Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sỹ và tiếp Đại sứ Malaysia chào từ biệt
TCCSĐT - Chiều 10-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Guy Parmelin, Ủy viên Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ và tiếp Đại sứ Malaysia M. Zamruni Khalid tới chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thụy Sĩ đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; đồng thời nêu rõ Việt Nam mong muốn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Thụy Sĩ về công việc tại Hội đồng Bảo an nhằm hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình. Thủ tướng cũng cảm ơn phía Thụy Sĩ đã dành cho Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sự đón tiếp trọng thị, chu đáo trong thời gian thăm Thụy Sĩ đầu tháng bảy vừa qua.
Bộ trưởng Guy Parmelin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; đánh giá cao kết quả tốt đẹp trong quan hệ hai nước thời gian qua; đồng thời cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng và cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực. Bộ trưởng Guy Parmelin cũng vui mừng cho biết đã có nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ đầu tư tại Việt Nam và tạo ra hơn 20.000 việc làm cho lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Guy Parmelin cho biết đã có cuộc làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam về lĩnh vực bảo hộ đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tin tưởng hai bên sẽ có những bước tiến mới trong lĩnh vực này. Đề cập đến tiến trình đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam với Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Bộ trưởng cho rằng hai bên đã có nhiều tiến triển tích cực trong đàm phán, đồng thời hy vọng, hai bên có thể sớm ký kết văn kiện này; khẳng định khi về nước, sẽ tích cực làm việc với những người đồng cấp ở các nước thuộc Khối EFTA để thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của cả hai bên nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách trong các vấn đề còn tồn tại quan điểm khác biệt trong đàm phán Hiệp định FTA với Khối EFTA; đề nghị Khối EFTA có cách tiếp cận thực tế hơn nữa, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ...
Thủ tướng đề nghị trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng, hai bên tích cực trao đổi, phấn đấu để Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA không bị tụt hậu so với Hiệp định EVFTA vừa được ký ngày 30-6 vừa qua tại Hà Nội. Mong muốn Bộ trưởng ủng hộ, thúc đẩy hơn nữa đầu tư từ Thụy Sĩ vào Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định EVFTA vừa được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Cho biết Việt Nam còn nhập siêu từ Thụy Sĩ, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiến tới cân bằng thương mại, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương cao hơn nữa. Nhắc đến những thế mạnh của Thụy Sĩ như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biên nông sản, du lịch..., Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng xúc tiến và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hợp tác trong các lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ hoạt động lâu dài tại Việt Nam, nhất là các biện pháp cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Tán thành với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Guy Parmelin cũng trân trọng chúc mừng Việt Nam vừa ký kết hai Hiệp định rất quan trọng là EVFTA và EVIPA với Liên minh châu Âu; cho rằng đây là dấu mốc lớn để thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia châu Âu, trong đó có Thụy Sĩ. Hai bên cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ. Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ để bảo hộ các nhà đầu tư, hoàn thiện môi trường kinh doanh minh bạch, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Thủ tướng cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực của Thụy Sĩ vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, nhất là tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
** Chiều cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Malaysia M. Zamruni Khalid tới chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Chúc mừng Đại sứ M. Zamruni Khalid hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác thứ 2 tại Việt Nam, Thủ tướng tin tưởng trên cương vị mới, Đại sứ sẽ tiếp tục quan tâm, ủng hộ và vun đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia, nhất là việc phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (30-3-1973 - 30-3-2018).
Đại sứ M. Zamruni Khalid trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tạo điều kiện để Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam; đặc biệt là việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Đánh giá về kết quả quan hệ song phương, Đại sứ M. Zamruni Khalid cho biết, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn cấp cao; tích cực hợp tác những lĩnh vực tiềm năng của mỗi bên, nhất là hợp tác du lịch trên cơ sở hạ tầng hàng không thuận lợi. Đại sứ cũng vui mừng nhận thấy lượng khách du lịch Malaysia đến Việt Nam và ngược lại ngày càng tăng cao thời gian qua.
Tán thành với nhận xét của Ngài Đại sứ về kết quả tốt đẹp trong hợp tác song phương hai nước, nhất là về thương mại, đầu tư, Thủ tướng cho biết, Malaysia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 11,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 15%/năm trong nhiệm kỳ của Ngài Đại sứ. Hai bên đang nỗ lực hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Malaysia ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ngoài ra, hai bên cũng cần tăng cường hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân, đặc biệt là thúc đẩy hơn nữa hợp tác về phát triển du lịch. Cùng với đó, hai bên cần rà soát, xem xét nghiêm túc việc rỡ bỏ các rào cản thương mại có thể ảnh hưởng tới các mặt hàng chủ chốt của nhau, trong đó có các măt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị, trên tinh thần quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, các cơ quan chức năng của Malaysia sẽ tiếp tục tạo điều kiện, giúp đỡ cho những trường hợp người Việt trong các hoạt động kinh doanh, cư trú tại Malaysia.
Cho biết đã ở Việt Nam gần bảy năm, Đại sứ M. Zamruni Khalid chia sẻ đất nước và con người Việt Nam luôn ở trong trái tim mình./.
Góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ đoàn kết anh em Việt Nam - Cuba  (11/07/2019)
Chủ tịch Quốc hội đến Bắc Kinh, tiếp tục chuyến thăm Trung Quốc  (11/07/2019)
Quan điểm của Đảng về văn hóa trong phát triển kinh tế từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đến nay  (10/07/2019)
Đưa “văn hóa chất lượng” vào từng bệnh viện  (09/07/2019)
Ngày hội hiến máu “Giọt hồng xứ Tuyên”  (09/07/2019)
Hà Nội: Kết nối liên thông trên 85% cơ sở cung ứng thuốc  (09/07/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên