TCCSĐT - Khép lại năm 2018, mặc dù đã đạt được tiến bộ trong việc kiểm soát bài toán người di cư và nền kinh tế tiếp tục trên đà phục hồi, song nhìn chung trong năm qua, khu vực châu Âu vẫn phải đối mặt với nhiều biến động. Đó là bất ổn chính trị diễn ra tại nhiều nước, kịch bản về việc nước Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) vẫn chưa rõ ràng, cùng với sự chia rẽ vẫn tồn tại trong lòng xã hội châu Âu. Vì vậy, năm 2019 được dự báo tiếp tục là một năm nhiều khó khăn cho khu vực này.

Năm 2018 - một năm nhiều biến động

Có thể thấy trong năm 2018, tại một loạt các nước EU đã diễn ra những biến động lớn về chính trị.
Tại Đức, chính trường nước này đã trải qua một giai đoạn bế tắc bậc nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi 6 tháng liền không có một chính phủ đúng nghĩa. Một trong những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng này là do tác động của cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vào năm 2015. Quyết định mở cửa biên giới Đức của Chính phủ do bà Merkel đứng đầu đã dẫn tới hệ quả là có hơn 1,2 triệu người di cư tràn vào nước Đức trong 3 năm qua, tạo ra nhiều xáo trộn về xã hội, cũng như đẩy nước Đức và châu Âu vào tình thế bất ổn về an ninh. Quyết định này cũng đã khiến cả 3 đảng trong đại liên minh cầm quyền đều mất uy tín, dẫn đến mất phiếu nghiêm trọng trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang, và nội bộ bất đồng sâu sắc trong tiến trình đàm phán tái lập chính phủ. Ngay cả khi chính phủ Đức đã được thành lập với sự nhượng bộ của các bên trong chính sách người di cư, thì hoạt động của chính phủ cũng không suôn sẻ, khi mâu thuẫn giữa hai đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), giữa chủ tịch đảng CDU là Thủ tướng Angela Merkel và chủ tịch đảng CSU là Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer lại bùng phát. Nguy cơ chính phủ Đức tan rã đã có lúc cận kề. Kết quả cuộc bầu cử nghị viện tại các bang Bayern, Bavaria và Hessen vừa qua ở Đức với thất bại nặng nề của CDU, buộc Thủ tướng Đức Merkel phải tuyên bố không tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng CDU, vị trí mà bà đã nắm giữ liên tục 18 năm qua, đồng thời sẽ rời ghế Thủ tướng khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021. Điều này được cho là sẽ dẫn tới những sự thay đổi lớn trên bình diện EU bởi Đức là nền kinh tế lớn nhất EU.

Còn tại Italy, nước này đã rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi không có chính đảng hoặc liên minh nào giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4-3 để tự đứng ra thành lập chính phủ. Thế bế tắc chính trị này chỉ được tháo gỡ sau khi chính phủ liên minh của đảng dân túy M5S và đảng cực hữu Liên đoàn của tân Thủ tướng Conte vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, việc hai đảng này bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề như luật an ninh và siết chặt kiểm soát người nhập cư, tư pháp, mục tiêu cắt giảm thuế và tăng phúc lợi, các dự án kinh tế ưu tiên cũng như vấn đề ngân sách năm 2019, đã khiến quan hệ trong liên minh cầm quyền trở nên căng thẳng. Cuối cùng, việc chính phủ liên minh giữa đảng cực hữu Liên đoàn và đảng dân túy M5S của Italy đạt được thỏa thuận về những thay đổi trong lĩnh vực tư pháp (ngày 8-11) và việc Thượng viện Italy thông qua sắc lệnh an ninh và kiểm soát nhập cư vốn gây tranh cãi giữa hai đảng này đã giúp chính phủ liên minh Italy tránh được nguy cơ sụp đổ.

Tại Pháp, vào những tháng cuối năm, Paris đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng có, đỉnh điểm là cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng“, đầu tiên là nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính phủ. Tuy nhiên, khi thuế nhiên liệu chỉ là một lý do để người dân Pháp phản ứng về những bất ổn kinh tế và xã hội khi giá cả tăng cao, đời sống trở nên khó khăn, khoảng cách giàu - nghèo bị nới rộng, thì phương án của chính phủ tạm thời hoãn tăng thuế không phải là biện pháp tối ưu. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở Pháp chưa được giải quyết triệt để mà chỉ tạm lắng và nguy cơ bùng phát luôn thường trực.

Trong khi đó, cho đến thời điểm kết thúc năm 2018, tiến trình Brexit vẫn chưa rõ ràng, trong khi thời gian Anh chính thức rời khỏi EU chỉ còn vài tháng. Hiện Chính phủ Anh vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội nước này thông qua thỏa thuận Brexit đã đạt được với EU hồi tháng 11 trong khi EU kiên quyết không đàm phán lại. Chính vì vậy, tương lai mối quan hệ Anh-EU hậu Brexit vẫn chưa thể được xác định.

Đối với cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu, tuy đã tạm thời lắng dịu trong năm 2018, ít nhất về mặt số lượng, khi các giải pháp toàn diện được thúc đẩy và dòng người di cư được ngăn chặn từ xa cũng như được kiểm soát tốt hơn ở biên giới bên ngoài châu Âu, song hệ quả của cuộc khủng hoảng này thì vẫn tiếp tục tác động đến xã hội châu Âu. Trên thực tế, chủ đề người di cư vẫn là điều gây chia rẽ nhất trong xã hội châu Âu, giữa các nước EU nói chung và trong từng nước thành viên nói riêng. Những bất đồng về chính sách người di cư vẫn tiếp tục sâu sắc trên bình diện toàn khối và trong từng nước.

Năm 2019 nhiều khó khăn thách thức

Tình trạng bất ổn ở cả hai nền kinh tế đầu tàu EU là Đức và Pháp cùng sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc khiến EU kết thúc năm 2018 với nhiều bề bộn, lo âu. Năm 2019 sẽ mở ra với EU bằng một dấu mốc lịch sử, khi nước Anh chính thức rời khối vào cuối tháng 3. Đây sẽ là một năm bản lề với rất nhiều thách thức đang chờ đợi, khi chỉ hai tháng sau đó, châu Âu sẽ bước vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Cũng giống như các cuộc bầu cử quan trọng tại châu Âu trong năm 2017 và 2018, bầu cử EP năm 2019 sẽ là cuộc đối đầu giữa các đảng chính thống và phong trào hoài nghi châu Âu, vốn đang dựa vào tâm lý bất mãn và giận dữ của người dân trước những vấn đề từ cuộc khủng hoảng người di cư, cũng như những mâu thuẫn khác trong xã hội. Tại cuộc bầu cử EP sắp tới, nếu lực lượng dân túy giành chiến thắng trên bình diện châu lục, đó sẽ là một bước ngoặt với châu Âu, song sự thay đổi này có mang lại điều tốt lành cho EU hay không, thì chưa thể dự đoán được. Thực tế ở các nước cho thấy, lực lượng dân túy chủ yếu đánh vào tâm lý tức giận của người dân và vẽ ra những viễn cảnh tốt đẹp để giành lấy các lá phiếu, trong khi không có giải pháp căn cơ để giải quyết những cuộc khủng hoảng lớn.

Các nhà phân tích dự báo rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang nhen nhóm ở Italy có thể sẽ bùng phát, đe dọa sự ổn định của khu vực châu Âu. Pháp có thể vẫn sẽ mắc kẹt trong các cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân túy, từ đó sẽ lấy đi vai trò lãnh đạo của nước này trong việc theo đuổi các cải cách của EU. Việc Thủ tướng Đức Merkel rút khỏi vũ đài chính trị sẽ khiến tiếng của nói của Đức giảm dần ở châu Âu và nguy cơ EU thiếu một nhà lãnh đạo đủ tầm đã bắt đầu lộ diện…

Còn vấn đề Brexit, giới phân tích bày tỏ sự lo ngại về việc không biết tiến trình này sẽ diễn ra trong trật tự hay hỗn loạn. Nếu hỗn loạn, quan hệ Anh-EU sẽ bị tác động trong một thời gian dài và không bên nào mong muốn kết quả như vậy. Ngay cả sau khi diễn ra Brexit, giới lãnh đạo EU sẽ phải chứng tỏ sự linh hoạt, trong khi ủng hộ các quy tắc để củng cố sự ổn định của đồng tiền chung Euro. Điều này cho thấy rằng các cuộc đàm phán Brexit phức tạp và lâu dài còn ở phía trước.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của châu Âu vẫn được dự báo sẽ có thể gây ra sự rối loạn trên trường quốc tế trong năm 2019. Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể lan sang cả EU.

Giới phân tích cũng cho rằng, sự thay đổi của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và sự trỗi dậy của Trung Quốc buộc châu Âu phải thay đổi. Nhưng sự thay đổi đó không thể đến bằng những lời hô hào của lực lượng dân túy, mà phải xuất phát từ chính những giá trị cốt lõi đã làm nên nền tảng của châu Âu trong suốt hơn 60 năm qua. Về dài hạn, một châu Âu tái thiết sẽ là lựa chọn duy nhất. Quá trình đó sẽ bắt đầu từ năm 2019 và được dự báo sẽ rất nhiều sóng gió với Lục địa già này./.