Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản
TCCSĐT - Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và thăm Nhật Bản, ngày 1-7, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tọa đàm với lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nhân dân Nhật Bản nhân sự kiện trọng đại Nhà Vua Naruhito lên ngôi và việc Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị G20 lần này.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị G20.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng đánh giá cao cộng đồng hơn 330.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, coi đây là “tài sản chung quý giá” đối với quan hệ hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển thực chất của quan hệ giữa hai nước, thể hiện qua việc hai bên vừa ký kết một loạt các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tài chính ngay trước hội đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản.
Hai thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Shinzo Abe thăm lại Việt Nam, dự Hội nghị Cấp cao ASEAN trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020.
Thủ tướng Shinzo Abe cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, trong đó có hợp tác trong khuôn khổ ADMM+.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai thủ tướng hoan nghênh việc hai bên đã thống nhất về các thủ tục để cho phép nhập khẩu vải của Việt Nam và táo của Nhật Bản.
Phía Việt Nam đề nghị Nhật Bản xem xét sớm cho phép nhập khẩu đối với quả nhãn, vú sữa, chanh leo của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phía Nhật Bản đề nghị ta cho phép nhập khẩu cam của Nhật Bản.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn nữa.
Hai thủ tướng hoan nghênh việc hai nước đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”, nhất trí hợp tác để triển khai hiệu quả bản ghi nhớ.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh hai nước ký Hiệp định Chuyển giao người bị kết án tù, nhất trí thúc đẩy đàm phán Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, tăng cường hợp tác y tế thông qua Sáng kiến Sức khỏe châu Á.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đối phó với biến đổi khí hậu...
Thủ tướng Shinzo Abe chúc mừng Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu cao; hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN, khu vực sông Mekong với Nhật Bản trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Hai bên nhất trí phối hợp để thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trước hội đàm cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 6 văn kiện, bao gồm:
Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Công hàm trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản liên quan đến khoản viện trợ không hoàn lại cho Dự án Học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS).
Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Văn phòng Chính sách y tế thuộc Ban Thư ký nội các Chính phủ Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”.
Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Viện Công nghệ Quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng chứng kiến trao đổi Hợp đồng vay vốn tài trợ các dự án năng lượng tái tạo giữa Vietcombank và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
** Trong khuôn khổ chương trình thăm Nhật Bản, cũng trong sáng 01-7 (giờ địa phương), tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, tọa đàm với các nhà lãnh đạo của một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu Nhật Bản trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng, xây dựng, công nghiệp chế tạo máy, logistic, công nghệ cao…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh đến Hiệp định Thương mại đầu tư Việt Nam - EU vừa được ký kết ngày 30-6 và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều tham gia.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam sẽ nỗ lực thúc đẩy sớm ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2019. Đây chính là thời cơ của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam với thị trường rộng mở không chỉ ở khu vực ASEAN mà còn cả châu Âu.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam khuyến khích các dự án đầu tư chất lượng cao của các nhà đầu tư Nhật Bản và sẽ tổ chức các buổi đối thoại thường xuyên với nhà đầu tư Nhật Bản để tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có Toyota, Canon, TEPCON, Yusen Logistic, Sojitz, JXTG..., đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thường xuyên tổ chức và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư đã đề xuất một số vấn đề trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, phát triển năng lượng điện bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông kết nối, vấn đề thuế, hải quan, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, làm thêm giờ của người lao động.
Các nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ quan tâm đến các lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam trong ngành công nghiệp ôtô; mong muốn phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam chú trọng hơn nữa đến việc đào tạo kỹ sư thiết kế, bảo trì để cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Cùng với đó là cải thiện môi trường trong ngành sản xuất và chế tạo.
Giải đáp đề nghị này của các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh việc kết hợp giữa cơ quan quản lý, nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các doanh nghiệp FDI Nhật Bản có thể tham gia ngay từ đầu với các trường dạy nghề tại Việt Nam để cùng tham gia công tác đào tạo, qua đó, có thể tuyển dụng sau khi học viên ra trường theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề nghị Việt Nam phát triển mạnh mẽ hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế, nhất là các cảng trung chuyển và hệ thống đường bộ kết nối các cảng này với các thành phố lớn.
Khẳng định Việt Nam đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng, trong đó có cả hình thức đầu tư viện trợ phát triển chính thức (ODA), hợp tác công tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này. Đây là một mũi đột phá chiến lược trong kế hoạch xây dựng và phát triển đất nước tại Việt Nam. Tuy nhiên, do nguồn vốn từ ngân sách có hạn nên Việt Nam phải sử dụng cả ba nguồn là ngân sách, hợp tác công tư và ODA. Việt Nam mong muốn thường xuyên có các cuộc đối thoại về phát triển hạ tầng với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực này.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG, ông Kanetsugu Mike, một trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển ngành ngân hàng, nên đề nghị MUFG đóng góp vào quá trình này, nỗ lực đưa ngân hàng Vietinbank trở thành ngân hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế, phát triển vững mạnh.
Tổng Giám đốc Kanetsugu Mike trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và cho biết Việt Nam là nước mà các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhất hiện nay. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư lần trước tại Nhật Bản có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Ông mong muốn MUFG được làm cầu nối phối hợp với các cơ quan chức năng để chuyển các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp Nhật Bản lên Chính phủ Việt Nam./.
Việt Nam - EU sẽ hoàn thiện pháp luật để thực hiện EVFTA, EVIPA  (01/07/2019)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Tận dụng tối đa lợi ích  (01/07/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản  (30/06/2019)
G20: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới  (30/06/2019)
Chủ tịch Quốc hội dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên  (30/06/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên