TCCSĐT - Đó là mục tiêu được đề ra tại Hội thảo “Phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vùng đồng bằng sông Cửu Long và những bài học kinh nghiệm trong quản lý và cải cách”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án năng lực cạnh tranh PCI và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 04-5-2018 tại thành phố Cần Thơ.



Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo VCCI, Ban Chỉ đạo PCI thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, Chi nhánh VCCI Cần Thơ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm xúc tiến thương mại - đầu tư các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, một trong những yêu cầu hàng đầu được đề ra là các cấp chính quyền phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, phát triển. PCI được xác định là một động lực quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế, năng cao năng lực điều hành quản lý của chính quyền các địa phương. Điều quan trọng nhất của các địa phương khi xem xét PCI không phải là thứ hạng từng năm mà chính là điểm số về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự điều hành, quản lý chính quyền và sự điều hành, quản lý đó phải tiệm cận với các chuẩn mực của khu vực và quốc tế. Hội thảo này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến hay từ thực tiễn về cải thiện môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương dẫn đầu về cải cách hành chính là Đà Nẵng, Quảng Ninh. Qua đó, VCCI góp phần tạo dựng thương hiệu của vùng đồng bằng sông Cửu Long như một điểm sáng về PCI, có môi trường kinh doanh thân thiện, năng động nhằm gia tăng sức hút đầu tư cho toàn vùng.

Tại Hội thảo, sau khi giới thiệu khái quát kết quả điều tra PCI năm 2017 trên cả nước vừa được công bố vào tháng 3-2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, đã tập trung phân tích môi trường kinh doanh vùng đồng bằng sông Cửu Long thông qua kết quả điều tra PCI năm 2017. Theo đó, liên tục từ năm 2014 - 2017, vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn là nơi có điểm số trung bình PCI cao nhất trong 6 vùng trên cả nước, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Riêng năm 2017, trong nhóm 10 tỉnh, phố trong nước có chất lượng điều hành tốt nhất thì vùng đồng bằng sông Cử Long đã chiếm đến 5 tỉnh, thành (gồm: Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ). Kết quả điều tra PCI năm 2017 cũng cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm “nhất” trong các điểm số thành phần của PCI nếu so với các vùng khác trong nước. Cụ thể, đây là vùng thành lập doanh nghiệp dễ dàng nhất (điểm số gia nhập thị trường đứng đầu các vùng; thời gian làm thủ tục đăng ký, thay đổi đăng ký doanh nghiệp ngắn nhất; chất lượng giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp tốt nhất); nơi cải cách hành chính có chất lượng tốt nhất (có chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cao nhất; ít nhũng nhiễu nhất trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp); nơi doanh nghiệp chịu gánh nặng “chung chi” ít nhất liên tục nhiều năm; nơi có nhiều thuận lợi nhất trong tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định liên tục nhiều năm; nơi có môi trường hoạt động an toàn về pháp lý cao nhất liên tục nhiều năm; nơi các doanh nghiệp được hoạt động trong một môi trường kinh doanh bình đẳng nhất; nơi có chính quyền năng động nhất; nơi cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe nhất.

Tuy nhiên, xét về chỉ số PCI, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là: chất lượng nguồn lao động đang ở mức thấp nhất dù đã có bước cải thiện; dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh còn hạn chế (sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân ở mức rất thấp, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế); công tác hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều địa phương chưa sát với thực tiễn; thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như: thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai, quản lý thị trường, môi trường, giao thông, xây dựng còn nhiều phiền hà; nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khó tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng;…

Hội thảo đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh trong thay đổi tư duy và cách làm phục vụ doanh nghiệp; chia sẻ những sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh vùng và chỉ số PCI để thu hút đầu tư và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Hội thảo đã thống nhất đề xuất một số giải pháp để tiếp tục giữ vững “điểm sáng” về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới:

- Đề nghị Đảng bộ các địa phương trong vùng ban hành nghị quyết về cải thiện PCI với những mục tiêu, định hướng, giải pháp cụ thể, rõ ràng.

- Những tỉnh chưa thành lập Hiệp hội doanh nghiệp cần khẩn trương thành lập Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh và nên xem đây là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền; là nơi thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

- Các tỉnh, thành phố nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của các quận, huyện, sở, ban, ngành để tạo áp lực cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, đưa áp lực cải cách hành chính và sự đo lường về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đến từng cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở.

- Cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư cấp tỉnh cần được xây dựng và tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, thậm chí do một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố kiêm nhiệm Trưởng Ban, để tăng cường năng lực, hiệu quả và tính thực chất trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại - đầu tư.

- Nên nhân rộng các mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, “Ngày đầu tuần đối thoại với doanh nghiệp”, “Nụ cười công chức”,… ở một số địa phương, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm hành chính công, thành lập các tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để thường xuyên đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp. Cách làm này không chỉ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh mà còn học hỏi, tiếp thu những sáng kiến hay, ý kiến tốt từ doanh nghiệp để chính quyền nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý.

- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục, đào tạo nghề, giảm chi phí tuyển dụng, tăng cường các hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển nhanh các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh, nhất là dịch vụ do các nhà cung cấp tư nhân đảm nhận, nhằm sớm tạo ra một thị trường dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh lớn mạnh trong toàn vùng./.