TCCSĐT - Sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Nga được công bố vào đêm 18-3 (theo giờ Hà Nội), đương kim Tổng thống Nga V. Putin, tham gia tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập và đang dẫn đầu, đã bày tỏ sự cảm ơn đối với những người ủng hộ và đề cập tới những nhiệm vụ sắp tới.

Kỳ vọng khôi phục hình ảnh một nước Nga mạnh mẽ

 
 Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: sputniknew.com

Theo kết quả sơ bộ do Ủy ban bầu cử trung ương Nga công bố, sau khi hơn 90% số phiếu đã được kiểm, đương kim Tổng thống V. Putin tiếp tục dẫn đầu với 76,41% số phiếu ủng hộ. Đứng thứ hai là ứng cử viên P. Grudinin của đảng Cộng sản Liên bang Nga với 12,05% số phiếu ủng hộ. Ứng cử viên V. Zhirinovsky của đảng Dân chủ Tự do Nga đứng thứ ba với 5,85% số phiếu ủng hộ.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở vận động tranh cử ở Moscow, ông V. Putin bày tỏ: “Kết quả này cho tôi thấy một sự ghi nhận cho kết quả đã làm được những năm qua trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tôi cũng thấy được niềm tin và hy vọng, hy vọng vào người dân của chúng ta sẽ cùng nhau làm việc một cách tích cực, trách nhiệm và hiệu quả hơn. Cảm ơn vì chúng ta là một đội mạnh với hàng triệu con người. Thành công đang chờ đợi chúng ta”.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh còn rất nhiều nhiệm vụ phức tạp và khó khăn trước mắt nhưng cũng bày tỏ tin tưởng rằng, nước Nga có thể tạo ra bước đột phá trong tương lai. Ông V. Putin kêu gọi các lực lượng chính trị hành động dựa trên lợi ích của nước Nga. Ngoài ra, Tổng thống V. Putin cũng đề cập tới khả năng thay đổi các vị trí trong Chính phủ Nga sau khi ông chính thức nhậm chức. Ông V. Putin còn cho biết thêm có kế hoạch tổ chức một cuộc gặp với tất cả các ứng cử viên tham gia tranh cử lần này.

Trước đó, ngày 18-3, cử tri Nga đã tham gia cuộc bỏ phiếu quan trọng bầu Tổng thống nhiệm kỳ 2018 - 2024. Phương thức tổ chức bầu cử lần này được đổi mới nhằm bảo đảm tính công khai minh bạch. Lần đầu tiên trong lịch sử, 100% điểm bầu cử được trang bị các camera giám sát với kết nối đường dẫn internet. Số lượng máy móc thiết bị hiện đại giám sát bầu cử và kiểm phiếu tăng hơn gấp đôi, từ 5.572 kỳ bầu cử năm 2012 lên tới trên 12.800 hiện nay. Số lượng quan sát viên độc lập giám sát cuộc bầu cử là hơn 110.000 người, trong đó có trên 1.500 quan sát viên quốc tế, tăng đáng kể so với con số 685 cách đây 6 năm.

Bối cảnh cuộc bầu cử năm nay cũng là yếu tố tạo sức hấp dẫn. Kể từ kỳ bầu cử tổng thống năm 2012, nước Nga đã trải qua nhiều biến động, tưởng chừng có thể xóa sạch những thành quả ấn tượng của công cuộc chấn hưng đất nước mà người dân Nga đạt được trong giai đoạn 2000 - 2008, hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông V. Putin. Những năm 2014 - 2016 được nhắc tới như thời kỳ u ám và suy thoái trầm trọng bên cạnh những biện pháp trừng phạt dồn dập của phương Tây nhằm vào Moscow. Ước tính những “cú sốc” dồn dập này khiến kinh tế Nga thiệt hại khoảng 150 tỷ USD/năm. Tình hình chỉ được cải thiện trong hơn 1 năm trở lại đây nhờ những biện pháp kinh tế quyết liệt của chính quyền.

