TCCSĐT - Những năm qua, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá nổi bật, khẳng định vai trò đầu tàu của ngành du lịch trong nước. Song để phát triển ngành công nghiệp không khói một cách bền vững, tương xứng với tiềm năng, vị thế, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự bứt phá mới.

Đón gần 6,4 triệu lượt du khách quốc tế

Theo báo cáo của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ngành du lịch Thành phố kết thúc năm 2017 với nhiều thành tựu, trong đó ấn tượng nhất là đón hơn 6,38 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 22,8% so với năm 2016. Tổng số du khách nội địa đạt 24,9 triệu lượt, tăng gần 15% so với năm 2016. Doanh thu năm 2017 của ngành tăng 12,6%, đạt hơn 115,97 nghìn tỷ đồng. Theo đó, lượng khách quốc tế đến thành phố bình quân tăng 8,2%/năm, doanh thu bình quân tăng 16,4%, đóng góp tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.

Đồng thời, năm 2017 cũng đánh dấu nỗ lực của ngành du lịch thành phố khi cùng ngành công an đã đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách khi đến Thành phố, bằng việc kéo giảm số vụ cướp giật tài sản của du khách; thường xuyên tăng cường lực lượng thanh niên xung phong trong việc giúp du khách giải quyết các tình huống chèo kéo, cướp giật tài sản tại các điểm đến tham quan.

Bên cạnh đó, năm 2017, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi dấu ấn khi vừa duy trì nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có, vừa phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới tạo ấn tượng với du khách. Điển hình như Chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố (Ho Chi Minh City Street Show) diễn ra vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Tại đây, qua các chương trình nghệ thuật với nhiều thể loại từ âm nhạc dân tộc, truyền thống đến hiện đại và quốc tế, hình ảnh của Thành phố trở nên chân thực, sống động hơn trong mắt du khách trong nước và quốc tế.

Cùng với việc tập trung đầu tư cho các sản phẩm mới, ngành du lịch Thành phố vẫn duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện du lịch thường niên, mở rộng quy mô, nâng tầm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

Có thể thấy, những hoạt động nâng cấp sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá đã góp phần giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn khi đến thăm, lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, các sự kiện được tổ chức đã dần tăng tính chuyên nghiệp, thu hút du khách hơn, góp phần giảm chi ngân sách của Nhà nước… Từ đó du lịch đã có những bước phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Kết quả đó không chỉ phản ánh nỗ lực của ngành du lịch Thành phố mà còn thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, chính quyền địa phương trong việc phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tương xứng với tiềm năng và vị thế.

Phấn đấu ngành du lịch chiếm tỷ trọng 11% GRDP

Dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2017, Sở Du lịch Thành phố tiếp tục nâng cao hình ảnh điểm đến TP Hồ Chí Minh “hấp dẫn - thân thiện - an toàn”. Năm 2018, ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, cải thiện cơ sở hạ tầng, tiếp tục duy trì tổ chức các sự kiện thường niên, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và nhà hàng có thể liên kết cùng nhau phát triển. Cùng đó, ngành tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu năm 2020 phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong năm 2018 đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 25% so với năm 2017; thu hút khoảng 29 triệu lượt khách nội địa, tăng 15,2% so với năm 2017; tổng thu từ du lịch đạt 138 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2017. Trong năm 2018, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành thành phố du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý du lịch và xây dựng các phần mềm thông minh dành cho du khách.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018, ngành du lịch Thành phố tiếp tục tập trung tăng trưởng 3 chỉ số là: lượng khách đến, thời gian khách lưu trú và số tiền khách chi tiêu. Trong đó, ngành xác định giải pháp cơ bản là mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, phong phú, có chất lượng tốt, ổn định, như: du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch y tế, du lịch đường thủy... Đây sẽ là tiền đề, hướng đi đúng để Thành phố gia tăng chất lượng, thu hút thêm du khách. Và một trong hoạt động kích cầu sẽ là Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 15-4. Sự kiện định kỳ hằng năm này của ngành du lịch Thành phố sẽ tạo điều kiện để các địa phương và doanh nghiệp tiếp cận, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đến du khách trong nước và nước ngoài.

Về dài hạn, Thành phố phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch chiếm tỷ trọng từ 11% trở lên trong cơ cấu GRDP (tổng sản phẩm nội địa) của Thành phố với chất lượng dịch vụ ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Theo đó, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt bình quân 8% đến 9%/năm, khách nội địa đạt bình quân 6% đến 7%/năm; thu nhập du lịch bình quân tăng 15% đến 16%/năm; doanh thu du lịch đạt 170 nghìn tỷ đồng…

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Viettravel, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh muốn phát triển hơn nữa, cần chọn được sản phẩm du lịch chủ lực để đầu tư, trong đó chú trọng gắn du lịch với phát triển văn hóa cộng đồng để có đầu tư đúng mức. Còn theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh cho du khách, ngành du lịch cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mỗi người dân là một đại sứ du lịch của Thành phố để duy trì điểm đến thân thiện trong lòng du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó có thể mời các chuyên gia, giảng viên nước ngoài về giảng dạy; quy hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch phát triển các sản phẩm mới như đầu tư về cầu tàu, bến bãi cho du lịch đường thủy, phát triển giao thông công cộng, kết nối giao thông với các tỉnh để phát triển du lịch liên kết vùng.

Các doanh nghiệp du lịch cũng hiến kế, để giữ chân du khách lâu hơn, Thành phố cần phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế như du lịch đường sông, du lịch sự kiện kết hợp vui chơi giải trí, hay du lịch kết hợp nông nghiệp. Hoặc phải dần tạo ra các sản phẩm du lịch về đêm đa dạng, biến thành phố trở thành “một thành phố không ngủ”, qua đó sẽ thu hút lượng du khách ngày càng nhiều hơn.

Đối với việc xúc tiến các thị trường quốc tế, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, ngành du lịch Thành phố tiếp tục thúc đẩy các thị trường Bắc Á, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thị thực, hướng đến việc đề xuất miễn visa cho các thị trường này. Với thị trường ASEAN có lợi thế vị trí địa lý, được hưởng chung về việc miễn visa, để tiếp tục thu hút du khách, Sở Du lịch Thành phố sẽ tập trung triển khai công tác xúc tiến tại thị trường này thông qua các hội chợ quốc tế lớn tại các nước.../.