Gắn kết với “cội rễ”

Mai Loan Báo Đại đoàn kết
21:31, ngày 13-02-2018

TCCSĐT - Năm mới là thời khắc “lắng đọng” mà mỗi người Việt Nam ở xa Tổ quốc muốn nhìn lại, để thêm yêu thương, thêm gắn bó với nơi mình từng sinh ra và lớn lên hay đơn giản chỉ là nơi mình biết đến qua tiếng ru ầu ơ của mẹ ngày còn bé thơ. Tình yêu ấy với quê hương đã gắn kết người Việt khắp năm châu bốn bể với nhau và với Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng.


Giữ mãi ngọn lửa tình yêu Đất Mẹ

Tháng 5-2017, tại Béc-lin - Thủ đô Cộng hòa Liên bang Đức - có một câu lạc bộ đặc biệt ra mắt nơi đất khách, đó là Câu lạc bộ Biển đảo. Một câu lạc bộ ra đời từ ý tưởng của những kiều bào đã một lần đặt chân tới Trường Sa - vùng đất thiêng ngoài biển khơi của Tổ quốc. Ý tưởng ấy sẽ không thể thành hiện thực nếu không có một trái tim ấm áp luôn hướng về Đất Mẹ với những tình cảm nồng ấm nhất. Tình cảm của những người Việt xa xứ tại Đức có lẽ cũng chỉ là một ví dụ nhỏ trong số hàng ngàn ví dụ về tấm lòng những người con Việt tại nước ngoài.

Tôi còn nhớ như in gương mặt đẫm mồ hôi của TS. Trần Hải Linh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc - năm nào khi giữa cái nắng chói chang vẫn cùng những người đồng hành lắp đặt bộ máy chuyển đổi không khí thành nước ngọt; một máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời và một giàn trồng rau thủy canh hồi lưu cho các chiến sĩ trên đảo Cô Lin (Trường Sa). Món quà trị giá 28.000 USD mà Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc thay mặt đồng bào mình ở “xứ sở Kim chi” tặng các chiến sĩ đang ngày đêm giữ biển trời Tổ quốc, ngoài giá trị vật chất còn là giá trị tinh thần lớn lao không tiền bạc nào sánh được. Đây là một phần trong dự án “Tình nghĩa Trường Sa” mà kiều bào tại Hàn Quốc lập nên, trong khuôn khổ Quỹ Vì chủ quyền biển, đảo Việt Nam để cùng nhau đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Điểm khá thú vị là một trong những người sáng lập và có đóng góp tích cực cho Quỹ cũng như có đóng góp rất tích cực cho dự án “Tình nghĩa Trường Sa” là ông Lý Thừa Vĩnh - hậu duệ đời thứ 28 của Vua Lý Thái Tổ tại Hàn Quốc, đồng thời là Chủ tịch Hội dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc. Không chỉ nhiều lần xuống đường vì Hoàng Sa, Trường Sa tại Xơ-un (Hàn Quốc), ông Lý Thừa Vĩnh từng tới Trường Sa trong đoàn kiều bào tiêu biểu thăm mảnh đất đặc biệt và có nhiều đóng góp cho Trường Sa thân yêu.

Ông Trần Thắng lại có cách bày tỏ tình cảm với quê hương đất nước rất khác lạ so với những kiều bào khác. Vốn là một nhà sưu tập bản đồ có tiếng ở phương Tây, sau cuộc trưng bày bản đồ khá thành công năm 2016; năm 2017 ông về nước, tìm đến Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa với món quà quý giá trên tay. Món quà ấy chính là tấm bản đồ “Partie de la Cochinchine” do nhà địa lý học người Bỉ Phi-líp Van-đơ-ma-len (Philippe Vandermaelen) vẽ từ đầu thế kỷ XIX. Đây là tấm bản đồ nằm trong bộ sưu tập mà ông Trần Thắng đã dày công sưu tầm nhiều năm nay.

Những tình cảm như thế của các kiều bào không phải là hiếm. Nó như ngọn lửa ấm áp, truyền tới các thế hệ người Việt khắp nơi trên thế giới, giúp họ thêm yêu thương và giữ mãi hình ảnh quê hương Việt Nam trong trái tim mình.

Những đóng góp thiết thực

Năm 2017 cũng có thể coi là một năm mà trí thức kiều bào có những đóng góp nổi bật cho quê hương, đất nước. Không chỉ có các chương trình biển, đảo mà còn nhiều chương trình khác tạo tiếng vang và góp phần cộng hưởng tình yêu quê hương nơi xa. Nhóm Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE) là một ví dụ sinh động về hiệu quả hoạt động, đóng góp cho quê hương.

Trong năm 2017, AVSE đã trực tiếp tham gia xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở (Open Data) với mục tiêu hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh trong tương lai. Thông qua việc xây dựng khung phát triển chính phủ điện tử cùng việc thí điểm các giải pháp đô thị thông minh, giao thông thông minh, cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng số hóa để chuẩn bị cho phát triển lâu dài, hệ sinh thái dữ liệu mở sẽ là nền tảng cốt lõi hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ thống quản lý hành chính trong kỷ nguyên số hóa.

AVSE còn hỗ trợ tham vấn cho tỉnh Quảng Ninh về Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, dựa trên lợi thế cạnh tranh, hệ sinh thái đa dạng của vùng đất này cũng như hạ tầng xanh sạch của khu vực này.

Những đóng góp cụ thể của AVSE với Đất Mẹ luôn có bóng dáng của GS, TS. Nguyễn Đức Khương - một trong ba giáo sư người Việt ở nước ngoài được mời vào tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, còn có những tên tuổi thành danh ở nước ngoài, như ThS. Vũ Ngọc Anh, TS. Nguyễn Duy Tài…

Hơn 50 kiều bào ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a cũng đã về nước tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ hội thảo thường niên các nhà kinh tế học Việt Nam (VEAM) lần thứ 10 (tháng 8-2017) với hai chủ đề lớn: ứng dụng của dữ liệu lớn và năng lượng sạch.

Trong vai trò chuyên gia, trí thức tiêu biểu, những nhà khoa học, như GS. TS. Trần Văn Thọ (Đại học Wasada, Nhật Bản); GS, TS. Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Mỹ); GS, TS. Nguyễn Đức Khương (Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Pháp), PGS, TS. Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Xin-ga-po) đã được mời vào tổ tư vấn của Thủ tướng. Đóng góp của họ liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ngắn, trung và dài hạn của đất nước. Hoạt động của các giáo sư luôn nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng giống như các hoạt động học thuật hướng về quê hương, đất nước của các GS. Trần Thanh Vân, Lê Văn Cường, Lương Cần Liêm (tại Pháp).

Truyền lửa cho thế hệ trẻ

Tình cảm và đóng góp của các thế hệ người Việt ở nước ngoài như nguồn cảm hứng bất tận giúp những người trẻ là học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài - những thế hệ kiều bào thứ ba, thứ tư thấy được trách nhiệm và tình cảm của mình rõ nét hơn đối với quê hương, đất nước.

Đỗ Hồng Hạnh - đại biểu người Việt trẻ ở Pháp nhân dịp về thăm đất nước và dự “Trại hè Việt Nam 2017” - đã tâm sự sau buổi giao lưu với người trẻ ở tỉnh Đồng Tháp: “thông qua hoạt động giao lưu như thế này, chúng tôi đã có thêm những người bạn mới không chỉ trong đoàn mà còn cả các bạn trẻ trong nước. Các bạn trẻ tỉnh Đồng Tháp rất hòa đồng và thân thiện, tôi đã có trao đổi facebook với một số bạn và sẽ tiếp tục giữ mối liên hệ này”.

Yanin Phanom Uppatham - học sinh lớp 5, một thành viên trong đoàn 39 giáo viên và học sinh tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) về thăm đất nước dịp tháng 5-2017 - chia sẻ: “bố mẹ em đều là người gốc Việt Nam nên em thường được bố mẹ kể về Bác Hồ kính yêu. Em rất tự hào khi lần thứ hai được về thăm quê Bác. Niềm tự hào về Bác Hồ, về quê hương Việt Nam sẽ là động lực giúp em học tập tốt hơn nữa để mai sau trở thành người có ích cho đất nước”.

Trở về và trùng phùng với người thân, bạn bè mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mỗi kiều bào lại mang trong mình một tâm sự, một tình cảm riêng muôn màu sắc với quê hương, đất nước. Nhưng, có một điểm chung nhất ở họ, đó là cảm nhận tình cảm ấm áp của quê hương khi giang tay đón những người con xa xứ vào lòng; là sự trở về với “cội rễ” của mình để cảm nhận sự thương yêu, gắn bó, đoàn kết giữa những người con cùng chung một mái nhà, chung một tổ tiên - những cảm xúc đặc biệt thiêng liêng trong thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới. Trở về để yêu thương, để gắn bó hơn với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” là suy nghĩ và tình cảm chung của những người Việt Nam xa quê hương, làm ăn sinh sống và học tập nơi xứ người./.