TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, ngày 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

Cần có cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập

Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, theo hai phương án. Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Chính phủ lựa chọn phương án 1. Giải trình về lý do, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật đồng thời, dự thảo Luật tại Điều 123 bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm xác định thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1 Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng là thu nhập chịu thuế với mức thuế suất 45% trong biểu thuế toàn phần.

Bên cạnh đó, phương án trên thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai; phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Đặc biệt, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác đã coi việc đánh thuế đối với tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng là một phương thức thu hồi tài sản thay thế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”. Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, vừa khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện.

"Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nên cần tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp," Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh và đề nghị cần có cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập, có tiêu chí làm căn cứ xác định thu nhập hợp pháp, từ đó loại trừ tài sản có thể có từ tham nhũng mà ra.

Làm rõ tính khả thi khi đánh thuế tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật và cho rằng, đối với các khoản thu nhập, tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp, trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế, từ đó buộc họ phải nộp thuế.

Phương án này không mâu thuẫn với các quy định hiện hành của pháp luật hình sự, dân sự và hạn chế ít nhất việc phải sửa đổi các luật có liên quan. Về mức thuế, đa số ý kiến tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ thế nào là “không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc” vì nếu quy định chung chung sẽ không đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, khi cán bộ, công chức, viên chức không giải trình hợp lý tài sản nhưng cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản đó là bất hợp pháp thì “suy đoán vô tội”, coi như tài sản hợp pháp tăng thêm và phải nộp thuế.

Trong trường hợp cơ quan Nhà nước chứng minh được tài sản là bất minh sẽ xử lý hình sự, dân sự hoặc kỷ luật chứ không thể đánh thuế để hợp pháp hóa tài sản này. Tán thành với phương án 1 mà dự thảo Luật đưa ra nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định không nhất trí với mức thuế 45% mà cho rằng cần tuân thủ theo quy định pháp luật.

Ở góc nhìn khác, một số đại biểu đồng tình với phương án 2 của dự thảo Luật vì cho rằng, mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy, đối với tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Nhà nước sẽ xử phạt hành chính. Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ minh bạch tài sản, thu nhập; khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua.

Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; chưa quy định về thẩm quyền xử phạt và mức phạt. Do đó, nếu áp dụng theo phương án này cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, cùng với đó là sửa đổi về thẩm quyền, mức phạt. Mức phạt được tính trên giá trị tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Tại phiên họp, các nội dung về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 của dự thảo luật); việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước; trường hợp phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác (khoản 1 Điều 44 của dự thảo Luật)… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.

** Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá

Theo Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn trình bày, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; qua đó, đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân, 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện, Luật Đặc xá đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, với quy định của các đạo luật liên quan đến tư pháp hình sự mới được Quốc hội thông qua; giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 là cần thiết.

Dự thảo Luật tập trung sửa đổi vào 3 nội dung Quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; bổ sung Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá và bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ, Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ nội dung và lý do sửa đổi, bổ sung trong từng chính sách cụ thể của Luật Đặc xá.

Mặc dù Chính phủ đánh giá hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá là “diện người được đặc xá tha tù trước hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của Nhà nước ta đối với người phạm tội”, nhưng cả Tờ trình, Báo cáo tổng kết chưa đánh giá cụ thể, rõ ràng hạn chế này xuất phát từ những quy định nào của Luật hiện hành để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Báo cáo đánh giá tác động cũng chưa phân tích rõ tác động của việc thay đổi lớn về chính sách, chủ trương đặc xá, nhất là việc thay đổi thời điểm, điều kiện và đối tượng đặc xá…

Tổng kết thực tiễn và đánh giá chính sách đối với những điểm sửa đổi, bổ sung

Điều kiện được đề nghị đặc xá (Điều 10 dự thảo Luật) là nội dung được nhiều đại biểu, quan tâm cho ý kiến tại phiên họp. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 đợt.

Khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật đang quy định các điều kiện đặc xá cơ bản giống như điều kiện tha tù trước hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự.

Nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa. Ngược lại, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không bảo đảm đúng tính chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước; không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn, đối tượng rộng như thời gian qua.

Vì vậy, trong khi Nhà nước đã có nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án phạt tù như miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, đặc biệt là tha tù trước thời hạn có điều kiện thì dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng chỉ quy định đặc xá đối với các trường hợp tại khoản 2 Điều 10 của dự thảo Luật.

Theo đó, chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là nữ đang có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…

Ngoài ra, đặc xá phải đáp ứng các điều kiện: Phạm tội lần đầu, có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện của tha tù trước thời hạn.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, để bảo đảm minh bạch, chặt chẽ và tạo điều kiện cho các cơ quan trong quá trình tham mưu, trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá thì nên bỏ quy định “trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định” tại điểm k khoản 2 Điều 10.

Đồng thời, nếu thuộc “trường hợp đặc biệt, cụ thể, để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước” thì Điều 21 của dự thảo Luật đã quy định Chủ tịch nước quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đặc xá là cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần tổng kết thực tiễn và đánh giá chính sách đối với những điểm sửa đổi, bổ sung; giải trình, thuyết minh rõ nhất là những vấn đề liên quan đến điều kiện để xét đặc xá, không được hưởng đặc xá…

Sau phiên họp này, Ban Soạn thảo và các cơ quan liên quan cần phối hợp để hoàn chỉnh dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình 2 kỳ họp./.