Chủ tịch Quốc hội: Phiên chất vấn là cuộc sát hạch giữa nhiệm kỳ
Chiều 01-11, Quốc hội đã kết thúc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này có thể coi là cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.
Nội dung chất vấn tại kỳ họp này có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp và tư pháp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Cơ bản câu hỏi của các đại biểu đã được các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời, tuy nhiên vẫn còn một số câu hỏi gửi đến Thủ tướng và gửi đến các bộ trưởng xin phép đại biểu Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tất cả câu trả lời sẽ gửi trực tiếp đến các đại biểu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua phiên chất vấn cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội giao, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số nội dung chậm được triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả, cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, từ tổ chức thực hiện, từ việc thiếu nguồn lực, nhưng cũng có nguyên nhân xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Theo đó, các bộ, ngành đẩy nhanh việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về công chức, công vụ; sớm hoàn thành việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; rà soát để có giải pháp thích hợp trong việc xử lý, bố trí biên chế, chế độ đối với giáo viên, khắc phục cho được tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở các địa phương.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin bảo đảm đồng bộ, tiện dụng nhưng phải an toàn...
Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xử lý dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó quan tâm đến các giải pháp căn cơ đối với đầu ra của sản phẩm, hạn chế tình trạng phải giải cứu nông sản do mất cân đối giữa cung và cầu; tích cực triển khai quy định của Luật Thủy sản, các khuyến nghị của Quốc tế, các chương trình hành động cụ thể để tuân thủ luật pháp quốc tế trong đánh bắt, chế biến, xuất khẩu thủy sản vì mục tiêu phát triển bền vững...
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các bộ, ngành cần xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư; phối hợp với các cơ quan kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu. Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai, nhất là đất đai có nguồn gốc nông lâm trường...
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; làm tốt công tác trùng tu, tu bổ di tích, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội...
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục chấn chỉnh công tác thi và tuyển sinh để bảo đảm chất lượng hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Rà soát để bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong việc tích hợp các môn học; làm tốt công tác lấy ý kiến đối với người học, trong đó có trẻ em liên quan đến các nội dung đổi mới trong hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, cần tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, cử tri về việc xử lý ngay những bất cập trong công tác xây dựng và ban hành văn bản, quản lý, xuất bản sách giáo khoa, triển khai các chương trình thực nghiệm,...
Đối với lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành tiếp tục rà soát xử lý đối với 12 dự án thua lỗ bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan và công chức quản lý để xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...
Ngành y tế cần chú trọng hoạt động quản lý chất lượng, giá thuốc cả ở khâu tiền kiểm và hậu kiểm; chú trọng chất lượng y tế cơ sở, đổi mới cơ chế, tăng nguồn lực cho tuyến cơ sở... Ngành tài chính, kế hoạch và đầu tư kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép; thực hiện quản lý chặt chẽ cơ chế tài chính về đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp; có giải pháp phù hợp để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến thanh toán bằng đất đai trong các dự án BT, bảo đảm tiến tới thực hiện nguyên tắc đấu giá công khai đối với các dự án BT...
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội lưu ý ngành xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý không gian mạng, có các giải pháp hữu hiệu hơn cả về kỹ thuật và quy định trong quản lý sim điện thoại di động...
Ngân hàng Nhà nước triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện việc thanh toán không sử dụng tiền mặt cả ở khu vực tư và khu vực công bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, cần sớm xem xét trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 96, năm 2014 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn...
Đối với lĩnh vực tư pháp, Quốc hội đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án bảo đảm đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa việc bỏ lọt tội phạm, không để oan sai; tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là vi phạm về ma túy đang diễn biến ngày càng phức tạp; xử lý nghiêm các hành vi làm giả bệnh án tâm thần sau khi phạm tội; có giải pháp để xử lý nghiêm đối với các hành vi vu khống, xuyên tạc, nói xấu trên mạng.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tiếp tục nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm chặt chẽ theo nguyên tắc “sai phải sửa,” nhưng không để biến giám đốc thẩm, tái thẩm thành cấp xét xử; xử lý nghiêm người có trách nhiệm để xảy ra oan, sai...
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ đã hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm, đề cập đến những mục tiêu trọng tâm hiện nay đến hết nhiệm kỳ; nêu rõ những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 đã thành công tốt đẹp. Qua việc hỏi của các đại biểu Quốc hội, việc trả lời của các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành đã cho Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra, tạo đà cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới./.
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến, Quốc hội đã hoàn thành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4.
Tổng cộng đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 19 Bộ trưởng, trưởng ngành; 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 9,89%.  (02/11/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 9,89%.  (02/11/2018)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn  (01/11/2018)
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Ban Tổ chức Trung ương  (01/11/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển