Quốc hội bàn về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 02-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
* Trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.
Cụ thể, ngày 08-3-2018 tại Santiago, Chile, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore.
Sau khi ký Hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định CPTPP gồm 7 Điều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 06-02-2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ, 7 nghĩa vụ liên quan đến 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng) để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Về Hiệp định TPP, Hiệp định này gồm 30 Chương và 9 Phụ lục điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. đầu tư, vốn phổ biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do như lao động, môi trường, chống tham nhũng, thương mại và đầu tư.
Mặc dù các nước thành viên CPTPP đã quyết định tạm hoãn áp dụng một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ: Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta. Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế...
Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị - xã hội của ta.
Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu (New Zealand) về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP.
Đối với các nước đã ký Hiệp định nhưng chưa phê chuẩn vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực với 6 nước đầu tiên đã hoàn tất việc phê chuẩn, Hiệp định sẽ có hiệu lực với nước đó sau 60 ngày kể từ ngày thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục nội bộ.
Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất Hiệp định CPTPP và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định.
Để bảo đảm thực hiện Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát, hoàn thiện Danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mục tiêu để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.
Kết quả rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản, gồm 08 luật, 04 nghị định của Chính phủ; kiến nghị ban hành mới 7 văn bản, gồm 6 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị gia nhập 3 điều ước quốc tế. Trong quá trình thực hiện Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát sinh văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung sẽ có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIV; đề nghị Chính phủ báo cáo, thuyết minh trước Quốc hội về nội dung cụ thể và những vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định.
Phê chuẩn Hiệp định CPTPP là phù hợp với các quy định pháp luật
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.
Đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan đến Việt Nam, báo cáo thuyết minh của Chính phủ nêu rõ: Về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại, các nước thành viên CPTPP đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị và an ninh quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Tham gia CPTPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Về mặt kinh tế, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Báo cáo thuyết minh cũng chỉ ra các thách thức về kinh tế; thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế; thách thức về xã hội; thách thức về thu ngân sách; thách thức trong lĩnh vực lao động; thách thức trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin của nước ta khi gia nhập Hiệp định CPTPP.
Chính phủ đề xuất Hiệp định và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vì một số lý do sau: Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP là phù hợp với các quy định pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao, do vậy sẽ làm tăng uy tín của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với các nước, đặc biệt là các nước thành viên CPTPP. Bên cạnh đó, việc Việt Nam chủ động thúc đẩy phê chuẩn sớm sẽ tiếp tục gia tăng sự tin cậy, làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương của ta với Nhật Bản, tạo tiền đề quan trọng để ta thúc đẩy các FTA khác như FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việc phê chuẩn sẽ giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa các lợi ích chiến lược mà Hiệp định CPTPP mang lại, từ đó giúp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy chính sách đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó đoán định.
Việc phê chuẩn là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành các văn bản luật, pháp lệnh có liên quan để thực thi Hiệp định CPTPP. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần chủ động hội nhập quốc tế và cơ sở để Chính phủ xây dựng các chương trình hành động, đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị với cạnh tranh từ bên ngoài khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Để có cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan rà soát các luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.
Sau khi Quốc hội quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP, các nội dung sửa đổi các luật kèm theo lộ trình cụ thể sẽ được đưa vào Nghị quyết để Quốc hội thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành triển khai việc dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định.
Đồng thời, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan; thảo luận tại tổ về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan.
** Phiên thảo luận về việc tham gia Hiệp định CPTPP
Sau khi nghe các Tờ trình của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về nội dung trên.
Tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Hầu hết các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao, khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây cũng như CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm. Việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn; thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Đại biểu Nguyễn Phi Long (Bình Định) phân tích: Tham gia CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế khi chủ nghĩa bảo hộ đang có xu thế phát triển. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra nhiều lợi thế, đặc biệt trong mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua sân chơi quốc tế như vậy, Việt Nam học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; lựa chọn những sản phẩm chủ chốt, thế mạnh của mình để tham gia thị trường chung.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn, bởi việc tham gia Hiệp định mang lại nhiều cơ hội nhưng chênh lệch trình độ phát triển kinh tế nước ta với các nước thành viên của Hiệp định còn khá lớn. Đây sẽ chính là những thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin...
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) dẫn chứng: Nước ta là nước có trình độ phát triển kinh tế thấp nhất trong nhóm 11 nước tham gia CPTPP. Cụ thể, mức bình quân GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 là 2.306 USD, trong khi đó nước cao nhất là Australia là 56.135 USD. Các nước ở nhóm dưới gần Việt Nam, như: Chi Lê, Malaysia, Mexicô, Peru; thấp nhất là Peru cũng là 6.598 USD, gấp khoảng 3 lần so với Việt Nam. Đây cũng là thách thức, cần có phân tích rõ hơn sau khi Việt Nam tiến hành phê chuẩn Hiệp định. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê chuẩn Hiệp định CPTPP, một số ý kiến đánh giá đã bảo đảm đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành. Nhưng, một số ý kiến cũng cho rằng, Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế -xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi Hiệp định có hiệu lực. Đại biểu Trần Thanh Mẫn (Cần Thơ) kiến nghị Chính phủ bổ sung tài liệu các bản ghi nhớ, thư, thư trao đổi giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP, bởi đây là những văn kiện liên quan được đề nghị xem xét, phê chuẩn cùng với Hiệp định CPTPP.
Cơ hội và thách thức
Phân tích những thuận lợi và thách thức khi tham gia CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cơ hội đầu tiên của Việt Nam là có thể đẩy nhanh sự hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhanh hơn, mạnh hơn, tiến bộ hơn. Thêm nữa, CPTPP mở ra cho nước ta một thị trường mới, rộng hơn. Theo đại biểu, điểm nhấn của 11 quốc gia tham gia CPTTP là các nước thành viên rất giàu, GDP bình quân đầu người là trên 30.000 USD; trong đó Canada là 45.077 USD, Australia là 55.707 USD, New Zealand là 41.593 USD, Singapore là 57.513 USD (số liệu năm 2017). Khu vực này là các nước giàu, thu nhập bình quân đầu người cao, còn Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp nhất (với 2.380 USD).
Từ đó có thể thấy, khi thu nhập bình quân đầu người cao như vậy thì tiêu dùng của các nước này cũng rất lớn. Do vậy, Việt Nam có cơ hội tạo ra những sản phẩm chất lượng với giá cả thích hợp. "Điểm nhấn không phải hàng giá rẻ mà khi nhắm tới thị trường này là thị trường có tiêu chuẩn cao, thu nhập cao, phù hợp với người có thu nhập cao. Cho nên Luật An toàn thực phẩm cần phải được triển khai ngay. Đó là những vấn đề phải nghĩ đến khi tái cơ cấu nền kinh tế. Cải tiến và nâng cao năng suất lao động thì về yếu tố về năng suất, giống mới, con giống mới với năng suất cao và an toàn phải đặt lên hàng đầu, như vậy chúng ta mới có cơ hội đi vào thị trường này. Đấy là điểm mà chúng ta phải thấy rõ khi tham gia CPTPP" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Cùng ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, khi áp dụng, ký kết Hiệp định CPTPP, các quốc gia trong đó có trình độ phát triển kinh tế cao nên chắc chắn sẽ đánh vào phân khúc thị trường mặt hàng cao, hướng đến mặt hàng chất lượng, không phải là các mặt hàng giá rẻ. Về xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước cùng tham gia Hiệp định được giảm thuế sẽ có tính cạnh tranh lớn hơn theo xu hướng của thế giới, xu hướng phát triển bền vững. Trong lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản sẽ có cạnh tranh lớn, sẽ có lợi cho các doanh nghiệp hội nhập một cách đàng hoàng, đầu tư sản xuất chất lượng. Về phía các mặt hàng nhập khẩu cũng tương tự như vậy. Người dân đang phải đối mặt với hai loại hàng: những sản phẩm được sản xuất với tiêu chí giá càng rẻ càng tốt và hàng cho người thu nhập khá hơn. Những mặt hàng có chất lượng khá hơn thường phải đóng thuế cao hơn nhưng khi tham gia Hiệp định CPTPP sẽ phải giảm thuế xuống. Nếu doanh nghiệp không chú trọng đến sản xuất để cạnh tranh sẽ có nguy cơ mất trắng thị trường. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu trên thị trường còn tồn tại chưa kiểm soát được, cũng tạo ra sự cạnh tranh. Bài toán đặt ra khó khăn cho Chính phủ trong việc cân đối ngân sách và các doanh nghiệp cần có sự đầu tư sản xuất thích đáng, nếu không sẽ bị thua thiệt.
Quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm khi tham gia Hiệp định CPTPP, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu rõ: Việc ra đời tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp hoạt động song song với tổ chức công đoàn đặt ra thách thức cho công đoàn Việt Nam về việc tập hợp, đoàn kết đoàn viên công đoàn. Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn. Nhà nước ta đang phải tích cực tuyên truyền về thời cơ và thách thức đối với doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan về nội dung của Hiệp định. Chính phủ cần phát huy những mặt tích cực, những lợi ích, thời cơ, đồng thời cần có những giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực, ảnh hưởng để Việt Nam có môi trường phát triển bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạn chế các rủi do cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn, hoàn thiện Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng./.
Thủ tướng Cộng hòa Pháp thăm chính thức Việt Nam  (02/11/2018)
Việt Nam muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại  (02/11/2018)
Không ngừng thắt chặt tình cảm và lòng tin chính trị với những đối tác truyền thống  (02/11/2018)
Chủ tịch Quốc hội: Phiên chất vấn là cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ  (02/11/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 9,89%.  (02/11/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên