Thông qua 3 dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo
TCCSĐT - Sáng 12-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua ba dự thảo gồm Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi).
Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng
Với 86,86% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Luật gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, chính sách của Nhà nước về an ninh mạng là ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và đối ngoại; xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nhà nước ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng và tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.
Trước khi biểu quyết thông qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng (Điều 26), nhiều ý kiến tán thành với các quy định này trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị lược bỏ quy định trách nhiệm “thiết lập cơ chế xác thực thông tin” hoặc bổ sung “yêu cầu cung cấp số định danh cá nhân để xác thực”. Có ý kiến cho rằng, quy định “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng” dễ bị lạm dụng, nên đề nghị quy định rõ trường hợp áp dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức là “xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số”, còn xây dựng cơ chế xác thực thông tin là trách nhiệm của Bộ Công an; quy định rõ trường hợp cung cấp thông tin là để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng và chỉnh sửa quy định lưu vết thành lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm cho rõ ràng, khả thi, tránh lạm dụng trong thực hiện.
Các lực lượng này nếu lợi dụng, lạm dụng quyền hạn đã bị nghiêm cấm tại khoản 5 Điều 8, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh và nếu gây thiệt hại phải bồi thường như đã thể hiện tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Một số ý kiến còn băn khoăn với quy định doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, vì cho rằng quy định này không bảo đảm tính khả thi, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt chỉ rõ, các Hiệp định cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh. Do đó, việc áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong Luật này là rất cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.
Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore.
Nếu quy định của Luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Trường hợp trung tâm dữ liệu được đặt ở Việt Nam tuy có gia tăng thêm chi phí của doanh nghiệp, nhưng là quy định cần thiết phải đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng của nước ta. Mặt khác, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài cũng như hoạt động sử dụng dịch vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước cũng có điểm thuận lợi hơn; nếu gặp sự cố gián đoạn sẽ được xử lý nhanh hơn; cơ quan chức năng sẽ quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này. Khi có hành vi xâm phạm an ninh mạng, việc phối hợp xử lý thông tin và hành vi vi phạm sẽ hiệu quả, khả thi hơn.
“Căn cứ quy định của Luật và tình hình thực tiễn, Chính phủ quy định phạm vi doanh nghiệp cụ thể phải áp dụng quy định này, nên sẽ cơ bản không gây cản trở lưu thông dòng chảy dữ liệu, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc quy định đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam không phải lần đầu tiên được quy định trong Luật này. Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải “có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng”.
Luật an ninh mạng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương
Với 95,28% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Luật có 10 chương và 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, có ý kiến đề nghị sửa lại quy định tại khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật đối với thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, tương tự như quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên bảy năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Quy định về bổ nhiệm và nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong 5 năm là phù hợp với Quy chế bổ nhiệm cán bộ, công chức của Chính phủ.
Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật nội dung về chủ thể thành lập cơ quan điều tra, cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thuộc Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thành lập, gồm Thủ trưởng cơ quan điều tra và các điều tra viên có chức năng điều tra các hành vi vi phạm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Điều 46 dự thảo Luật quy định cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Do vậy, các quy định liên quan tới cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh sẽ được quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019. Tuy nhiên, Luật quy định điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được tiếp tục xem xét, giải quyết như sau: Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý nếu được xác định không vi phạm quy định của Luật này thì được đình chỉ điều tra, xử lý. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật này thì tiếp tục bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này.
Trường hợp hình thức xử lý hoặc mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật này cao hơn quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 thì áp dụng theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11.
Tố cáo bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp
Với tỷ lệ 96,1% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi).
Luật gồm chín chương, 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Về hình thức tố cáo, Luật quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật cho biết, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành.
Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của dự thảo Luật).
Liên quan đến bảo vệ người tố cáo, Luật quy định: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).
Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Luật Tố cáo (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2019./.
Thủ tướng Canada cảm ơn Thủ tướng Việt Nam dự Hội nghị G7 mở rộng  (12/06/2018)
Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cấp chiến lược  (12/06/2018)
Báo chí phản ánh chiến tranh: Hiện tại và tương lai  (12/06/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều chính sách ưu đãi thu hút chuyên gia, nhà khoa học vào các lĩnh vực trọng điểm  (12/06/2018)
Từ tư tưởng của Các Mác về dân chủ đến xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam  (12/06/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-6-2018)  (12/06/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển