Thủ tướng dự Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và tiếp Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt
TCCSĐT - Ngày 22-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; tiếp ông Tsutomu Takebe, Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông đã cao nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe
Chiều 22-7, tại Trụ sở Chính phủ, Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng năm 2019 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều năm. Toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông (giảm hơn 7%), làm chết 3.810 người (giảm hơn 7,5%), bị thương 6.358 người (giảm hơn 9,6%) so với cùng kỳ năm 2018. 47 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ và 11 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng.
Sáu tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý gần 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 163.990 trường hợp, tạm giữ hơn 292.000 phương tiện. Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện xử lý 78.117 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Cùng thời gian này, toàn quốc đăng ký mới hơn 207.000 ô tô, hơn 1,63 triệu xe mô tô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký là hơn 4,17 triệu ô tô, khoảng 61,3 triệu mô tô.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mặc dù đạt được những kết quả nổi bật, nhưng tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên. Tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến vận tải ven biển diễn biến phức tạp. Tình trạng “xe dù, bến cóc” gia tăng, gây mất trật tự, an toàn giao thông, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến những nỗi đau từ tai nạn giao thông; nhấn mạnh “tính mạng con người là trên hết” và yêu cầu phải lưu tâm đến nhiệm vụ quan trọng này. Nêu ra một số vấn đề lớn trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thời gian qua, Thủ tướng đánh giá, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các bộ, cơ quan, địa phương đã có ý thực trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện; trong đó có vai trò lớn của các cơ quan truyền thông cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều hình thức và cách làm tốt, qua đó, góp phần cải thiện tình hình an toàn giao thông.
Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của ngành giao thông vận tải với việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với nhiều điểm sáng trong hạn chế tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, chỉ rõ vấn đề còn tồn tại là số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn rất lớn, Thủ tướng cũng nhắc đến vấn nạn ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: “Ùn tắc cả giờ bình thường chứ không chỉ giờ cao điểm. Sân bay quốc tế càng nghiêm trọng”.
Cùng với đó, một số thành phố khác xuất hiện ùn tắc cục bộ. Nhiều vụ xe khách, xe tải gây tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng người nghiện hút, người uống rượu, say xỉn lái xe. Xuất hiện những “điểm đen” từ chính những cơ quan có chức năng trong các khâu đào tạo, kiểm tra. Thủ tướng nhắc đến những thông tin báo chí đăng tải về những trung tâm đào tạo lái xe “dễ tính” đến mức “thi là đỗ” và yêu cầu cần xử lý nghiêm. Về quy định sau 10h lái xe phải nghỉ nhưng nhiều chủ xe vẫn vi phạm, Thủ tướng đề nghị xử lý cả người điều khiển lẫn chủ xe.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân tích những điểm chưa phù hợp về thể chế trong công tác bảo đảm an toàn giao thông không chỉ đường bộ mà còn đường sắt, đường thuỷ, hàng không, nhất là vấn đề an toàn bay.
Chỉ đạo một số nội dung lớn về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương đề xuất để tiến tới sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2018 bởi đây là khung pháp luật quan trọng nhất để xử lý các hoạt động liên quan. Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính trong tham gia giao thông theo hướng tăng mạnh khung xử phạt. Hiện nay, quy định xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông thì mức phạt đã cao nhưng chưa đủ sức răn đe. Đi liền với đó là hoàn thiện văn bản thay thế Nghị định 46/CP. Các bộ, ngành liên quan cần báo cáo lại Thủ tướng về việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu lấy ý kiến thành viên Chính phủ; loại bỏ ngay các điều kiện không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận tải thay cho phương thức quản lý truyền thống.
“Tôi thấy có nhiều đồng chí bộ trưởng góp ý là đề nghị hủy bỏ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe dưới 9 chỗ, thay vào đó dùng công nghệ để quản lý. Tôi yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu vấn đề này”, Thủ tướng nói và chỉ đạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia mà Quốc hội đã thông qua.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, trật tự đô thị theo hướng “đúng người, đúng thời điểm, đặc biệt là giới trẻ”; đưa vào sinh hoạt văn hoá địa phương lối sống, ý thức an toàn giao thông. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; tập trung nâng cao năng lực lực lượng tuần tra, kiểm soát trên tinh thần nghiêm minh, liêm chính, thân thiện. Đặc biệt đẩy mạnh công nghệ để giám sát xử phạt, nâng cao hiệu quả chống tiêu cực tham nhũng.
Đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng để đáp ứng sự phát triển của phương tiện giao thông, nhất là tập trung vào những công trình quy mô lớn như đường sắt trên cao, Metro. Lưu ý đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nhà nước về an toàn giao thông, Thủ tướng yêu cầu thành lập cơ sở dữ liệu người dân, tập trung hơn nữa vào hình thức phạt nguội, hạn chế “phình to” bộ máy, rải cán bộ trên đường để hạn chế tiêu cực. Thủ tướng hoan nghênh các thành phố xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh, có cơ chế chia sẻ liên thông cơ sở dữ liệu với các cơ quan có liên quan.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt triển khai mô hình thu phí không dừng trên tinh thần “anh nào không thực hiện thì nghỉ luôn không làm BOT nữa”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần khuyến khích giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân ở các khu vực trung tâm, đô thị để giảm ô nhiễm môi trường đi liền với quản lý chặt trật tự xây dựng.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Thủ tướng yêu cầu khi cấp lại giấy phép lái xe cần rà soát lại những hành vi trước đó một cách công khai; đóng cửa các cơ sở đăng kiểm sát hạch không đạt yêu cầu, nhất là các cơ sở có tiêu cực.
Nhấn mạnh đến mục tiêu chống tham nhũng trong công tác quản lý nhà nước và trật tự, an toàn giao thông, Thủ tướng đề cao tinh thần Cảnh sát giao thông không nhận hối lộ, bao che sai phạm, hay các lĩnh vực liên quan đến an toàn giao thông và nói không với tiêu cực lợi ích nhóm; chấn chỉnh những cá nhân có hành vi sai trái. Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan tố tụng xử lý nghiêm các vụ vi phạm trật tự, an toàn giao thông dưới sự giám sát của quần chúng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông các cấp nâng cao trách nhiệm, trình độ trong tình hình mới để tăng hiệu quả thực thi công vụ và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Thủ tướng tiếp Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt
Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Tsutomu Takebe, Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được gặp lại Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà Cố vấn cùng với ông Toshihiro Nikai, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP), Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt và các bạn bè Nhật Bản dành cho Thủ tướng và đoàn Việt Nam trong dịp Thủ tướng thăm tỉnh Wakayama dự Lễ hội Hoa sen Nhật Bản - Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam và Nhật Bản là Đối tác chiến lược sâu rộng, phát triển quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với sự tin cậy cao. Việt Nam rất quý trọng tình cảm này, đồng thời luôn nỗ lực hết sức mình phát triển mối quan hệ hết sức tốt đẹp đó. Nhân dịp này, Thủ tướng chúc mừng Đảng LDP vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản.
Ông Takebe Tsutomu chuyển lời thăm hỏi và cảm ơn của ông Toshihiro Nikai tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; khẳng định LDP cũng như Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt luôn mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Ông nêu rõ, Nhật Bản rất vinh dự đã được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm tỉnh Wakayama dự Lễ hội Hoa sen Nhật Bản - Việt Nam vừa qua; bày tỏ cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ, năng động của Việt Nam. Ông cũng vui mừng được biết Trường Đại học Việt - Nhật phát triển mạnh mẽ thời gian qua và luôn được lãnh đạo cấp cao hai nước hết sức ủng hộ. Phía Nhật Bản mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm phê duyệt cơ chế tài chính đặc thù cho Trường hoạt động hiệu quả. Ông cho biết, bản thân ông Toshihiro Nikai cũng hết sức quan tâm Dự án Trường Đại học Việt - Nhật. Ông tin rằng, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, là một trong những trung tâm của châu Á và Trường sẽ đóng góp tích cực vào quá trình này.
Đánh giá cao các ý kiến của Cố vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, trong đó Dự án Trường Đại học Việt - Nhật là “ngọn hải đăng” trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trường hoạt động hiệu quả. Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng Trường phát triển xứng tầm quan hệ hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda trong thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực, tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án, vấn đề chung của hai nước. Thủ tướng mong ông Takebe Tsutomu luôn nỗ lực, tích cực đóng góp nhiều hơn nữa vào thúc đẩy quan hệ hai nước. Qua Cố vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe tới Thủ tướng Abe Shinzo, ông Toshihiro Nikai./.
Vietcombank nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả khả quan  (22/07/2019)
Gặp mặt Đoàn đại biểu cán bộ công đoàn tiêu biểu, được nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất  (21/07/2019)
Hoàn thiện thể chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước  (19/07/2019)
Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em  (19/07/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển