TCCSĐT - Chiều 30-8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8-2018, ngay sau Phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như các buổi họp báo thường lệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo khái quát nội dung phiên họp Chính phủ tháng 8. Bộ trưởng cho biết:

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã thảo luận Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, tiến độ cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá, kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7, với những điểm nổi bật như:

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8-2018 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.

Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%). Các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, sản xuất xe hơi, dược, dệt may… đều tăng trưởng tốt.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại 8 tháng duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8%.

Giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán). Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới. Tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.

Chính phủ đánh giá chúng ta sẽ đạt và vượt 12 chỉ tiêu của năm 2018, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.

Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2018, các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Cần tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tính chung 8 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 15.028 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 6.973 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.858 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 197 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,74%, giảm 1,6% so với tháng trước).

Về Chương trình công tác, theo kế hoạch, 8 tháng có 209 đề án các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hết tháng 8, các bộ đã trình 163 đề án (đạt 78%), trong đó 63 đề án đã được ban hành (chiếm 38,65% số đề án đã trình); 46 đề án đã quá thời hạn chưa trình theo tiến độ.
Về cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong tổng số 6.213 điều kiện, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện. Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện (đạt 31,6% so với dự kiến) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Còn 2.839 điều kiện đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ.

Về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có tổng số 9.936 dòng hàng phải kiểm tra, các bộ dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng. Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng (đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ). Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện hơn so với tháng trước (tăng 18,9% ) nhưng tỷ lệ cắt giảm đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra.

Văn phòng Chính phủ kiến nghị các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ thông qua hoặc ban hành theo thẩm quyền. Các bộ cần tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Phần cuối buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo./.