùng, việc chính phủ liên minh giữa đảng Cực hữu Liên đoàn và đảng Dân túy M5S của Italy đạt được thỏa thuận về những thay đổi trong lĩnh vực tư pháp (ngày 08-11) và việc Thượng viện Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư vốn gây tranh cãi giữa hai đảng này đã giúp chính phủ liên minh Italy tránh được nguy cơ sụp đổ.
Tại Pháp, vào những tháng cuối năm, Paris đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng có, đỉnh điểm là cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng”, đầu tiên là nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính phủ. Tuy nhiên, khi thuế nhiên liệu chỉ là một lý do để người dân Pháp phản ứng về những bất ổn kinh tế và xã hội khi giá cả tăng cao, đời sống trở nên khó khăn, khoảng cách giàu - nghèo bị nới rộng, thì phương án của chính phủ tạm thời hoãn tăng thuế không phải là biện pháp tối ưu.
Trong khi đó, cho đến thời điểm kết thúc năm 2018, tiến trình Brexit vẫn chưa rõ ràng, trong khi thời gian Anh chính thức rời khỏi EU chỉ còn vài tháng. Hiện Chính phủ Anh vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận Brexit đã đạt được với EU hồi tháng 11 trong khi EU kiên quyết không đàm phán lại. Chính vì vậy, tương lai mối quan hệ Anh - EU hậu Brexit vẫn chưa thể được xác định.
Đối với cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu, tuy tạm thời lắng dịu trong năm 2018, ít nhất về mặt số lượng, khi các giải pháp toàn diện được thúc đẩy và dòng người di cư được ngăn chặn từ xa cũng như được kiểm soát tốt hơn ở biên giới bên ngoài châu Âu, song hệ quả của cuộc khủng hoảng này thì vẫn tiếp tục tác động đến xã hội châu Âu. Trên thực tế, chủ đề người di cư vẫn là điều gây chia rẽ nhất trong xã hội châu Âu, giữa các nước EU nói chung và trong từng nước thành viên nói riêng. Những bất đồng về chính sách người di cư vẫn tiếp tục sâu sắc trên bình diện toàn khối và trong từng nước.
Tình trạng bất ổn ở cả hai nền kinh tế đầu tàu EU là Đức và Pháp cùng sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc khiến EU kết thúc năm 2018 với nhiều bề bộn, lo âu. Năm 2019 sẽ mở ra với EU bằng một dấu mốc lịch sử, khi nước Anh chính thức rời khối vào cuối tháng 3. Đây sẽ là một năm bản lề với rất nhiều thách thức đang chờ đợi, khi chỉ hai tháng sau đó, châu Âu sẽ bước vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP). Cũng giống như các cuộc bầu cử quan trọng tại châu Âu trong năm 2017 và 2018, bầu cử EP năm 2019 sẽ là cuộc đối đầu giữa các đảng chính thống và phong trào hoài nghi châu Âu, vốn đang dựa vào tâm lý bất mãn và giận dữ của người dân trước những vấn đề từ cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như những mâu thuẫn khác trong xã hội. Tại cuộc bầu cử EP sắp tới, nếu lực lượng dân túy giành chiến thắng trên bình diện châu lục, đó sẽ là một bước ngoặt với châu Âu, song sự thay đổi này có mang lại điều tốt lành cho EU hay không thì chưa thể dự đoán được.
Các nhà phân tích dự báo rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang nhen nhóm ở Italy có thể sẽ bùng phát, đe dọa sự ổn định của khu vực châu Âu. Pháp có thể vẫn sẽ mắc kẹt trong các cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân túy, từ đó sẽ lấy đi vai trò lãnh đạo của nước này trong việc theo đuổi các cải cách của EU. Còn vấn đề Brexit, giới phân tích bày tỏ sự lo ngại về việc không biết tiến trình này sẽ diễn ra trong trật tự hay hỗn loạn. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của châu Âu vẫn được dự báo sẽ có thể gây ra sự rối loạn trên trường quốc tế trong năm 2019.
Cộng đồng ASEAN: Nhiều chuyển biến tích cực tự cường và vững mạnh
Ảnh minh họa. Ảnh: vietnamplus
Trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN trong hơn 50 năm qua, không thể không nhắc đến một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN là sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 với 3 trụ cột gồm: Chính trị - An ninh (APSC), Kinh tế (AEC), và Văn hóa - Xã hội (ASCC). Sau 3 năm kể từ khi hình thành, các nước ASEAN đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng một cộng đồng hội nhập, gắn kết, sáng tạo và tự cường thông qua việc thực thi đầy đủ những sáng kiến lớn trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) năm 2025, Sáng kiến về việc hội nhập ASEAN năm 2025... Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025, ASEAN đã đặt ra ba kế hoạch tổng thể của ba trụ cột, làm kim chỉ nam cho hoạt động của các cơ quan chuyên ngành của từng trụ cột đến năm 2025. Việc các nước ASEAN thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, cũng như 3 kế hoạch cộng đồng tương ứng là minh chứng rõ ràng cho cam kết quyết tâm xây dựng ASEAN thành một khối các quốc gia hợp tác và cố kết.
Qua 3 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả. Với trụ cột APSC, các nước ASEAN đưa vào thực hiện được 239 dòng/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) 2025 (đạt tỷ lệ 82%). Quan trọng hơn, hiệu quả và chất lượng hợp tác có những chuyển biến rõ rệt. Trong khuôn khổ xây dựng APSC tới năm 2025, ASEAN tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực, thúc đẩy xây dựng lòng tin, xử lý hữu hiệu những thách thức nảy sinh cũng như góp phần giảm căng thẳng tại một số điểm nóng khu vực.
Với trụ cột AEC, các nước ASEAN thực hiện được 80/118 ưu tiên về hợp tác kinh tế (đạt 68%). Tăng trưởng kinh tế toàn khu vực dự kiến đạt 5,1% trong năm 2018 và 5,2% trong năm 2019. Đến nay, ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới.
Với hơn 630 triệu dân, AEC là một thị trường giàu tiềm năng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tổng GDP đạt gần 3.000 tỷ USD (năm 2018). Từ chỗ là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới vào thời điểm thành lập (năm 2015), đến năm 2018, AEC vươn lên thứ 6 thế giới. Các chuyên gia kinh tế dự báo, GDP của ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020 và có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030.
AEC đã tạo động lực phát triển cho nền kinh tế các nước thành viên, đem lại cho người dân những cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng cơ hội đầu tư, kinh doanh. AEC góp phần tạo ra một khu vực kinh tế ổn định, có khả năng cạnh tranh, trong đó các nước thành viên bước đầu tham gia hội nhập khu vực sâu và toàn diện, đồng thời tăng cường sự gắn kết nội khối. Hiện AEC đặt mục tiêu loại bỏ các rào cản về chi phí và hậu cần đối với thanh toán quốc tế. Đây được xem là một bước đi quan trọng để mở ra tiềm năng tăng trưởng của ASEAN. Các nước ASEAN tin rằng, nếu các tiêu chuẩn như ISO 2022 được thông qua để hỗ trợ mạng lưới này, AEC sẽ được kết nối toàn cầu, tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khối cũng như với tất cả các quốc gia trên thế giới. Lợi ích thậm chí lớn hơn còn có thể đạt được nếu hội nhập khu vực được kết hợp với việc áp dụng các công nghệ mới của thế giới (công nghiệp 4.0, công nghệ phân loại…).
Đối với trụ cột ASCC, ASEAN đề ra Kế hoạch tổng thể về lĩnh vực văn hóa - xã hội hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm, đùm bọc, tương thân, tương ái, vượt qua những khó khăn và thách thức của quá trình toàn cầu hóa, với mục tiêu quan trọng nhất của ASCC là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc chung. Trong 3 năm qua, ASEAN đã đạt được 100% các cam kết về hợp tác văn hóa - xã hội đã và đang được triển khai. Riêng trong năm 2018, ưu tiên mà ASCC hướng đến là các sáng kiến của thanh niên, bao gồm phục hồi Quỹ Thanh niên Singapore - ASEAN; chủ trì tổ chức giải đấu thể thao trực tuyến và giới thiệu Chương trình học bổng Thanh niên ASEAN; tăng cường cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu của ASEAN; các giá trị cốt lõi trong hiểu biết về kỹ thuật số; khuôn khổ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của tin giả; “Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN” nhằm cải thiện môi trường sống, sinh kế của người dân tại các đô thị ASEAN và tăng cường cơ hội của doanh nghiệp khu vực với thị trường 630 triệu dân.
Đặc biệt, trong năm 2018, các nhà lãnh đạo đã thông qua được Khung mạng lưới thành phố thông minh ASEAN nhằm kết nối bước đầu 26 thành phố trong khu vực để từ đó nhân rộng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các thành quả mà việc xây dựng Cộng đồng ASEAN mang lại./.
Hợp tác công - tư trong phát triển dịch vụ công nhằm bảo đảm quyền an sinh của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển hài hòa, bền vững của Hà Nội  (31/12/2018)
Hợp tác công - tư trong phát triển dịch vụ công nhằm bảo đảm quyền an sinh của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển hài hòa, bền vững của Hà Nội  (31/12/2018)
Cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 của cấp Thành phố  (31/12/2018)
Đánh giá thực trạng hoạt động cung ứng dịch vụ khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội  (31/12/2018)
Hà Nội đẩy mạnh hình thức đối tác công tư  (31/12/2018)
10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trong năm 2018  (30/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên