TCCSĐT - Trình Bộ Chính trị xin chủ trương Hà Nội đăng cai Sea Games 31 và Para Games 11; Ban hành tiêu chí xác định sản phẩm sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có biện pháp nghiêm khắc xử lý nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu; Nghiên cứu, tham khảo vấn đề báo nêu về chính sách thuế là những chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trình Bộ Chính trị xin chủ trương Hà Nội đăng cai Sea Games 31 và Para Games 11

Thủ tướng Chính phủ giao Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tờ trình, báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 7 năm 2018 để xin ý kiến về chủ trương đăng cai tổ chức Sea Games 31 và Para Games 11 năm 2021 tại thành phố Hà Nội.

Để bảo đảm quá trình chuẩn bị, triển khai đúng quy định, chặt chẽ, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương như trên, trên cơ sở đó thông báo chính thức tới Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.

Sau khi Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án tổ chức Sea Games 31 và Para Games 11 trên tinh thần tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, thành công; chủ động rà soát, hoàn thiện phương án chi tiết về cơ sở vật chất theo hướng tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có, hạn chế xây dựng và mua sắm mới, tăng cường mạnh mẽ xã hội hóa nguồn lực.

Ngành thể dục, thể thao chủ động, tích cực chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên và các điều kiện cần thiết để Đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích tốt nhất tại Sea Games 31 và Para Games 11 năm 2021.

Thời gian qua, ngành thể dục, thể thao và các địa phương liên quan đã thể hiện quyết tâm cao, có sự chuẩn bị nghiêm túc để sẵn sàng nhận đăng cai tổ chức Sea Games 31 và Para Games 11 năm 2021. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao trong nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Có biện pháp quản lý nhập khẩu phế liệu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp nghiêm khắc xử lý nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu.

Về phản ánh của báo Thanh Niên (Nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu: Chưa có cơ chế phối hợp liên ngành; chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt chủ tàu, hãng vận tải trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu; chưa quy định giấy phép nhập khẩu phế liệu là điều kiện trong giao dịch giữa doanh nghiệp nhập khẩu, hãng vận tải biển và nhà xuất khẩu nước ngoài. Nên khi có vi phạm thì không thể xử lý chủ tàu, chủ hãng vận tải biển), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp nghiêm khắc về việc này.

Nghiên cứu, tham khảo vấn đề báo nêu về chính sách thuế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nghiên cứu, tham khảo phản ánh của các báo về chuyển giá của doanh nghiệp FDI, chính sách thuế, để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Cụ thể, Báo Tuổi trẻ ngày 11-7-2018 phản ánh “Từ năm 2012 - 2016, số doanh nghiệp FDI báo lỗ chiếm 44 - 51% tổng số doanh nghiệp, là dấu hiệu của chuyển giá. Nhưng thực tế có cung cấp hay không thì ngành thuế cũng khó biết do chưa có chức năng điều tra. Nhiều doanh nghiệp chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết có chi phí lãi vay quá mức thông thường. Do đó cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.”

Báo Doanh nhân Việt Nam ngày 11-7-2018 phản ánh “Chính sách ưu đãi thuế nghiêng theo ưu đãi địa bàn hơn là lĩnh vực. Việc áp dụng ưu đãi theo lĩnh vực còn khó khăn về thủ tục. Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam Bùi Ngọc Tuấn nhận định, các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý; các mức chính sách ưu đãi thuế còn cứng nhắc, nhiều trường hợp nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giảm sức thu hút đầu tư.”

Báo VietnamPlus ngày 11-7-2018 phản ánh “Việt Nam có danh mục 75 hiệp định thuế quan đã ký với mức độ, phạm vi rất rộng và toàn diện. Song trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp FDI phàn nàn việc giảm thuế theo các hiệp định ký kết chưa áp dụng tự động. Việc cơ quan thuế không hề ban hành bất kỳ văn bản nào xác nhận việc miễn, giảm thuế theo các hiệp định đã ký kết khi họ nhận “hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế” từ doanh nghiệp.”

Về các vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế nghiên cứu, tham khảo để có biện pháp phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Ban hành tiêu chí xác định sản phẩm sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thuế xuất khẩu đối với sản phẩm sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Trong quý III-2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan ban hành Danh mục hoặc tiêu chí xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải để cơ quan Hải quan thực hiện chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu cho doanh nghiệp theo đúng quy định hiện hành và nhiệm vụ được giao tại khoản 6 Điều 40 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01-9-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu./.