TCCSĐT - Ngày 25-5-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chỉ đạo đáng chú ý như: Chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp qua hoạt động khuyến nông; Chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông; Hoàn thiện chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều…


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông. Trong đó nêu rõ chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông như: Chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; chính sách thông tin tuyên truyền; chính sách xây dựng và nhân rộng mô hình; chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông…

Theo Nghị định, đối tượng nhận chuyển giao công nghệ được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành.

Đối tượng chuyển giao công nghệ được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành; người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham quan, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định hiện hành. Nghị định nêu rõ, ưu tiên đào tạo cán bộ khuyến nông là nữ, người dân tộc thiểu số.

Khuyến nông là hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo tay nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Theo Nghị định, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí xây dựng nội dung tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản tạp chí, tài liệu, ấn phẩm khuyến nông, tổ chức sự kiện khuyến nông (hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, tọa đàm), xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin khuyến nông và các hình thức thông tin tuyên truyền khuyến nông khác.

Đối tượng chuyển giao, đối tượng nhận chuyển giao công nghệ khi tham dự các sự kiện khuyến nông được hỗ trợ chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở theo quy định hiện hành.

Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn được nêu rõ như sau: Mô hình trình diễn ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại, biến đổi khí hậu theo công bố của cấp có thẩm quyền được hỗ trợ tối đa 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình.

Mô hình trình diễn ở địa bàn trung du, miền núi, bãi ngang được hỗ trợ tối đa 70% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Mô hình trình diễn ở địa bàn đồng bằng được hỗ trợ tối đa 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Mô hình ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình (đối với tất cả các địa bàn). Mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện mô hình nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình (đối với tất cả các địa bàn).

Nghị định nêu rõ, hỗ trợ tối đa 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình theo quy định hiện hành (đối với tất cả các loại mô hình).

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập để nhân rộng mô hình.

Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân hoạt động khuyến nông được tham gia tư vấn và dịch vụ khuyến nông quy định Nghị định này và theo quy định của pháp luật hiện hành. Tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn và dịch vụ khuyến nông được ưu tiên thuê đất, vay vốn ưu đãi, miễn, giảm thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi phí dịch vụ, tư vấn khuyến nông do các bên thỏa thuận. Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ dịch vụ, tư vấn khuyến nông theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cũng theo Nghị định, các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được hưởng các chính sách sau: Được vinh danh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ có hiệu quả, có tác động tốt đến sản xuất kinh doanh nông nghiệp; được cơ quan quản lý nhà nước về khuyến nông hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí, vay vốn, thuê đất và các chính sách khác theo quy định của pháp luật hiện hành…

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10-7-2018.

Sửa nội dung đầu tư cho xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 596/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-01-2017 phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020.
Quyết định sửa đổi nêu rõ: Cơ chế quản lý, nội dung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo khi được cấp có thẩm quyền công nhận lên phường, thị trấn hoặc đạt chuẩn nông thôn mới trong năm thì được tiếp tục thực hiện hỗ trợ đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đến hết năm; từ năm tiếp theo các xã này không còn trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-01-2017 và không thuộc diện hỗ trợ đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, có 291 xã thuộc 23 tỉnh được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, Quảng Ninh có 6 xã; Ninh Bình có 5 xã; Thanh Hóa có 30 xã; Nghệ An có 12 xã; Hà Tĩnh có 29 xã; Quảng Bình có 12 xã; Quảng Trị có 13 xã; Thừa Thiên Huế có 27 xã; Quảng Nam có 8 xã; Quảng Ngãi có 19 xã; Bình Định có 18 xã; Phú Yên có 11 xã; Khánh Hòa có 4 xã; Ninh Thuận có 3 xã; Bình Thuận có 1 xã; Long An có 1 xã; Tiền Giang có 11 xã; Trà Vinh 7 xã; Bến Tre có 30 xã; Kiên Giang 12 xã; Sóc Trăng có 14 xã; Bạc Liêu có 7 xã; Cà Mau có 11 xã.

Hoàn thiện chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều


Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện lại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5-2018 theo hướng:

- Quy định chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo để bù đắp các chiều thiết hụt quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; trừ chính sách bảo hiểm y tế đã quy định tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10-5-2017 của Chính phủ.

- Không quy định số kinh phí dự kiến thực hiện chính sách tại Nghị quyết.

- Bổ sung nội dung về tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ pháp lý và một số chính sách khác đối với hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Bổ sung nội dung về thời gian thực hiện các chính sách tại Nghị quyết.

Theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và nhiệm vụ Quốc hội giao tại Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24-6-2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết trên là đủ căn cứ pháp lý.

Về chính sách đối với hộ nghèo quy định tại các Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, trong quá trình xây dựng luật sửa đổi, bổ sung, các Bộ chủ trì xây dựng luật, Bộ Tư pháp lưu ý việc kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định về việc áp dụng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều./.