Đây cũng là giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây, được đánh giá là “đóng băng hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Quan hệ giữa Nga và Mỹ thậm chí trong tình trạng sa sút xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Cuộc bầu cử 2018 cũng thu hút sự chú ý khi Nga liên tiếp là “mục tiêu” của những cáo buộc khác nhau mà các nước phương Tây đưa ra, dù chưa có cáo buộc nào kèm theo bằng chứng xác thực. Giới phân tích cho rằng, dường như đang có một “chiến dịch chống Nga” và các nước phương Tây đang liên kết với nhau trên các phương diện chính trị, kinh tế, ngoại giao… để phá hoại tiến trình bầu cử Nga.

Tất cả những yếu tố này khiến cuộc bầu cử tổng thống năm nay có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt. Song, những khó khăn không nhỏ cả về kinh tế, xã hội lẫn đối ngoại trong thời gian tới khiến người dân Nga kỳ vọng vị tổng thống mới sẽ có đủ bản lĩnh và năng lực để đưa đất nước vượt qua chặng đường gập ghềnh phía trước, khôi phục hình ảnh một nước Nga mạnh mẽ.

Xung quanh vấn đề chính sách ngoại giao của Mỹ

 
 Tân Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ảnh: The New Yors Times

Ngày 13-3, Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định sa thải Ngoại trưởng R. Tillerson và Thứ trưởng Ngoại giao S. Goldstein. Quyết định của Tổng thống D. Trump được coi là một bước thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao nhằm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên, cũng như các cuộc đàm phán thương mại với nhiều đối tác.

Tổng thống D. Trump đã bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) M. Pompeo thay thế Ngoại trưởng R. Tillerson. Phát biểu với báo chí ngày 13-3, Tổng thống D. Trump cho biết, ông đã cân nhắc việc sa thải Ngoại trưởng R. Tillerson từ lâu do giữa hai bên có nhiều ý kiến khác biệt về chiến lược của Mỹ trong các lĩnh vực như chính sách đối ngoại cụ thể như: thỏa thuận hạt nhân Iran, cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay cuộc khủng hoảng Qatar. Quyết định của Tổng thống D. Trump đã gây bất ngờ đối với các quan chức ngoại giao và an ninh quốc gia Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế.

Chuyên gia của Câu lạc bộ chính trị Valdai M. Suchkov cho rằng, việc thay đổi nhân sự này đang đe dọa Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đánh mất quyền tự chủ trong việc đưa ra các quyết định và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách đối ngoại của Mỹ. Đối với các nước châu Âu, trước mắt họ đang lo lắng cho số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran từng được xem là thành công lịch sử. Một số quan chức châu Âu cho rằng, Washington sẽ có lập trường cứng rắn hơn khi ông M. Pompeo làm Ngoại trưởng, và châu Âu vì vậy sẽ chịu nhiều áp lực hơn kể cả khi nhượng bộ. Một số khác nói quan điểm của ông M. Pompeo về vấn đề hạt nhân Iran sẽ được áp vào chính sách sắp tới của Mỹ, và cựu lãnh đạo CIA có thể sẽ tạo ảnh hưởng tích cực để níu giữ thỏa thuận.

Tân Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo được đánh giá là có quan điểm gần gũi với Tổng thống D. Trump trong nhiều vấn đề, tiêu biểu là thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông là một trong những người chỉ trích gay gắt nhất thỏa thuận mà các cường quốc ký với Iran năm 2015, dỡ bỏ lệnh trừng phạt với nước này để đổi lại, Iran dừng chương trình vũ khí. Khi trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao, M. Pompeo sẽ cùng Tổng thống D. Trump cân nhắc liệu có nên rút khỏi thỏa thuận này không mặc dù điều đó sẽ làm phật lòng các đồng minh châu Âu. Theo Giám đốc Công ty phân tích chính trị Eurasia Group, I. Bremmer, “Ông M. Pompeo nhìn chung có quan điểm cứng rắn về các vấn đề an ninh quốc gia”. Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, ông M. Pompeo sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Hiện chưa rõ việc bổ nhiệm ông M. Pompeo sẽ có ảnh hưởng thế nào đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, dù đôi khi có những quan điểm mạnh mẽ, song ông M. Pompeo là một lựa chọn tốt cho Bộ Ngoại giao Mỹ tại thời điểm này.

Nỗ lực cải cách Eurozone còn nhiều chông gai

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Trước áp lực cần phải cải tổ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cuộc họp của nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ) đã cùng nhau thống nhất thời hạn chót để thông qua một gói các biện pháp cải tổ khu vực này vào tháng 6-2018. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nội bộ các nước Eurozone đến nay vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, kế hoạch cải cách khu vực này trở nên khó khăn hơn.

Hiện EU là một khối kinh tế - chính trị lớn nhất thế giới, đóng vai trò rất lớn trong thương mại quốc tế và các vấn đề kinh tế toàn cầu. Chiếm tới 25% GDP toàn thế giới với hơn 500 triệu dân, EU đã phát triển một thị trường chung thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các nước thành viên nhằm bảo đảm sự lưu thông tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn. Trong số 27 nước thành viên EU, đã có 19 nước chấp nhận sử dụng chung đồng tiền Euro, tạo nên Eurozone. EU đã phát triển một vai trò nhất định trong chính sách đối ngoại, có đại diện trong hầu hết các tổ chức thương mại cũng như chính trị trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi bước qua tuổi 60, EU hiện đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ, bắt nguồn từ các vấn đề xã hội, đe dọa kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng trước hết tới nền an ninh, cũng như các vấn đề kinh tế, chính trị. Không những vậy, cú sốc Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit), đã buộc các nhà lãnh đạo khối này đi đến thống nhất, EU cần một cuộc cải tổ rộng lớn. Trong đó, việc cải tổ Eurozone cũng là một vấn đề cấp bách. Ngày 06-12-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố tầm nhìn về cải tổ Eurozone, trong đó bao gồm việc thành lập một phiên bản Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) của châu Âu. Theo đó, EC đề xuất thành lập một Quỹ tiền tệ của riêng mình để có thể thay thế Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong mọi chương trình cứu trợ tài chính trong tương lai của Eurozone cũng như hỗ trợ đầu tư.

Gói đề xuất trên được EC soạn thảo nhằm mục đích thúc đẩy sự đoàn kết trong EU trong một thị trường đơn nhất với một đơn vị tiền tệ chung, nhất là trong bối cảnh tâm lý chống EU trên khắp châu Âu đang ngày càng gia tăng và việc Anh chính thức rời khỏi EU vào năm 2019. Tuy nhiên trong vòng 3 tháng qua, kế hoạch cải tổ Eurozone vẫn chưa thể được thúc đẩy do những bế tắc về thành lập chính phủ mới tại Đức chưa được giải quyết.

