Chủ tịch Quốc hội đến Bắc Kinh, tiếp tục chuyến thăm Trung Quốc
TCCSĐT - Trưa 10-7 (giờ địa phương), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến Thủ đô Bắc Kinh, tiếp tục chuyến thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch Nhân đại - Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư.
Đón đoàn tại sân bay có Phó Tổng Thư ký Nhân đại Trung Quốc Hồ Hiểu Lê; hàm Cục trưởng Cục Ngoại sự Văn phòng Nhân đại Trung Quốc Vương Văn. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Bắc Kinh.
* Chiều cùng ngày, tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc.
Chủ tịch Quốc hội đã tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc Uông Kiến Bình; Chủ tịch Tập đoàn Phát triển bất động sản Alpha King Vương Vĩ Hiền; Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm Bình An, Tống Thành Lập; Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hợp tác kinh tế kỹ thuật quốc tế Giang Tây, Từ Quốc Kiến và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Khoáng sản và xây dựng Giang Tây, Trương Minh Phong.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp đại diện một số doanh nghiệp tại Bắc Kinh, đồng thời cho biết mục đích chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam nhằm tiếp tục thực hiện thỏa thuận cấp cao hai nước đã đạt được trong các cuộc tiếp xúc thời gian qua, thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp.
Bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, lãnh đạo các doanh nghiệp đã thông báo với Chủ tịch Quốc hội về hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiềm lực trong các lĩnh vực như bảo hiểm, tài chính, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng… với việc áp dụng công nghệ hiện đại gắn với bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có thương mại và đầu tư.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Việt Nam hiện có môi trường chính trị, xã hội ổn định, hệ thống luật pháp đầy đủ về đầu tư nước ngoài; đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tiến trình hội nhập mà Việt Nam cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hoạt động tại Việt Nam.
Năm 2018, Việt Nam duy trì tăng trưởng cao, đạt 7,08% và trong 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Trong sự tăng trưởng đó, có sự đóng góp đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam cần thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng và điều quan trọng là phải bảo vệ môi trường, bởi đây là điều mà Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam còn nhiều tiềm năng và thế mạnh để tiếp tục phát triển hơn nữa, lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Hiện tại, một số tập đoàn kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đang tiến hành khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư và xúc tiến việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Cho rằng các doanh nghiệp tại cuộc tiếp đều là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực mạnh trong nhiều lĩnh vực, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ Việt Nam đang có chính sách thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm trên cơ sở có chọn lọc, các dự án hướng đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ hiện đại. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí này thì hoàn toàn có thể dự thầu và tham gia đầu tư tại Việt Nam.
** Trước đó, Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 9-7, tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Bí thư Thành ủy thành phố Tô Châu, Châu Nãi Tường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn về sự đón tiếp chu đáo, trọng thị của lãnh đạo thành phố Tô Châu, đồng thời chia sẻ cảm nhận tốt đẹp về Tô Châu - một trong 24 thành phố nổi tiếng về lịch sử và văn hóa của Trung Quốc với lịch sử gần 2.500 năm. Tô Châu là thành phố du lịch và là 1 trong 4 thành phố bảo vệ môi trường trọng điểm của Trung Quốc.
Bí thư Thành ủy Châu Nãi Tường nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm Tô Châu. Giới thiệu tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, Bí thư Thành ủy Châu Nãi Tường cho biết, Tô Châu nằm ở vị trí trung tâm lưu vực sông Trường Giang, có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, có 9 di sản được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tô Châu cũng là địa phương có truyền thống về giáo dục. Hiện nay, chất lượng đời sống nhân dân địa phương ngày càng được cải thiện, thu nhập ngày một nâng cao. Thành phố xây dựng văn minh sinh thái, quản lý xã hội hòa hợp, sáng tạo không ngừng phát triển.
Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và Tô Châu đạt 8,5 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,4 tỷ USD. Thành phố có 50 dự án đầu tư vào dệt may, sản phẩm nhựa với Việt Nam.
Đánh giá nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và cho biết các doanh nghiệp Tô Châu mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, Bí thư Thành ủy Tô Châu bày tỏ tin tưởng chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ấn tượng về Tô Châu nhiều năm liền là thành phố dẫn đầu về kinh tế của tỉnh Giang Tô và là đầu tàu kinh tế của tỉnh. GDP năm 2018 đứng thứ 7 trong các thành phố toàn Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực, lành mạnh, ổn định trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua. Các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên. Hợp tác thực chất trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có tiến triển mới. Giao lưu hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Giang Tô và thành phố Tô Châu được đẩy mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phát triển ổn định, bền vững, cũng như tăng cường giao lưu, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa các địa phương hai nước; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.../.
Quan điểm của Đảng về văn hóa trong phát triển kinh tế từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đến nay  (10/07/2019)
Đưa “văn hóa chất lượng” vào từng bệnh viện  (09/07/2019)
Ngày hội hiến máu “Giọt hồng xứ Tuyên”  (09/07/2019)
Hà Nội: Kết nối liên thông trên 85% cơ sở cung ứng thuốc  (09/07/2019)
Ý kiến của Hiệp hội các nhà đầu tư BOT về tạm dừng thu phí  (09/07/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam