Lạm phát vẫn đang là vấn đề thời sự trong điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian gần đây, nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, "cơn bão giá" đang đe dọa nguy cơ lạm phát tăng cao ở hàng loạt nước châu á. Đối với Việt Nam, để kiềm chế lạm phát có hiệu quả cần có sự phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Chỉ số lạm phát của Việt Nam vừa qua vào loại cao nhất trong khu vực. Lãi suất của hệ thống ngân hàng Việt Nam được một số chuyên gia nước ngoài cho rằng đang rất cao. Lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam lên tới 17%-18%/năm, lãi suất cho vay đồng Việt Nam cũng lên tới 21%/năm. Tỷ giá VNĐ/USD trên thị trường tự do tăng tới 14% tính từ cuối tháng 4-2008 đến đầu tháng 6-2008. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, điều chỉnh sâu, chỉ số VN-Index từ mức 1.170 điểm giữa tháng 3-2007 đến đầu tháng 6-2008 chỉ còn dưới 400 điểm, được đánh giá là sụt giảm mạnh nhất so với các chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới trong giai đoạn này.

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho hay, tại Việt Nam, năm 2007 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 12,6%. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2008 chỉ số CPI của cả nước đã tăng 15,96%, cao nhất so với mức tăng cả năm trong 15 năm qua kể từ năm 1993 đến nay.

Phân tích cụ thể sự tăng giá của các nhóm mặt hàng có thể thấy, trong 5 tháng đầu năm 2008 tăng giá cao nhất là nhóm hàng lương thực, tới 52,88%; tiếp theo là nhóm hàng thực phẩm, tăng 18,23%; thứ ba là nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình, tăng 19,50%. Tiền thuê nhà ở, chất đốt, điện, nước, vật liệu xây dựng tăng 12,17%.

Nguyên nhân lạm phát

Việc đánh giá, nhìn nhận các nguyên nhân lạm phát hiện nay ở nước ta đã tương đối rõ ràng, bao gồm tổng hợp của cả ba nguyên nhân chính, đó là tiền tệ, cầu kéo và chi phí đẩy, nhập khẩu lạm phát.

Nguyên nhân tiền tệ

Số liệu đã được công bố cho hay, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng Việt Nam đến hết năm 2007 tăng tới 53,8% so với cuối năm 2006,... Nếu đúng vậy thì tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2007 lớn nhất trong gần 20 năm đổi mới hoạt động ngân hàng và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2006. Nếu tăng trưởng tín dụng đó đầu tư cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ,... trực tiếp tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo số đông việc làm mới thì không có gì đáng bàn nhiều. Nhưng nếu như đầu tư quá lớn vào bất động sản và chứng khoán thì đó là điều thực sự đáng quan tâm.

Nguyên nhân về cầu kéo

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2007 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 12,6%. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2008 chỉ số CPI của cả nước đã tăng 15,96%, cao nhất so với mức tăng cả năm trong 15 năm qua, kể từ năm 1993 đến nay. Tháng 6, ước tính chỉ số này là 2,14%.

Nhu cầu về mặt hàng lương thực, thực phẩm của thị trường trong nước tăng cao, chi phí sản xuất nông nghiệp gia tăng do yếu tố thời tiết khí hậu, thiên tai, bão lụt cuối năm 2007, dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm. Riêng đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc 2 tháng đầu năm 2008 đã làm cho khoảng 200.000 ha lúa, 18.000 ha mạ, 25.000 ha rau màu bị hỏng hoàn toàn; khoảng 180.000 con trâu, bò bị chết; tôm, cá cũng bị chết hàng loạt ở nhiều nơi; rau và hoa quả, một số loại cây trồng khác không phát triển được. Hạn hán lan rộng và làm chậm tiến độ sản xuất mùa màng. Tất cả các diễn biến đó về thời tiết và thiên tai làm cho nguồn cung cấp rau và thực phẩm ra thị trường giảm sút, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thiệt hại lên tới 1.000 tỉ đồng.

Nguyên nhân do nhập khẩu lạm phát và chi phí đẩy

Do tác động của thị trường thế giới, một mặt, làm cho giá thu mua một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản xuất khẩu của Việt Nam tăng cao; mặt khác, làm cho chi phí các mặt hàng tiêu dùng có liên quan của thị trường trong nước tăng lên. Cũng do giá của một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu trên thị trường thế giới, như dầu thô, sắt thép, hóa chất,... tăng cao, bởi vậy giá cả các mặt hàng tương tự trong nước cũng tăng theo, do chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí các dự án đầu tư, chi phí khác có liên quan tăng.

Một số chuyên gia quốc tế cũng đã nhấn mạnh đến nguyên nhân nhập khẩu lạm phát gắn với luận bàn về chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam. Bởi vì, trong khi USD mất giá mạnh so với các loại ngoại tệ chủ chốt khác trên thị trường thế giới, kể cả đồng tiền của một số nước trong khu vực, nhưng Việt Nam vẫn gắn nhập khẩu chủ yếu với USD, kèm theo đó chủ động điều hành để tỷ giá VNĐ/USD tăng lên, hay đồng Việt Nam mất giá nhẹ so với USD. Kết quả là giá hàng hóa nhập khẩu bán ra thị trường trong nước tính ra cao hơn các nước trong khu vực.

Ngoài các nguyên nhân nói trên, còn có một số nguyên nhân khác. Đó là sự bất hợp lý trong cơ cấu kinh tế, trong chiến lược xuất nhập khẩu và chính sách đất đai trong nông nghiệp.

Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, có tiềm năng lớn về lĩnh vực này, nguồn lao động dồi dào, tiềm năng thiên nhiên phong phú. Song cho đến nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ "cái kim, sợi chỉ" đến điện, xăng dầu, sắt thép,... và nhiều máy móc thiết bị khác. Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam có tỷ trọng lớn là nguyên liệu nhập khẩu, như: hàng may mặc, giày dép, điện tử, máy vi tính,... Bởi vậy, một mặt, làm cho giá cả trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thị trường thế giới; mặt khác, dẫn tới nhập siêu rất lớn, nhất là nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng không kiểm soát được và không thống kê được. Trong khi đó hàng xuất khẩu của Việt Nam có tỷ trọng lớn là nguyên liệu thô.

Trong những năm qua cũng như hiện nay, diện tích đất đai để chuyển cho mục đích phi nông nghiệp hầu hết là đất 2 - 3 vụ màu mỡ; đất canh tác cho năng suất và sản lượng lương thực, rau màu lớn và có năng suất cao, tại các nơi có mật độ nhân khẩu nông nghiệp cao. Nhiều con số ước tính khác nhau, nhưng tính từ năm 2000 đến tháng 6-2008, trong cả nước có tổng cộng khoảng 700.000 ha đất canh tác bị thu hồi chuyển sang sử dụng cho mục đích khác. Đó là chưa kể đất làm đường giao thông và các yêu cầu công cộng khác.

Kết quả rà soát tình hình thu hồi đất để xây dựng sân golf do Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành công bố cuối tháng 5-2008 cho thấy, cả nước có 123 sân golf được chấp thuận về chủ trương đầu tư, được cấp phép, đã xây dựng với tổng diện tích đất là 38.445 ha; trong đó có 15.264 ha đất nông nghiệp, riêng diện tích đất trồng lúa là 2.433 ha.

Chính sách đất đai nói trên gây nên lạm phát như sau:

Thứ nhất, chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp,... trả cho ngân sách địa phương tiền sử dụng đất. Với nguồn thu đột xuất lớn như vậy có tỉnh trước nay thường xuyên bội chi, bỗng kết dư ngân sách. Nguồn ngân sách kết dư này lên tới vài trăm tỉ đồng với nguồn gốc từ vốn tín dụng ngân hàng được địa phương sử dụng cho chi tiêu và đầu tư. Chi tiêu và đầu tư hiệu quả ra sao đối với phát triển kinh tế - xã hội thì chưa rõ, nhưng từ vốn tín dụng ngân hàng mà chủ dự án vay hoặc thu trước của người mua đất dự án trở thành nguồn thu cho ngân sách, rõ ràng tạo ra nguy cơ gây nên lạm phát.

Thứ hai, một số lượng đông người nông dân mất đất canh tác, không có việc làm nhưng bỗng dưng có một số tiền rất lớn từ kinh phí đền bù, hỗ trợ,... đã sử dụng một tỷ trọng đáng kể số tiền đó cho làm nhà, mua sắm đồ dùng gia đình đắt tiền và chi tiêu sinh hoạt khác. Nguồn gốc số tiền này có tỷ trọng đáng kể là tiền vay ngân hàng của các chủ dự án, ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về chuyển đổi sang đồng Việt Nam để thực hiện dự án; tiếp theo là tiền của ngân sách nhà nước và tiền của người dân mua căn hộ, mua lô đất của dự án nhà ở. Với nguồn tiền thứ ba này có một phần từ rút tiền gửi tiết kiệm, một phần vay ngân hàng, song có thể khẳng định tiền vay ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy, tiền gây nên lạm phát từ kênh này là một nguyên nhân quan trọng.

Thứ ba, số diện tích đất đai nông nghiệp được chuyển thành đất đô thị, đất công nghiệp và phi nông nghiệp là rất lớn. Diện tích canh tác, cụ thể là đất trồng lúa, rau, hoa quả, chăn nuôi,... bị giảm đáng kể, giảm lượng cung nông sản thực phẩm ra thị trường, đương nhiên là góp phần làm tăng giá nhóm mặt hàng này, tác động rõ rệt lên lạm phát.

Quan điểm về các biện pháp kiềm chế lạm phát đang được thực hiện

Về thắt chặt chính sách tiền tệ

Cần phải khẳng định rằng: sự chỉ đạo của Chính phủ thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là đúng, nhất là thắt chặt tiền tệ để kiềm chế sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản lại càng đúng vì đây là một kênh quan trọng gây nên lạm phát tiền tệ.

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc 2 tháng đầu năm 2008, hạn hán lan rộng, đất canh tác bị thu hồi chuyển sang sử dụng cho mục đích khác,... tất cả các diễn biến đó làm cho nguồn cung cấp nông sản thực phẩm ra thị trường giảm sút, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao.

Thắt chặt tiền tệ sẽ dẫn tới hạn chế cho vay. Song, việc hạn chế cho vay là do các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện. Nếu như đối với các lĩnh vực phi sản xuất, lĩnh vực đầu tư dễ gây ra lạm phát, thì việc hạn chế cho vay đương nhiên có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát. Nhưng, trong thực tế do thị trường tiền tệ nóng lên, vốn khả dụng khan hiếm, nhất là một số NHTM trong nhiều thời điểm bị thiếu thanh khoản. Do đó, các NHTM, chi nhánh NHTM, một mặt, tăng lãi suất để tăng cường huy động vốn trên thị trường; mặt khác, hạn chế cho vay nói chung. Ngay cả các nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh hợp lý, có hiệu quả cũng khó vay được vốn. Bởi vậy, tác động rõ rệt nhất đó là kìm hãm phát triển sản xuất kinh doanh, ngay cả ở các vùng nông thôn, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, làm cho tỷ lệ người lao động thiếu việc làm có nguy cơ gia tăng. Các tỉnh có nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, nhất là các tỉnh miền núi,... nhu cầu vốn đầu tư lớn, nhưng cũng bị "cào bằng" trong thắt chặt tín dụng của NHTM. Đến khi cần phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất thì phải tốn kém nhiều thời gian và chi phí.

Thắt chặt tiền tệ làm cho lãi suất tăng lên. Về mặt nguyên lý và về mặt truyền thống, lãi suất tăng sẽ cho phép thu hút bớt tiền từ lưu thông về và hạn chế nhu cầu vay, có tác dụng tích cực đến kiềm chế lạm phát. Song, đó phải là thu hút tiền về Ngân hàng Trung ương, còn trên thực tế, tiền được hút về Ngân hàng Trung ương không phải do lãi suất mà là do tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và do phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc. Còn lãi suất huy động vốn của NHTM tăng cao, nhưng chỉ cho phép thu hút tiền có tính nhất thời, có tính thời điểm. Nhìn chung, vốn huy động không tăng nhiều bởi còn do nhiều nhân tố khác, thậm chí tại một số NHTM còn bị giảm vì vốn chạy từ NHTM này sang NHTM khác. Lãi suất cho vay vốn của NHTM tăng cao làm tăng chi phí vốn vay của sản xuất kinh doanh và dịch vụ, làm tăng giá thành và tác động đến tăng giá trên thị trường, tác động ngược lại mục tiêu kiềm chế lạm phát, gây tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp, cho người vay vốn, cho nền kinh tế và rủi ro cho chính bản thân ngân hàng. Nguyên nhân là khó có lĩnh vực kinh doanh nào có lãi lớn và lợi nhuận cao để chịu đựng được lãi suất vay vốn lên tới trên 20%/năm như hiện nay.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng về nguyên lý làm hạn chế hệ số nhân tiền, cho phép thu hút bớt tiền từ lưu thông về, nhưng đồng thời cũng làm cho chi phí vốn đầu vào của NHTM tăng, hay như một số người cho rằng, đó là một loại thuế đánh vào hoạt động tín dụng của NHTM. "Loại thuế" hay chi phí này lại được đưa vào lãi suất cho vay, cuối cùng người vay vốn phải gánh chịu.

Về phối hợp các giải pháp triển khai kiềm chế lạm phát

Cho đến nay, nhận thức và các giải pháp đưa ra mới thể hiện đầy đủ các nguyên nhân và các giải pháp có tính đồng bộ: hỗ trợ cho người dân vùng bị rét đậm kéo dài bị thiệt hại về đàn gia súc, gia cầm... cắt giảm dự án đầu tư, tiết kiệm 10% chi tiêu hành chính, quản lý chặt chẽ tình trạng đầu cơ... Nhưng trong thời gian đầu, các bộ, ngành và đông đảo dư luận đều tập trung "đổ tội" hầu như nguyên nhân duy nhất là tiền tệ và yêu cầu thắt chặt tiền tệ. Vậy nên, các giải pháp về tiền tệ được thực hiện khá dồn dập đã làm cho thị trường tiền tệ nóng lên, lãi suất tăng cao, thanh khoản của một số NHTM căng thẳng. Trong khi các giải pháp khác thì có độ trễ, hay có sự lệch pha về thời gian triển khai, hiệu quả thực hiện thấp,...

Về chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân và vấn đề lương thực

Tại nhiều nước đang phát triển ở châu á, châu Phi và châu Mỹ, để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, chính phủ tập trung giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề: đó là giá lương thực tăng đột biến và nhu cầu lương thực tăng cao. Các quốc gia này chi những khoản kinh phí rất lớn để hỗ trợ nông dân, hỗ trợ sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây lương thực và tăng sản lượng lương thực; đấu tranh với tệ nạn đầu cơ và thúc đẩy lưu thông phân phối thông suốt; đồng thời tiến hành trợ cấp cho những người thu nhập thấp bị ảnh hưởng của giá lương thực, thực phẩm tăng cao và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất canh tác sang các mục đích khác. Điển hình trong trường hợp này là Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Các nhà kinh tế trên thế giới gần như thống nhất ở quan điểm cho rằng, nguyên nhân quan trọng có tính chất lâu dài của tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng cao, gây lạm phát tăng vọt ở hàng loạt nước châu á đó là sự thu hẹp diện tích đất nông nghiệp do tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa gia tăng chóng mặt.

Trong khi đó, tại Việt Nam đến nay chưa có nhiều biện pháp cụ thể nào về quản lý đất đai cũng như chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, hay hỗ trợ nông dân. Việc triển khai chúng còn rất mờ nhạt và rời rạc.

Một số giải pháp kiềm chế lạm phát

Một là, tạm thời dừng ngay các dự án sử dụng đất đai canh tác màu mỡ sang mục đích phi nông nghiệp. Đối với các dự án sân golf, khu công nghiệp, khu du lịch nên định hướng đến các vùng đất đồi gò, vùng bán sơn địa, vùng đất hoang hóa có độ màu mỡ kém. Dự án về phát triển đô thị cần được cân nhắc chặt chẽ, không phát triển tràn lan như hiện nay. Giải pháp này, một mặt, giữ lại quỹ đất cho sản xuất lương thực và rau hoa quả, thực phẩm tại những vùng ven đô thị lớn; mặt khác, giảm sức hút vốn đầu tư, vốn tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực này. Ngày 18-4-2008, Thủ tướng Chính phủ mới có công văn số 391/QĐ-TTg yêu cầu rà soát đất đai trên toàn quốc, trong đó chú trọng vào đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nước nói riêng. Quan trọng là việc thực thi sự chỉ đạo này phải nghiêm túc, hiệu quả.

Hai là, thực hiện kiểm soát hết sức nghiêm ngặt việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước sản xuất được. Việc kiểm soát này cần được thực hiện ngay cả với nhập khẩu tiểu ngạch và nhập lậu.

Ba là, miễn thuế nông nghiệp cho nông dân trong đợt rét đậm đầu năm 2008, giảm thuế đối với nông dân ở các vùng bị thiên tai, tiến tới miễn hẳn thuế nông nghiệp cho người nông dân. Tăng cường đầu tư cho giao thông nông thôn, chú trọng tới các vùng đồng bằng và trung du nơi có mật độ dân cư đông, nơi sản xuất khối lượng lương thực và thực phẩm lớn. Trong thời gian dài, Chính phủ đầu tư khá lớn cho phát triển giao thông miền núi, nhưng còn vùng đồng bằng và trung du thì tùy thuộc vào ngân sách địa phương, nên nhìn chung giao thông nông thôn kém phát triển, không đều tùy vào khả năng bố trí của từng địa phương.

Bốn là, có chính sách khuyến khích mở rộng tín dụng ở nông thôn với lãi suất hợp lý. Có biện pháp cụ thể để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam không khống chế hạn mức tín dụng, hoặc nâng hạn mức tín dụng đối với chi nhánh tại các tỉnh mà tỷ trọng sản xuất nông nghiệp còn lớn. Tốt nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam không áp dụng hạn mức tín dụng đối với cho vay sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Giảm thấp hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các NHTM khác hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn. Trước mắt, nên giảm từ 2% - 4% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM cho vay nông nghiệp - nông thôn, tiến tới chỉ nên để ở mức 1% - 2%. Nhưng kèm theo đó có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các NHTM được hưởng ưu đãi, song không mở rộng cho vay trực tiếp ở nông thôn mà lại cho vay với lãi suất cao trên thị trường liên ngân hàng. Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng hoạt động mở rộng cho vay ở vùng nông thôn.

Chính phủ chi hàng nghìn tỉ đồng từ nguồn ngân sách để bù lỗ cho các đơn vị đầu mối để nhập khẩu xăng dầu làm gia tăng tình trạng bội chi ngân sách; được hưởng giá xăng dầu bao cấp, người dân và các doanh nghiệp kém ý thức tiết kiệm sử dụng xăng dầu; xuất hiện tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới; nhập siêu tăng do nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, ô-tô và phụ tùng ô-tô,... đó cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Năm là,
Bộ Tài chính có cơ chế tăng nguồn vốn cho vay đối với Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam để mở rộng cho vay các đối tượng chính sách xã hội ở nông thôn, mở rộng chương trình cho vay và nâng mức cho vay vốn đối với mỗi hộ gia đình. Chính phủ cần tăng cường nguồn vốn cho vay đối với hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam để nâng mức cho vay đối với mỗi hộ nghèo, gia đình chính sách, mở rộng đối tượng cho vay. Bởi vì vốn cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội được các hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa tạo việc làm cho người nông dân,... vừa thúc đẩy sản xuất, tăng khối lượng lương thực, thực phẩm cho thị trường, có tác động tích cực đến kiềm chế lạm phát.

Sáu là, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế điều hành gián tiếp và biện pháp trực tiếp để giảm lãi suất cho vay của các NHTM đối với khách hàng; đồng thời theo dõi sát sao tác động của thắt chặt tiền tệ đến sản xuất kinh doanh, việc làm và tăng trưởng kinh tế để chủ động, linh hoạt có sự điều chỉnh cơ chế, biện pháp điều hành sao cho kịp thời và hiệu quả. Trước tình trạng tỷ giá trên thị trường tự do biến động mạnh và có khoảng cách chênh lệch quá lớn so với tỷ giá niêm yết của các NHTM như hiện nay, cần có chính sách mềm mỏng, thích ứng với thị trường hơn để sớm chấm dứt tình trạng này.

Bảy là, Chính phủ cần cân nhắc đến lộ trình thực hiện cơ chế thị trường về giá bán lẻ xăng dầu thị trường trong nước. Việc kiềm chế giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay có những mặt tích cực không ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung, song tác động ngược lại cũng không ít. Bởi vì để bao cấp giá bán lẻ xăng dầu, Chính phủ phải chi hàng nghìn tỉ đồng từ nguồn ngân sách để bù lỗ cho các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, làm gia tăng tình trạng bội chi ngân sách - một nguyên nhân quan trọng gây nên lạm phát, làm "méo mó" mặt bằng giá cả trong nước; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp khác cũng được hưởng giá xăng dầu bao cấp; không thúc đẩy người dân và các doanh nghiệp tiết kiệm sử dụng xăng dầu và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tạo cơ hội cho tình trạng xuất lậu xăng dầu qua biên giới và phương tiện vận tải của các nước láng giềng quá cảnh mua xăng dầu giá rẻ trên thị trường Việt Nam.

Tám là, có chiến lược đầu tư hướng tới khắc phục nhanh những bất hợp lý cơ cấu kinh tế hiện nay. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án lọc hóa dầu, dự án điện, dự án xi-măng và sắt thép, giao thông đô thị...

Trong điều hành chính sách tiền tệ hiếm khi đạt được cả hai mục tiêu cùng một lúc: kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có khi tạm thời phải hy sinh mục tiêu này để đạt được mục tiêu kia. Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát là cần thiết. Song, trong điều hành chính sách không nên quá cứng nhắc và chỉ một chiều, đồng thời phải có sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác thì mới tạo cơ sở kiềm chế lạm phát một cách vững chắc./.