Sau 1 năm triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm guơng đạo đức Hồ Chí Minh” ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã có gần 740.000 nguời tham gia với 4015 lớp học học tập quán triệt 3 chuyên đề tư tưởng về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Những kết quả bước đầu

Qua học tập các chuyên đề, tìm hiểu tấm gương đạo đức của Bác, thi kể chuyện v.v.., cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn, nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên, nhân dân đều cảm phục lòng tận tụy, đức hy sinh, tình thương dân tha thiết, khoan dung, vị tha, nếp sống giản dị, khiêm tốn của Bác. Cuộc đời vì dân, vì nước của Người thực sự đã có sức cảm hóa và lay động mọi người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp. Nhiều người cho rằng, có Bác đó là “phước đức” của dân tộc Việt Nam.

Những người đã học đều nhất trí đánh giá Cuộc vận động là một giải pháp tốt, góp phần khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống hiện nay của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và của xã hội; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng nền tảng đạo đức xã hội ngày càng lành mạnh, vững chắc hơn. Với nhận thức như vậy, Cuộc vận động ngày càng được nhiều người, nhiều giới quan tâm, hưởng ứng, thực hiện, từ cán bộ, đảng viên đương chức trong cơ quan nhà nước và các đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội đến cán bộ hưu trí, nông dân và quần chúng trong xã hội.

Cuộc vận động đã thức tỉnh, cảnh tỉnh, nhắc nhở từng người, từng tổ chức quan tâm nhiều hơn đến giữ gìn, rèn luyện đạo đức, nên đã bước đầu có tác dụng ngăn chặn, giảm bớt những hành vi vi phạm đạo đức. Các ngành thuế, hải quan, quản lý đô thị, đất đai... đã gắn Cuộc vận động với rèn luyện văn hóa ứng xử, cải tiến thủ tục phục vụ khách hàng… Một số phong trào khác như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “3 xây – 3 chống” (xây tác phong quần chúng – chống quan liêu cửa quyền; xây tinh thần trách nhiệm – chống tham ô, nhũng nhiễu; xây ý thức cần kiệm – chống lãng phí, xa hoa), thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong công an, quân đội, giáo dục v.v… do có sự lồng ghép, kết hợp với Cuộc vận động nên đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.

Các tiêu chí để làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được xây dựng cụ thể, tùy theo nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị, tổ chức. Chẳng hạn, ở phường 13 (Quận 10), tiêu chí của cán bộ là “Niềm nở với dân”; công an có tiêu chí “Mỗi người dân là một công an khu vực”; đảng viên ở khu phố có tiêu chí là “Xuống dân, gần dân”… Người dân quan tâm đến Cuộc vận động, quan tâm đến việc cán bộ đảng viên phải nói có đi đôi với làm, có làm gương cho quần chúng noi theo không.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, qua một năm thực hiện Cuộc vận động, trên thực tế đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, cần được khắc phục kịp thời. Đó là:

- Một số cấp ủy, người đứng đầu nhận thức chưa đúng đắn về cuộc vận động, nên chỉ đạo thực hiện cuộc vận động chưa tốt. Một số cấp ủy tiến hành triển khai thực hiện còn chậm so với kế hoạch chung.

- Một bộ phận đảng viên, cán bộ công chức chưa thể hiện tinh thần thái độ nghiêm túc trong việc học tập đầy đủ 3 chuyên đề.

- Đội ngũ báo cáo viên còn hạn chế về năng lực và phương pháp truyền đạt nên thiếu hấp dẫn, nhất là báo cáo viên ở cấp cơ sở.

- Việc hướng dẫn của cấp trên cho cán bộ, đảng viên, công chức và tổ chức đảng về tiêu chí tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống còn hạn chế và chưa kịp thời.

- Công tác triển khai Hội thi báo cáo viên giỏi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số nơi chuẩn bị chưa tốt; chất lượng bài dự thi của một bộ phận người dự hội thi chưa cao; việc rút ra ý nghĩa, liên hệ bản thân không sát với nội dung chuyện kể.

Những kinh nghiệm bước đầu:

- Một là, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa của Cuộc vận động là điều kiện tiên quyết để triển khai Cuộc vận động đạt kết quả tốt. Nơi nào bí thư, cấp ủy nhận thức và quan tâm đúng mức, có kế hoạch và quy chế hoạt động, phân công cụ thể, vừa làm vừa kiểm tra thì nơi đó Cuộc vận động có hiệu quả cụ thể.

- Hai là, lồng ghép Cuộc vận động với các nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội dưới nhiều hình thức sinh động, phù hợp với thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức, từng giới đồng bào, từng đối tượng, trong từng nội dung và từng bước thực hiện. Quá trình lồng ghép này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận thức, tiếp thu và thể hiện qua hành động thực tiễn.

- Ba là, vai trò của người đứng đầu, việc nêu gương, làm gương là điều kiện quan trọng để triển khai Cuộc vận động có hiệu quả. Bác Hồ không chỉ giáo dục đạo đức cách mạng cho mọi người bằng lời nói mà bằng chính tấm gương của bản thân mình. Đạo làm gương đòi hỏi trước hết tự mình làm gương, rồi nêu gương người tốt việc tốt, tự soi gương để rọi lại mình. Trong đó người đứng đầu tổ chức, người có chức, có quyền phải nêu gương về đạo đức cách mạng để mọi người noi theo.

- Bốn là, không có sự tham gia tích cực, nhiệt tình của đông đảo nhân dân thì Cuộc vận động không thể thành công. Đảng ta luôn xem tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng thêm mạnh. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, việc làm này chưa đủ mạnh, chưa phát huy được tác dụng vốn có của nó. Nhìn chung, tính tự giác, tự phê bình còn thấp. Do vậy cần có sự hỗ trợ của sức mạnh quần chúng, nhất là để đạt mục tiêu của Cuộc vận động là ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, đặc biệt là tệtham ô, lãng phí, quan liêu trong Đảng, trong cơ quan nhà nước. Bác Hồ đã dạy “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu… phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Đảng ta cũng đã chủ trương phải sử dụng “sự giám sát của nhân dân…, của công luận”, “sử dụng các cơ quan thông tin đại chúng” tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Và thực tế cuộc sống cũng cho thấy, trong thời gian qua, quần chúng nhân dân đã có những đóng góp quan trọng trong việc đấu tranh chống tiêu cực, góp phần đưa các vụ việc vi phạm pháp luật ra xét xử.

Những nhiệm vụ còn phải tiếp tục

Để Cuộc vận động trong năm 2008 đi vào chiều sâu, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, nâng cao nhận thức, đồng thời, từng bước chuyển trọng tâm sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng và trong toàn xã hội.

- Nhiệm vụ chủ yếu của Cuộc vận động trong năm 2008 là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Mục tiêu phải đạt được là tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả làm theo tấm gương của Bác ở các cấp, các ngành và trong toàn xã hội.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ Thành phố và toàn hệ thống chính trị ở các cấp, tham gia tích cực vào Cuộc vận động trong Đảng và toàn xã hội; gắn nội dung Cuộc vận động với thực hiện: năm 2008 – năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị; chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội X và các Nghị quyết Trung ương khóa X, gắn với Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “3 xây – 3 chống”…

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt tăng cường tuyên truyền những gương điển hình của tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị. Trên cơ sở đó nhân rộng điển hình tiên tiến với các hình thức phong phú đa dạng. Qua các phong trào thi đua, chọn lựa những người tốt, việc tốt, đơn vị làm tốt để biểu dương khen thưởng kip thời.

Với vai trò, vị trí rất quan trọng đối với cả nước, Thành phố mang tên Bác nỗ lực góp phần cùng cả nước, vì cả nước, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, đi đầu trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm guơng đạo đức Hồ Chí Minh”. Với sự quyết tâm của các tầng lớp nhân dân và sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, hy vọng rằng, Cuộc vận động không chỉ đơn thuần đem lại sự chuyển biến về đạo đức mà còn tạo sự chuyển biến toàn diện trong nội bộ Đảng và cả xã hội; tạo nền tảng và động lực tinh thần, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng văn minh, hiện đại./.