Trong cuộc họp nhóm các Bộ trưởng Eurozone (Eurogroup) ngày 12-3 bàn thảo về gói cải cách chủ yếu liên quan Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và hoàn thiện Liên minh Ngân hàng. Theo Tổng Giám đốc ESM K. Regling, về mặt kỹ thuật, cuộc họp trên đã đạt tiến triển tốt liên quan khía cạnh liên minh ngân hàng và tương lai phát triển của ESM. Tuy nhiên, trong việc cải cách liên minh ngân hàng, vì còn một vài ý kiến lo ngại về một số vấn đề liên quan Cơ chế Bảo hiểm tiền gửi, Tổng Giám đốc ESM đã kêu gọi các quốc gia thành viên Eurozone cần nhanh chóng “khai sinh” một hệ thống bảo hiểm tiền gửi chung châu Âu để có thể đơn giản hóa nhiều thủ tục triển khai các khai chương trình trong khuôn khổ ESM. Mặc dù thống nhất là vậy, song thực tế đến nay, kế hoạch cải cách Eurozone vẫn nhận khá nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây vào ngày 08-3, 8 nước gồm Hà Lan, Estonia, Litva, Latvia, Phần Lan, Ireland, Đan Mạch và Thụy Điển đã cùng ký kết vào một văn kiện ủng hộ các biện pháp cải cách để hoàn thiện liên minh ngân hàng, thiết lập một quỹ tiền tệ chung châu Âu và tuân thủ các quy định về ngân sách. Tuy nhiên văn kiện này lại phản đối đề xuất về thành lập một ngân sách chung và một vị trí Bộ trưởng Tài chính chung của Eurozone. Trong bối cảnh đó, ông B. Coeure - thành viên Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng trung ương châu Âu cảnh báo, Eurozone cần phải củng cố sức mạnh thông qua các hoạt động cải cách, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ tan vỡ khi xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

Bầu cử Quốc hội khóa VIII - dấu mốc quan trọng trong đời sống chính trị Cuba

 
 Bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Cuba khóa VIII. Ảnh: Santiagotimes.cl

Với sự tham gia của 82,9% của tổng số hơn 8,9 triệu cử tri, trong đó có tới 94,4% phiếu bầu hợp lệ, cuộc bầu cử Quốc hội Cuba khóa VIII nhiệm kỳ 5 năm đã kết thúc và đạt được thành công tốt đẹp. Với việc đông đảo cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này, nhân dân Cuba đã chứng minh mong muốn tiếp tục con đường cách mạng mà lãnh tụ Fidel Castro đã vạch ra, cũng như bảo vệ bằng mọi giá những thành quả mà cách mạng mang lại.

Cuộc tổng tuyển cử tại Cuba lần này diễn ra trong bối cảnh Cuba đang đẩy mạnh thực hiện tiến trình cập nhật mô hình kinh tế, được thông qua từ Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI (năm 2011). Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị quan trọng đối với người dân đảo quốc Caribe bởi yếu tố chính trị và tinh thần của nó. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra sau ngày mất của cố Lãnh đạo Cách mạng Fidel Castro, và người dân Cuba đã tham gia bỏ phiếu với tinh thần nghiêm túc, tích cực, thể hiện trách nhiệm công dân.

Có thể thấy, trong 6 thập niên qua kể từ ngày Cách mạng Cuba thành công (1959 - 2018), đến nay, Cuba đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao trong nỗ lực cải thiện chất lượng sống của người dân. Trên cơ sở đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa VIII của Cuba năm nay được coi là một dấu mốc quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Sự kiện chính trị này thể hiện sự nối tiếp, tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm bảo vệ Cách mạng Cuba trong bối cảnh đất nước đang thúc đẩy cập nhật mô hình kinh tế và quan hệ ngoại giao với Mỹ căng thẳng.

Dự kiến trong năm 2018, Quốc hội mới sẽ có nhiệm vụ bầu Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, lãnh trọng trách lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo lần đầu tiên kể từ năm 1976. Theo đó, thời hạn mãn nhiệm của ban lãnh đạo hiện nay là tháng 3-2018 và Quốc hội khóa VIII sẽ tiến hành bầu ban lãnh đạo mới dự kiến vào ngày 19-4-2018 tới. Quốc hội khóa VIII tới đây sẽ mang nhiều trọng trách. Trước mắt là các mục tiêu như tích cực thúc đẩy phục hồi sau thiên tai, đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng và đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2%. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho một số mũi nhọn kinh tế như du lịch, vận tải, Đặc khu phát triển cảng biển Mariel, đi đôi với các lĩnh vực cơ bản như phát triển y tế, giáo dục, thúc đẩy sản xuất lương thực... cũng là những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Cuba thời gian tới.

Ngoài ra, Quốc hội khóa VIII cũng sẽ phải hoạch định những bước tiếp theo để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần VII (tháng 4-2016), định hình rõ mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa của Cuba, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế - xã hội trong 5 năm tới… Trước bối cảnh chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump đã và đang có những quyết định đảo ngược chính sách cải thiện quan hệ với Cuba; chính trường tại các nước Mỹ Latinh cũng có những diễn biến phức tạp, như những bê bối chính trị ở Brazil, khủng hoảng ở Venezuela, những thay đổi sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Colombia… ảnh hưởng tới môi trường chính trị nói chung của khu vực và ít nhiều tác động tới tình hình Cuba, đòi hỏi Quốc hội cùng ban lãnh đạo mới của Cuba cần có các định hướng, chính sách phù hợp với tình hình thế giới nhiều biến động hiện nay.

Pháp - Ấn Độ mong muốn tạo dấu ấn trong hợp tác kinh tế, an ninh

 
 Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi. Ảnh: hindustantimes.com

Với mong muốn phát triển quan hệ vững mạnh với nhiều quốc gia ở châu Á, Tổng thống Pháp E. Macron đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 09 đến 12-3-2018. Chuyến thăm của ông E. Macron nhằm mục đích đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Paris với cường quốc châu Á đặc biệt về kinh tế và an ninh này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ N. Modi, Tổng thống Pháp E. Macron đã đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký tổng cộng 14 thỏa thuận quan trọng trên nhiều lĩnh vực như quốc phòng, vũ trụ và năng lượng sạch... Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống E. Macron diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Pháp - Ấn Độ đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Là quốc gia lớn nhất Tây Âu và lớn thứ ba ở châu Âu, Pháp hiện là một trong những đầu tầu kinh tế của EU. Về phần mình, là cường quốc lớn thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc, trong thời gian qua, Ấn Độ đã và đang xác lập được vị thế quan trọng của mình trên trường quốc tế ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, và trở thành một trong những cường quốc năng động về kinh tế trên thế giới. Mặt khác, Ấn Độ có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng ở Nam Á cũng như toàn cầu, vì thế Ấn Độ đang giành được nhiều sự quan tâm của các nước lớn.

Không muốn là nước đến sau, từ năm 1998, Pháp đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ với trọng tâm là hợp tác hạt nhân, không gian và quốc phòng. Tuy nhiên, hai bên đã có sự hợp tác lớn hơn trong những năm gần đây trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, chống khủng bố và năng lượng tái tạo. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện tại, quan hệ kinh tế giữa Pháp và Ấn Độ chưa thực sự tương xứng với tiềm lực của hai nước. Kim ngạch thương mại hai bên chỉ ở mức trên 10 tỷ euro, Ấn Độ chỉ là đối tác kinh tế đứng thứ 18 của Pháp và ngược lại, Pháp cũng chỉ đứng thứ 20 trong các nước xuất khẩu vào Ấn Độ. Vì thế, lợi ích đầu tiên mà chuyến thăm của Tổng thống E. Macron đến Ấn Độ là nâng cao mối quan hệ kinh tế, biến Pháp và Ấn Độ trở thành các đối tác lớn của nhau trong về kinh tế. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng cũng là tâm điểm trong các cuộc gặp giữa hai nước. Ấn Độ tìm đến Pháp để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và đặc biệt quan trọng là tiếp cận được công nghệ quốc phòng của Pháp, nước phương Tây duy nhất ngoài Mỹ chủ động phát triển được tất cả các vũ khí chiến lược cho riêng mình. Ở chiều ngược lại, Ấn Độ cho nước Pháp cơ hội bước chân sâu hơn vào sân chơi địa chính trị của khu vực, qua đó duy trì và gia tăng được ảnh hưởng, điều mà nước Pháp không dễ gì, nếu không muốn nói là không thể làm được, nếu đơn phương hành động. Do vậy, hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột chủ chốt của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước./.