TCCSĐT - Chiều 30-3-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha; tiếp Lãnh đạo 4 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam (Trung Quốc); tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 tại Hà Nội.
*** Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng trong bối cảnh sự phát triển tích cực trong quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Thái Lan sang Việt Nam tham dự Hội nghị GMS-6, thể hiện sự coi trọng và vai trò tích cực của Thái Lan trong hợp tác tiểu vùng sông Mekong, qua đó góp phần quan trọng vào thành công của hội nghị lần này.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư hai nước còn rất lớn, do vậy hai bên cần tìm giải pháp phấn đấu nâng kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD trước năm 2020. Thủ tướng nhất trí việc kết nối giao thông giữa ba nước gồm Thái Lan-Lào- Việt Nam và cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quá trình này diễn ra sớm và thuận lợi.

Nhấn mạnh, việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư của Thái Lan chính là tiền đề quan trọng để họ làm ăn ổn định và lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã giao bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan họp bàn tháo gỡ các khó khăn liên quan đến việc nhập khẩu ôtô từ Thái Lan trong quyền hạn và phạm vi cho phép.

Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết vấn đề đánh bắt cá trái phép, trong đó có thiết lập đường dây nóng giữa các lực lượng chấp pháp trên biển. Thủ tướng cũng đề nghị Thái Lan giải quyết những vướng mắc trong hợp tác lao động, đồng thời giao bộ ngoại giao hai nước thiết lập đường dây nóng giữa Thủ tướng chính phủ hai nước để xử lý những vấn đề nảy sinh.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp hai nước thời gian qua, đồng thời chúc Việt Nam tổ chức thành công hội nghị Hợp tác tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời chia sẻ, bản thân luôn nhắc nhở các doanh nghiệp Thái khi đầu tư vào Việt Nam phải luôn tôn trọng luật pháp, đời sống người lao động trong các doanh nghiệp người Thái làm chủ cũng như bảo vệ môi trường bởi đây là ba vấn đề Chính phủ Thái Lan rất coi trọng.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tháo gỡ các vướng mắc trong kết nối giao thông giữa Lào-Việt Nam-Thái Lan để hàng hóa được luân chuyển thuận lợi giữa 3 nước. Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh, Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt tới việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong vì thế tại cuộc họp Ủy ban sông Mekong tại Campuchia tới đây, Thái Lan, Việt Nam cùng các nước trong khu vực sẽ cùng bàn bạc, thống nhất sử dụng hiệu quả nhất nguồn nước sông Mekong.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc nhập khẩu ôtô từ Thái Lan, tạo điều kiện để doanh nghiệp nước này đầu tư hiệu quả trong dự án điện gió ở Bạc Liêu.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng đề nghị Việt Nam tạo điều kiện để một số ngân hàng của Thái Lan mở rộng đầu tư kinh doanh đồng thời hoan nghênh, nhất trí việc thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước trong năm 2018, trong đó có cuộc họp Nội các chung lần thứ 4, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương lần thứ 3 và Ủy ban hỗn hợp Thương mại lần thứ 3.

*** Tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngài Takehiko Nakao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Ngài Chủ tịch Takehiko Nakao trở lại thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10 tại Hà Nội. Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của ADB trong việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh GMS lần 6.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao. Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng hợp tác khu vực GMS, CLV và sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên cũng như ADB và các đối tác phát triển, Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn ADB sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác này.

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, ngài Takehiko Nakao cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, ADB đã mong muốn thúc đẩy hợp với các nước tiểu vùng Mê Công. Ngài Chủ tịch đánh giá cao vai trò nước chủ nhà của Việt Nam tại hai hội nghị lớn lần này và cho rằng, điều đó thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam đối với khu vực.

Chúc mừng những thành công của Việt Nam về kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, Ngài Chủ tịch đánh giá cao Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn. Việt Nam là đối tác quan trọng của ADB. ADB mong muốn tiếp tục cung cấp vốn cho Việt Nam, nhất là khi hiện nay, kinh tế Việt Nam phát triển tốt, Chính phủ tiết kiệm chi tiêu nên tỷ lệ nợ công/GDP chỉ còn khoảng 61%.

Cho biết trong năm nay ADB dành nguồn vốn vay ưu đãi ADF cho Việt Nam trị giá khoảng 613 triệu USD, Ngài Chủ tịch mong muốn Việt Nam sử dụng nguồn vốn này hiệu quả; đồng thời gợi ý một số lĩnh vực nên đầu tư, trong đó có lĩnh vực tài chính. ADB mong muốn giữa năm nay sẽ có danh sách các dự án sử dụng nguồn vốn này và đến quý 3 có thể thông qua.

Ngài Chủ tịch cho biết, với mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và ADB thời gian qua, ADB không mong muốn Việt Nam phải trả nợ nhanh các khoản vay. Sau khi Việt Nam tốt nghiệp ADF, ADB cùng một số đối tác dự kiến có thể tiếp tục dành khoản vay khoảng 1 tỉ USD cho Việt Nam với lãi suất thấp để hỗ trợ Việt Nam đầu tư phát triển, nhất là lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. ADB cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhiều lĩnh vực khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tán thành với các quan điểm và đánh giá của Ngài Chủ tịch ADB nêu ra, đồng thời cho biết, Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cá nhân Ngài Takehiko Nakao trong việc điều hành và xây dựng chiến lược phát triển tổng thể của ADB đến năm 2030. Chính phủ Việt Nam ủng hộ chiến lược 2030 của ADB nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên giải quyết các vấn đề như nghèo đói, phát triển không đồng đều, chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân.

Thủ tướng bày tỏ đánh giá cao chính sách sáp nhập nguồn vốn giá rẻ và nguồn vốn vay đặc biệt vào một bảng cân đối tài sản của ADB, qua đó, góp phần tăng nguồn lực cho vay cho các nước thành viên (tăng từ 14 tỷ USD năm 2014 lên dự kiến 20 tỷ USD năm 2020). Đây là nguồn lực rất quan trọng hỗ trợ các nước thành viên ADB, đặc biệt là với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả, thực chất trong quan hệ hợp tác Việt Nam và ADB, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với ADB và xem ADB là một trong những nhà tài trợ hàng đầu trong việc cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn. ADB đã tài trợ cho Việt Nam trên 165 chương trình/dự án với tổng trị giá hơn 16 tỷ USD. Nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả đối với kinh tế xã hội Việt Nam, nhất là phát triển các hạ tầng đường, hệ thống điện, thủy lợi, trường học, bệnh viện…

Tán thành với những đánh giá của Ngài Chủ tịch ADB về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đang nỗ lực cải cách mạnh mẽ các lĩnh vực nền kinh tế trong đó có tài chính ngân hàng và mong muốn nhận được sự hỗ trợ của ADB.

Cho biết Việt Nam vẫn đang tiếp tục gặp phải nhiều thách thức, khó khăn, Thủ tướng mong muốn ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, tiếp tục cho Việt Nam được nhận nguồn vốn ưu đãi ADF hoặc không phải trả nợ nhanh nguồn vốn này như chính sách của Ngân hàng Thế giới.

Thủ tướng cũng đề nghị ABD tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và tư vấn chính sách; cung cấp nguồn vốn viện trợ kết hợp với dự án vốn vay để giảm điều kiện vay nhằm hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục, y tế, giảm nghèo… Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ làm hết sức mình, phối hợp với ADB để tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng lần này.

*** Bên lề Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) tại buổi tiếp Lãnh đạo 4 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam (Trung Quốc) sang Việt Nam dự Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt hoan nghênh lãnh đạo các địa phương Trung Quốc sang Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh GMS.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với lãnh đạo 4 tỉnh của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc. Trong mối quan hệ đó, các địa phương hai nước là chủ thể quan trọng góp phần đưa những nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đi vào thực tế. Đánh giá cao kết quả hợp tác tích cực giữa các địa phương hai nước, Thủ tướng cho rằng, đây là điểm sáng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là phát triển hạ tầng để các địa phương hai nước tăng cường giao lưu, đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi.

Trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp, lãnh đạo các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam bày tỏ vinh dự được sang Việt Nam dự GMS 6 và vui mừng vì mỗi lần sang thăm đều được chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và toàn diện của Việt Nam. Lãnh đạo các tỉnh của Trung Quốc tin tưởng, từ thành công của GMS sẽ mở ra nhiều hơn cơ chế quan hệ hợp tác phong phú, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc và các địa phương hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân.

Ông Âu Dương Vệ Dân, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông đánh giá cao hiệu quả thiết thực trong mối quan hệ hữu nghị, gần gũi, thân tình giữa các địa phương của Trung Quốc với các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Ông Lý Tú Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước và cho biết trong chuyến thăm Việt Nam và dự GMS 6 lần này có đoàn doanh nghiệp đông đảo của tỉnh Vân Nam sang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Vân Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác qua biên giới với Việt Nam trên tuyến Lào Cai-Hà Khẩu; xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng; xây dựng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Hải Phòng-Lào Cai…

Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, ông Vương Lộ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam trân trọng gửi lời mời lãnh đạo Chính phủ và các địa phương của Việt Nam sang Hải Nam tham dự Diễn đàn kinh tế Bác Ngao năm 2018. Cho biết mối quan hệ kết nghĩa giữa Hải Nam với tỉnh Quảng Ninh đang phát triển tốt đẹp, ông Vương Lộ mong muốn có thêm nhiều hơn nữa các chương trình, dự án hợp tác với tỉnh Quảng Ninh trong các lĩnh vực: Du lịch; nông sản nhiệt đới; nghiên cứu khoa học công nghệ và giáo dục.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Tây Đinh Hướng Quan cho biết, Quảng Tây có giao lưu chặt chẽ với nhiều địa phương của Việt Nam nhất là về du lịch, giáo dục và đào tạo cán bộ. Quảng Tây sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác này trong thời gian tới.

Lãnh đạo các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu là các địa phương có nhiều hoạt động giao thương với các tỉnh của Trung Quốc đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của các tỉnh Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cùng các địa phương Trung Quốc thực hiện tốt hơn nữa nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Ghi nhận các ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương hai nước cần xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực không chỉ về kinh tế, thương mại mà còn cả trong xây dựng Đảng, chính quyền. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn phát sinh để cùng phát triển bền vững.

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc quan tâm nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải cả đường không, đường sắt, đường bộ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xúc tiến hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các địa phương của Trung Quốc và Việt Nam tích cực trao đổi, áp dụng các biện pháp hữu hiệu để triển khai toàn diện các nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp; phát huy hiệu quả vai trò các cơ chế, chương trình hợp tác hiện có; tích cực mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi với các địa phương Việt Nam khác ngoài các địa phương có quan hệ truyền thống để làm phong phú thêm quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Cho biết, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam và Hải Nam là các địa phương có quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả với các tỉnh, thành phố của Việt Nam trong nhiều năm nay với kim nghạch thương mại năm 2017 đạt khoảng 60 tỷ USD, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tích cực phát huy ưu thế và khai thác tiềm năng. Hai bên cần mở rộng các lĩnh vực hợp tác phù hợp với nhu cầu, thế mạnh của mỗi bên; tăng cường trao đổi, áp dụng các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại phát triển cân bằng, ổn định và bền vững; đơn giản hóa thủ tục thông quan cho người và hàng hóa, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp có thực lực của Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam đầu tư các dự án, công trình lớn tiêu biểu cho công nghệ hiện đại của Trung Quốc, nhất là các dự án trong khuôn khổ kết nối “Hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và con đường”. Thủ tướng đề nghị các địa phương Trung Quốc-Việt Nam tăng cường giao lưu nhân dân; không ngừng tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau; củng cố tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng tin tưởng, sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị; lãnh đạo các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam và Đoàn doanh nghiệp đông đảo của Trung Quốc sẽ góp phần quan trọng vào thành công của GMS 6 tại Việt Nam./.