1. Việt Nam chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Kể từ ngày 1-7-2008, Việt Nam chính thức nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong thời gian 1 tháng. Ngày 2-7-2008, Ðại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, đã chủ trì cuộc họp cấp đại sứ để thảo luận và thông qua chương trình nghị sự của Hội đồng trong tháng 7-2008. Tại cuộc họp, Ðại sứ Lê Lương Minh khẳng định, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tất cả các thành viên trong việc giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng. Tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an chúc mừng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ, tin tưởng Việt Nam đảm nhiệm thành công sứ mệnh này. Ðại diện các nước đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này. Việc đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an sẽ góp phần khẳng định thêm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tốt hơn vào nỗ lực gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Trong tháng 07-2008, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp và quyết định nhiều vấn đề phức tạp như tình hình Cô-xô-vô sau khi tuyên bố độc lập; chủ đề Mi-an-ma; việc triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc và Liên hiệp châu Phi ở Đa-phơ, Xu-đăng; chương trình hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên v.v.. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ dẫn đầu phái đoàn tham gia các cuộc họp liên quan đến vai trò của Việt Nam ở Liên hợp quốc.

2. Tổng cục Thống kê công bố số liệu về kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2008

Theo số liệu công bố, GDP của Việt Nam tăng 6,5%, thấp hơn so với mức tăng 7,9% cùng kỳ năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 5,5 tỉ USD; tính chung cả 6 tháng ước đạt 29,695 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 11.320 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết tháng 6 năm 2008, đã có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD (tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước là điện tử, máy tính và gạo), trong đó có 2 mặt hàng đạt kim ngạch trên 4 tỉ USD là dầu thô, hàng dệt may. Kim ngạch nhập siêu có xu hướng giảm: quý I năm 2008 nhập siêu bằng 62,7% kim ngạch xuất khẩu, quý II bằng 39,2% kim ngạch xuất khẩu, riêng tháng 6 bằng 23,6% kim ngạch xuất khẩu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao cả số vốn thực hiện và vốn đăng ký cấp mới, thể hiện môi trường đầu tư tiếp tục hấp dẫn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 6 tháng ước đạt 4,9 tỉ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2007. Chỉ số lạm phát đã có xu hướng giảm. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 6 chỉ tăng 3,29%, trong đó lương thực tăng 4,29%, thực phẩm tăng 3,05% thấp hơn rất nhiều mức trung bình của 5 tháng trước đó.

Việc thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ đều chậm so với tiến độ. Tình hình giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng gặp nhiều khó khăn, do giá cả tăng cao, tổng mức vốn đầu tư các dự án phải điều chỉnh tăng lên, nhưng mức vốn bố trí cho các dự án đã được cam kết cố định, hiện chưa có nguồn bổ sung để thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn này.

3. Kỷ niệm 1 năm Ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ

 Kỷ niệm 1 năm Ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ

Ngày 4-7-2008, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với các nước tổ chức Lễ kỷ niệm 1 năm Ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ. Một năm qua, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - thương mại. Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,5 tỉ USD; trong 3 tháng đầu năm 2008 đạt hơn 1 tỉ USD, trong đó Ấn Độ xuất 978,92 triệu USD, tăng 110%, và Việt Nam xuất 77,9 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2007. Triển vọng cả năm 2008, kim ngạch thương mại hai chiều có thể đạt 3 tỉ USD, tăng 50% và đạt mục tiêu kế hoạch lãnh đạo hai nước đề ra cho năm 2010. Đã xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư lớn của Ấn Độ tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ấn Độ trở thành một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

4. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Ðoàn Ủy ban đối ngoại Thượng viện Pa-kit-xtan

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Ðoàn Ủy ban đối ngoại Thượng viện Pa-kit-xtan

Ngày 2-7-2008, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Ðoàn đại biểu Ủy ban đối ngoại Thượng viện Pa-kit-xtan, do Thượng nghị sĩ Mu-sa-hít Hu-sa-in Xây-ét (Mushahid Hussain Sayed), Chủ nhiệm Ủy ban, làm Trưởng Ðoàn, đang thăm làm việc tại nước ta. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao chuyến thăm của Ðoàn, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai quốc hội và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước sau 36 năm quan hệ hai nước đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh kết quả hội đàm giữa hai Ðoàn Ủy ban đối ngoại; đề nghị hai Ủy ban đối ngoại phối hợp với Ðại sứ quán ở hai nước xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Ông Mu-sa-hít Hu-sa-in Xây-ét nhấn mạnh, Pa-kit-xtan coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam.

5. Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán năm 2007

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán đối với 225 trong số 385 doanh nghiệp thành viên thuộc 20 tổng công ty nhà nước. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, Kiểm toán nhà nước cho thấy báo cáo tài chính của hầu hết các doanh nghiệp phản ánh chưa đúng doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Các con số được kiểm toán xác định lại và điều chỉnh tăng, giảm của tất cả các khoản từ doanh thu, tổng chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế, đến thuế và các khoản nộp ngân sách đều lên tới hàng nghìn tỉ đồng, trong đó riêng thuế và các khoản nộp ngân sách của 20 tổng công ty đã tăng thêm hơn 273 tỉ. Kiểm toán nhà nước cho thấy nợ phải thu, phải trả của các doanh nghiệp là rất lớn: số nợ phải thu của hơn 200 doanh nhiệp được kiểm toán đến thời điểm 31-12-2006 đã là 25.102 tỉ đồng, chiếm 14,24% tổng tài sản, bằng 64% vốn chủ sở hữu; số nợ phải trả là 65.799 tỉ đồng, chiếm 62% tổng nguồn vốn và bằng 171,2% tổng vốn chủ sở hữu. Kiểm toán nhà nước cũng cho thấy quản lý vật tư, hàng hóa, tài sản cố định và đầu tư dài hạn ở không ít các doanh nghiệp được kiểm toán còn nhiều hạn chế. Các khâu nghiệp vụ thông thường đều có sai sót ở nơi này nơi khác. Quyền sử dụng đất cũng bị lãng phí, chiếm dụng, có đơn vị hiệu suất sử dụng đất chỉ đạt 40%. Nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp chậm tiến độ hoặc dở dang, không khai thác hết công suất, sản phẩm không tiêu thụ được, hoặc sử dụng vốn vay ngằn hạn để đầu tư dài hạn, thanh toán nợ vay quá hạn nên phải chịu trả lãi lớn, một số tham gia liên doanh không hiệu quả.

6. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, trong các ngày từ ngày 2 đến 4-7-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chia sẻ với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh về những khó khăn của tỉnh, Chủ tịch nước khẳng định, Hà Tĩnh có nhiều yếu tố tiềm năng để phát triển công nghiệp trong tương lai, nhất là thành tích đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2008. Chủ tịch nước lưu ý, công tác xóa đói, giảm nghèo cần được ưu tiên quan tâm hơn nữa, bởi Hà Tĩnh có tới 89% dân số sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chủ tịch nước đánh giá công tác tư pháp ở Hà Tĩnh có chuyển biến rõ rệt sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW, đề nghị Hà Tĩnh có chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút cán bộ về khối tư pháp, gấp rút đào tạo và đào tạo lại cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ năng lực, phẩm chất theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện hội nhập quốc tế; quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cơ sở vật chất cho khối tư pháp có đủ điều kiện làm việc.

7. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số dự án nước ngoài tài trợ

Ngày 2-7-2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án "Hỗ trợ hoạch định chính sách hiệu quả thông qua việc phát triển nghiên cứu dựa trên căn cứ khoa học" do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ trị giá trên 3,54 triệu USD. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án "Đầu tư mạng phát hình công nghệ số" sử dụng vốn vay Nghị định thư tài chính Việt - Pháp; Dự án "Hỗ trợ khẩn cấp để chuẩn hóa sớm, phản ứng kịp thời và khống chế hội chứng rối loạn hô hấp, sinh sản (PRRS) và các bệnh có liên quan khác ở lợn tại Việt Nam" do Tổ chức nông nghiệp và lương thực của Liên hợp quốc tài trợ; Dự án "Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng" với tổng đầu tư trên 8,9 triệu ơ-rô do Chính phủ Đan Mạch tài trợ và Dự án "Hợp tác với Tổ chức y tế thế giới tài khóa 2008-2009". Thủ tướng Chính phủ cho phép Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tiếp nhận Dự án "Quy hoạch và chính sách phát triển đô thị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa" do Quỹ Ford (Hoa Kỳ) viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 910.000 USD.

8. Việt Nam - Thái Lan họp Nhóm công tác chung lần thứ 3 về hợp tác chính trị và an ninh

Trong 2 ngày 3 đến 4-7-2008, thực hiện thoả thuận tại cuộc họp lần thứ hai (2005), cuộc họp lần thứ ba Nhóm công tác chung về hợp tác chính trị và an ninh Việt Nam - Thái Lan được tổ chức tại Băng-cốc (Thái Lan). Tại cuộc họp, hai bên vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực chính trị và an ninh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những biến động nhanh chóng và phức tạp. Hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; về những thách thức hiện nay đối với an ninh và phát triển của hai nước như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực v.v.. Hai bên tập trung trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác về chính trị và an ninh giữa hai nước trong thời gian tới. Trên cơ sở Tuyên bố chung ký năm 2004 về khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong thập niên đầu thế kỷ XXI, hai bên nhất trí thông qua “Kế hoạch hành động chung về hợp tác chính trị và an ninh Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2008-2010” và “Chương trình công tác để triển khai Kế hoạch hành động chung về hợp tác chính trị và an ninh Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2008 - 2010”.

9. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp
Giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ

Ngày 04-07-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bà Hen-ri-et-ta Pho (Henrietta Fore), Giám đốc cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhân dịp bà sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao việc ký kết kết Bản ghi nhớ ý định hợp tác (MOI) của Dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại (Dự án STAR) trong hai năm 2010-2011 thiết thực góp phần thúc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Thủ tướng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Hoa Kỳ, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo... Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức thực hiện các cam kết với Hoa Kỳ được thể hiện trong Tuyên bố chung trong chuyến thăm của Thủ tướng đến Hoa Kỳ vừa qua và mong muốn USAID tiếp tục hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, phòng chống dịch bệnh... Thủ tướng gửi lời chúc mừng nhân dịp Quốc khánh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (4-7-2008). Bà Hen-ri-et-ta Pho cho rằng, việc ký kết biên bản hợp tác là sự tiếp nối thành công của chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối tháng 6-2008, thể hiện mong muốn của Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng hợp tác với Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân hai nước, đồng thời tin tưởng hai bên thúc đẩy hợp tác có hiệu quả các lĩnh vực đã được ký kết./.