Du lịch tâm linh thu hút khách những ngày đầu năm mới
TCCSĐT - Cùng với những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhiều điểm du lịch, lễ hội tâm linh trên địa bàn các tỉnh phía Bắc thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái, vãn cảnh đầu Xuân mới.
* Tới các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dịp đầu Xuân, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên mà còn có cơ hội tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa, lịch sử các điểm di tích - một trong những nét đẹp trong văn hóa du lịch tâm linh ở Thủ đô kháng chiến.
Địa bàn tỉnh Tuyên Quang có nhiều đền, chùa lớn nhỏ với hàng trăm năm tuổi. Nhiều đền đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Đền, chùa ở Tuyên Quang không chỉ nổi tiếng linh thiêng, có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa mà còn nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ như đền Cấm, đền Cảnh xanh, đền Mẫu Ỷ La, đền Hạ, đền Thác Cái… Đặc biệt, các ngôi đền thờ Mẫu như đền Thượng, đền Hạ, đền Mẫu Ỷ La ở thành phố Tuyên Quang nổi tiếng linh thiêng và có cảnh đẹp thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái, tham quan du lịch trong những ngày đầu năm mới.
Để bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phục vụ du khách gần xa đi lễ đầu năm, Ban Quản lý các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phương án nhằm bảo đảm an toàn cho du khách.
Bà Trịnh Kim Hải, Tổ trưởng Tổ quản lý đền Mẫu Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) cho biết, ngay từ trước Tết Mậu Tuất 2018, Tổ quản lý đền đã ký cam kết với lực lượng chức năng về bảo đảm an ninh trật tự. Đối với đền Mẫu Ỷ La, Tổ quản lý đền đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như bình chữa cháy, hệ thống camera giám sát trong và ngoài khu vực đền… Nhờ chủ động trong công tác chuẩn bị, từ ngày 30 Tết đến nay, lượng khách đến dâng hương, vãn cảnh tại đây rất đông, có ngày lên tới hàng nghìn người nhưng chưa xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, cháy nổ.
Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Phát triển du lịch được tỉnh Tuyên Quang chọn là một trong bốn lĩnh vực đột phá đến năm 2020. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, thu hút được trên 1,7 triệu lượt khách du lịch. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo các khu, điểm di tích lịch sử, Tuyên Quang đang tích cực xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý. Tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng một số thương hiệu du lịch riêng, đặc trưng của tỉnh như: Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Động Tiên, Lễ hội rước Mẫu đền Hạ... nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
* Khai hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2018
Sáng 22-02 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2018 - Lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Theo các tài liệu lịch sử và truyền miệng trong dân gian, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện một cách thành kính, trang trọng.
Các nghi thức diễn ra Tại Lễ hội Tịch điền gồm: rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp. Sau đó là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.
Đặc biệt, nghi lễ cày tịch điền đã tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng bào xuống ruộng đi cày, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong, các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày.
Trong dịp Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức như: vật cổ truyền, biểu diễn trống của đội trống thôn Đọi Tam, vẽ trang trí trâu...
Nhân dịp này, tỉnh Hà Nam đã trao bằng công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh Hà Nam năm 2017 cho 19 xã trong toàn tỉnh.
* Tưng bừng khai hội đền Mẫu Âu Cơ
Ngày 22-02 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra lễ khai hội đền Mẫu Âu Cơ. Lễ hội do Ủy ban Nhân dân huyện Hạ Hòa tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân năm mới.
Mở đầu lễ hội là lễ tế thành hoàng làng và rước kiệu, lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ nhằm tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.
Tại lễ khai hội, các đại biểu đã lắng nghe chúc văn thành kính tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ; trong đó nhấn mạnh về huyền thoại Âu Cơ Lạc kết duyên với Đức Tổ Long Quân sinh ra một bọc trứng 100 trứng, nở thành 100 người con, trong đó 50 người con theo cha xuống biển, còn 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Trong hành trình đưa 50 người con lên thượng nguồn sông Hồng mở mang bờ cõi, Tổ Mẫu Âu Cơ đã dừng chân ở Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Tại đây, mẹ Mẫu Âu Cơ thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú Âu Cơ đã cho khai khẩn đất hoang, lập thôn ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; biến vùng đất hoang sơ thành trù phú.
Sau phần chúc văn thành kính tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ là nghi thức Tế nữ quan. Các cô gái thanh tân trong trang phục áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, thắt lưng dải lụa, chân đi hài thêu cùng chủ tế nữ mặc bộ lễ phục màu đỏ thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống.
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là một trong những lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn ra trong dịp đầu Xuân. Năm 1991, đền Thờ Tổ mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 23-01-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ-đền Mẫu Âu Cơ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hằng năm, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được dọn dẹp, khang trang, sạch sẽ. Hàng quán, bãi đỗ xe được ban tổ chức lễ hội sắp xếp hợp lý, góp phần xây dựng lễ hội đền Mẫu Âu Cơ ngày càng văn minh, mẫu mực./.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, nơi khởi nghiệp tốt nhất, là một cực tăng trưởng của Hà Nội  (23/02/2018)
Đề nghị Hà Nội kiểm tra, rà soát công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương  (23/02/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Tết đầu Xuân các cơ quan Đảng  (23/02/2018)
Tiếp tục xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân  (23/02/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên