Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

BTV (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:29, ngày 28-08-2018

TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Ủy viên Thường trực kiêm Tổng Thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Đồng thời, Ủy ban cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm Tổ trưởng; Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các bộ, cơ quan: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo, chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT, một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Văn phòng Chính phủ làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Quyết định 1072/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28-8-2018 và thay thế Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15-01-2014 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin và Quyết định số 1075/QĐ-TTg ngày 17-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 15-01-2014 về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Căn cứ Quyết định này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của bộ, ngành, địa phương trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử vừa ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai, do Chủ tịch Ủy ban quyết định; Ủy ban, thành viên Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ủy ban trong hoạt động của Ủy ban và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Các thành viên Ủy ban chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Ủy ban họp định kỳ một quý một lần. Ngoài ra, Ủy ban có thể họp đột xuất theo triệu tập của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban hoặc theo đề nghị của Tổng Thư ký Ủy ban. Thành phần tham dự cuộc họp do người chủ trì cuộc họp quyết định.

Chủ tịch Ủy ban quyết định triệu tập cuộc họp mở rộng có sự tham gia của người đứng đầu cơ quan chủ trì thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án có liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.

Các thành viên Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban định kỳ hoặc đột xuất làm việc với Ủy viên Ủy ban, Tổ công tác để nghe báo cáo tình hình, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban; các Ủy viên Ủy ban được quyền giao đơn vị đầu mối chủ trì, huy động đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị mình trong thực thi nhiệm vụ được Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban giao.

Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong quan hệ công tác với Ủy ban. Cụ thể, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt các nội dung chỉ đạo của Ủy ban để đôn đốc, triển khai thực hiện xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực mình phụ trách và chịu sự giám sát, kiểm tra của Ủy ban về việc thực hiện các nội dung này; phối hợp với Tổ công tác đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương mình phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và yêu cầu của Ủy ban.

Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông báo kết luận nêu rõ, nhiệm vụ bảo vệ Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn lâu dài và tuyệt đối an toàn thi hài của Người là nhiệm vụ chính trị vinh dự, thiêng liêng cao quý mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao cho Ban Quản lý Lăng.

Những tháng đầu năm 2018 và sau 2 tháng khẩn trương thực hiện tu bổ, Ban Quản lý Lăng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng hoạt động an toàn, tin cậy; các công trình kiến trúc được duy tu, bảo dưỡng bảo đảm chất lượng, phù hợp với cảnh quan kiến trúc của khu vực; xanh, sạch, thoáng, trật tự an toàn khu vực được bảo đảm tốt hơn. Thực hiện đúng quy trình, nhiệm vụ y tế trong việc giữ gìn thi hài Bác an toàn tuyệt đối. Công tác an ninh, nghi lễ, sẵn sàng chiến đấu được bảo đảm. Tổ chức đón tiếp, phục vụ tận tình, an toàn các đoàn khách đến viếng và tưởng niệm Bác, không xảy ra sơ suất. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kế hoạch, tài chính, tổ chức cán bộ, pháp chế được quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng đã hoàn thành toàn diện, đúng Kế hoạch công tác Tu bổ định kỳ năm 2018. Qua đây cho thấy việc điều chỉnh thời gian tu bổ định kỳ công trình Lăng là hợp lý, đồng thời vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, không ảnh hưởng đến việc tổ chức các buổi lễ viếng Bác nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng của đất nước; tạo thuận lợi cho nhân dân và khách quốc tế đến thăm viếng.

Thời gian tới, Ban Quản lý Lăng và các cơ quan liên quan cần tích cực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nhiệm vụ y tế để ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền nhằm phát huy tốt ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công về Thủ đô và vào Lăng viếng Bác; thái độ đón tiếp văn minh, lịch sự, chu đáo, tình cảm.

Với sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng chủ động và tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện các phương án chủ động, linh hoạt, đa dạng để bảo vệ an toàn tuyệt đối khu vực trung tâm chính trị, hành chính Ba Đình; đề cao cảnh giác; không để xảy ra tình trạng cháy, nổ, mất an ninh trật tự, tụ tập đông người trái phép ở khu vực quan trọng này.

Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bồi dưỡng về phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, nắm bắt và xử lý tốt diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, ứng phó trong mọi tình huống xảy ra...

Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh


Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập và trình phê duyệt Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh; trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định Nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch chung xây dựng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhằm xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị loại I vào những năm 20 của thế kỷ XXI, làm tiền đề xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng thủ đô Hà Nội với trọng tâm là dịch vụ thương mại, đào tạo - nghiên cứu khoa học, du lịch văn hóa, y tế - nghỉ dưỡng và logistic có chất lượng cao, đồng thời trở thành một đầu mối giao lưu, trung tâm du lịch văn hoá, đào tạo - nghiên cứu khoa học, phát triển bền vững với đặc trưng văn hóa - sinh thái - tri thức.../.