TCCSĐT - Ngày 5-8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng với sự hỗ trợ của một số cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế, tổ chức Hội thảo guốc gia: “Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: tác động và cơ hội đối với phụ nữ”.

Đây là hội thảo tập trung vào đối tượng nữ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, nhằm tìm ra những bài học kinh nghiệm tốt nhất từ các nước cho Việt Nam. Không chỉ đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong bối cảnh khủng hoảng, Hội thảo còn đề cập đến những thách thức và việc chuẩn bị cơ hội cho phụ nữ trong giai đoạn phát triển sau khủng hoảng, đặc biệt là khi Việt Nam đang tiếng tới đạt vào nhóm nước có mức thu nhập bình quân trung bình.

Với quy mô và tính chất phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua, cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu đã gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế và kéo theo những tác động xã hội nghiêm trọng đối với hầu hết các nước, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Theo báo cáo “Khuynh hướng thuê lao động nữ năm 2009” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tại châu Á, cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng đến lao động nữ nghiêm trọng hơn lao động nam, làm tăng số lao động nữ mất việc lên con số 22 triệu người, trong đó, riêng ở Đông Nam Á, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ có thể lên đến 6.8%, tức là khoảng 8 triệu người. Đây là một thực tế mà nguyên nhân có thể là do phụ nữ chủ yếu làm việc trong những ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, hay những ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng.

Ngoài tỷ lệ mất việc gia tăng, theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội Liên hiệp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phần đông lao động nữ tại khu vực Đông Nam Á làm việc một cách tạm thời, không theo hợp đồng chính thức, không được hưởng đầy đủ các quyền lợi và thu nhập thấp, do đó, cuộc sống của bản thân và những người phụ thuộc rất dễ bị tổn thương khi mất việc làm hoặc tiền lương bị cắt giảm. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng tới những nỗ lực và tiến bộ đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Tổ chức Dân số thế giới dự báo, cuộc khủng hoảng có nguy cơ làm cho khoảng 200 triệu người trên thế giới bị nghèo đói trở lại, trong đó phụ nữ và trẻ em gái chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Việt Nam, theo báo cáo sáu tháng đầu năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có 107.276 người bị mất việc làm, trong đó tỷ lệ nữ mất việc làm chiếm 31%. Con số đó có lẽ chưa phản ánh hết những khó khăn đối với khu vực lao động nữ vì trên thực tế, cũng giống như nhiều nước trong khu vực, một bộ phận lớn lao động nữ ở Việt Nam làm việc không theo hợp đồng chính thức, do vậy, việc thống kê, đánh giá và hỗ trợ lao động nữ còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục giải quyết.

Phần lớn phụ nữ Việt Nam đang làm việc tại các khu công nghiệp xuất khẩu dễ bị tổn thương, như dệt may, là ngành đang bị suy giảm, và các công nhân nữ nhập cư hiện đang phải chịu cảnh mất việc làm rõ nhất. Do vậy, thu nhập hộ gia đình cũng bị ảnh hưởng do việc giảm thu nhập của những phụ nữ này.

Lượng thời gian làm việc của phụ nữ thường nhiều hơn nam giới, và càng tăng lên trong những lúc khó khăn, khi họ phải làm ngoài giờ để có thêm thu nhập đáp ứng những nhu cầu tối thiểu, hoặc tiêu tốn nhiều thời gian hơn vào việc tính toán để chuẩn bị bữa ăn gia đình có chất lượng với giá rẻ. Một trong những hệ quả của tình trạng này là số lượng tai nạn gia tăng do trẻ em thiếu sự quan tâm đầy đủ. Nhiều trẻ em gái đã phải bỏ học để chăm sóc gia đình khi mẹ chúng đi làm thêm.

Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ tích cực, các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích đầu tư…, đồng thời dành ưu tiên cho vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và xoá đói, giảm nghèo. Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 3,9% trong 6 tháng đầu năm 2009, và được Liên hợp quốc đánh giá là nước đạt nhiều thành công trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên nhiên kỷ. Việt Nam cũng là một trong những nước có chính sách tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới. Nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình..., và các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này cũng tiếp tục được hoàn thiện.

Tại Hội thảo, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục các bước đi ấn tượng hướng tới Mục tiêu Thiên niên kỷ, đồng thời nhấn mạnh: “Phụ nữ đang phải chịu những tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng; điều này làm tăng vấn đề bất bình đẳng giới hiện đang tồn tại do khả năng tiếp cận không cân bằng của phụ nữ tới các nguồn, các cơ hội”. Theo UNDP, việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa phụ nữ và nam giới không chỉ là vấn đề nhân quyền cơ bản, mà còn rất có lợi đối với phát triển kinh tế và xã hội. 

 Tác động của khủng hoảng đối với phụ nữ:
- Mất cơ hội việc làm;
- Giảm sút thu nhập;
- Nguy cơ tái nghèo cao;
- Giảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng.
 

Hội thảo này được tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án UNDP về nâng cao năng lực cho phụ nữ. Khai trương đầu năm nay, Dự án đang nghiên cứu những ảnh hưởng đối với sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong việc ra quyết định, chính sách, cũng như vai trò lãnh đạo của họ trong khu vực hành chính công. Đồng thời, Dự án cũng cung cấp học bổng cho các cán bộ nữ công tác trong khu vực nhà nước để được học tập tại Trường Đại học Cambridge (Anh) với sự hỗ trợ của Quỹ Tín thác Cambridge./.