TCCSĐT - Ngày 04-5-2018, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động của Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018.



Tham dự buổi họp báo có đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Giang cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 được tổ chức tại Hà Giang là hoạt động văn hóa với quy mô toàn quốc với mục đích tôn vinh, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian hát then, đàn tính - một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày - Nùng - Thái. Đây cũng là hoạt động đề cao vai trò chủ thể văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại, gắn hoạt động văn hóa với quảng bá tiềm năng thu hút phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Hà Giang giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh con người và mảnh đất Hà Giang với nhiều tiềm năng văn hóa, du lịch như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn…, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản và loại hình nghệ thuật hát then, đàn tính nói riêng của các địa phương; để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của các dân tộc Tày - Nùng - Thái gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, giới thiệu, phát huy những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc mình; tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày - Nùng - Thái; góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018 được tổ chức tại Hà Giang sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14-5. Lễ khai mạc vào 20 giờ ngày 13-5-2018, tại Quảng trường 26-3 thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Liên hoan có sự tham gia của 14 tỉnh (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk).

Ngoài phần lễ, phần hội của Liên hoan có nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm và Triển lãm ảnh về chủ đề “Di sản văn hóa then các dân tộc Tày - Nùng - Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang” và giới thiệu nghề dệt vải truyền thống các dân tộc Tày - Nùng - Thái; biểu diễn, giới thiệu di sản hát then, đàn tính; các hoạt động du lịch trải nghiệm…

Đại diện tỉnh Hà Giang khẳng định Ban tổ chức đã phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng bộ nhận diện liên hoan gồm sân khấu, ma két, logo, giấy mời, sơ đồ vị trí, kịch bản tổng thể chương trình nghệ thuật, lên lịch hoạt động chi tiết cho các nội dung, xây dựng kịch bản chi tiết phần lễ khai mạc… Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam khảo sát địa điểm tổ chức trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm và triển lãm ảnh chủ đề “Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày - Nùng - Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang” và giới thiệu nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái của tỉnh… Tỉnh Hà Giang cho biết sân khấu của liên hoan đang được hoàn thiện, kịch bản của liên hoan được trình cho Ban Tổ chức phê duyệt trên cơ sở tiếp thu những ý kiến góp ý xây dựng. Ban Tổ chức cũng ban hành các quy chế hoạt động, kế hoạch tổ chức các hoạt động dành cho khách tham quan trải nghiệm, các cuộc thi mâm cỗ dâng hương, thi làm bánh dày và giao lưu ẩm thực các dân tọc, hội thi chim họa mi, lễ hội chợ Khau Vai; tổ chức các tuyến du lịch thăm Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, thăm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Xín Mần, thăm làng văn hóa du lịch cộng đồng.../.