CELAC - Trung Quốc hợp tác “cùng có lợi"
TCCSĐT - Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) - Trung Quốc đã diễn ra tại Chile trong hai ngày 22 và 23-01-2018. Hội nghị thông qua 3 văn kiện định hướng cho hợp tác CELAC - Trung Quốc trong giai đoạn 2019 - 2021, cùng Tuyên bố Santiago.
Hướng tới tương lai chung
Về mối quan hệ CELAC - Trung Quốc hiện nay, Ngoại trưởng Hugo Martinéz của El Salvador - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của CELAC tuyên bố, mối liên kết giữa khu vực này với quốc gia đông dân nhất châu Á đã được mở rộng ra hàng loạt lĩnh vực và sự hợp tác đang diễn ra trên cả 4 loại không gian: biển, đất liền, trên không và số. Chính vì vậy, tại Hội nghị, Tổng thống Michelle Bachelet khẳng định, Chile cũng như các nước trong khu vực ưu tiên thúc đẩy hội nhập khu vực, đồng thời nhấn mạnh CELAC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia Mỹ Latinh với thế giới. Bà khẳng định sự hiện diện ngày càng sâu rộng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh và đánh giá diễn đàn sẽ tạo nền tảng cho các dự án hợp tác giữa Bắc Kinh và khu vực trong tương lai, hướng tới sự phát triển bền vững và cân bằng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ Trung Quốc sẽ luôn đồng hành cùng các quốc gia đang phát triển, trong đó có các nước Mỹ Latinh và Caribe. Với chiến lược “cùng có lợi và chia sẻ lợi nhuận”, Bắc Kinh chú trọng tài trợ cho các chương trình hợp tác hướng tới mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với khu vực, đặc biệt là các dự án kết nối giao thông.
Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz nhận định, Bắc Kinh đã mang tới Hội nghị một thông điệp lớn về chủ nghĩa đa phương, cũng như lời phản đối đanh thép chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, “mọi cánh cửa đều để mở cho phát triển hợp tác CELAC - Trung Quốc”, đồng thời tuyên bố mời 600 chính trị gia Mỹ Latinh tới thăm Trung Quốc và cấp 6.000 học bổng cho các nước trong khu vực này nhằm thúc đẩy sự xích lại gần nhau.
Với tinh thần này, sau hai ngày thảo luận, Trung Quốc và đại diện đến từ 31 quốc gia trong khu vực tham dự Hội nghị thông qua 3 văn kiện định hướng cho hợp tác CELAC - Trung Quốc trong giai đoạn 2019 - 2021, cùng Tuyên bố Santiago. Kế hoạch hành động 3 năm tới này bao gồm những khía cạnh hợp tác cụ thể như đầu tư, cơ chế tham vấn và công nhận sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe được thành lập tháng 12-2011 tại Caracas (Venezuela). Hiện cộng đồng này có 33 thành viên, gồm toàn bộ các nước Nam Mỹ, một số quốc gia khu vực Caribe và Mexico. Tháng 7-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh và Caribe đã tổ chức rất thành công cuộc gặp nhân chuyến thăm lần thứ hai của ông tới khu vực này. Trong cuộc gặp đó, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến xây dựng một cơ cấu mới trong quan hệ Trung Quốc - CELAC trên cơ sở chân thành, tin tưởng lẫn nhau, trong lĩnh vực chính trị, hợp tác, cùng chia sẻ lợi nhuận trong kinh tế và thương mại, cũng như trao đổi văn hóa tương hỗ giữa hai bên, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế. Hai bên đã tuyên bố thành lập Liên minh hợp tác Trung Quốc - CELAC trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi để thúc đẩy phát triển và chính thức quyết định thành lập Diễn đàn CELAC - Trung Quốc.
Hợp tác vì sự phát triển
Ngay từ những ngày đầu năm 2018, Hội nghị Ngoại trưởng CELAC - Trung Quốc được tổ chức đã đánh dấu thêm một bước tiến mới trong quan hệ nhiều mặt giữa người khổng lồ châu Á và các đối tác khu vực Mỹ Latin. Từ trước đến nay, khu vực Mỹ Latin và Caribe vẫn được mặc định là “sân sau” của Mỹ, tuy nhiên, trong những năm gần đây, khái niệm “sân sau” đang bị thách thức bởi nhiều nước lớn khác như Trung Quốc, Nga, và thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU).
Đối với nhiều người Trung Quốc, khu vực Mỹ Latinh là miền đất hứa. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc nhận thấy ở Mỹ Latinh có nhiều tiềm năng không chỉ về kinh tế mà còn cả về địa - chiến lược và chính trị. Trước tiên là các nguồn dầu mỏ và khoáng sản, đặc biệt là quặng sắt, đồng… đang rất cần cho “công xưởng” lớn nhất thế giới. Thứ hai, do dân số đông mà tiềm năng nông nghiệp không quá lớn nên Trung Quốc có nhu cầu cao về nhập nông sản từ Mỹ Latinh, nơi có lợi thế to lớn về sản xuất nông nghiệp. Quan trọng hơn, Mỹ Latinh không chỉ là nơi cung cấp nguyên, nhiên liệu mà còn là thị trường tiêu thụ quan trọng của hàng hóa “Made in China” vốn đã tràn ngập tại khu vực. Các hiệp định tự do thương mại song phương được ký kết tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc ở Nam Mỹ. Thực tế này giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới ngay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Và để thu hút giới tinh hoa lãnh đạo và dân chúng tại khu vực này, Trung Quốc thể hiện là một đối tác có đủ tiềm lực về kinh tế và có độ tin cậy cao. Trung Quốc đang khéo léo tiếp cận với khu vực này thông qua các khẩu hiệu tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng thắng và mở cửa.
Chính vì vậy, Trung Quốc đã “tấn công” một cách chủ động vào những quốc gia chủ chốt tại khu vực như Brazil, Venezuela, Argentina, Chile, Peru, Mexico, Cuba, Nicaragua, Colombia… Trung Quốc hiện đã nâng cấp quan hệ với Venezuela và Argentina lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Riêng ở một số nước như Brazil, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất.
Theo một số chuyên gia khu vực đánh giá, Trung Quốc sẽ triệt để lợi dụng diễn đàn này để thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực Mỹ Latinh, phục vụ những tham vọng cả về chính trị và kinh tế của mình. Vì vậy, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã tăng cường tiếp xúc với lãnh đạo các nước trong khu vực CELAC và sẵn sàng chi các khoản tiền lớn để tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo CNN, hiện nay Mỹ Latinh đang là một trong những đối tác quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn của Mỹ Latinh, với trao đổi mậu dịch hai bên tăng từ hơn 12 tỷ USD năm 2000 lên gần 275 tỷ USD năm 2013, tức là tăng gần 22 lần, trong khi trao đổi thương mại giữa khu vực này với thế giới chỉ tăng 3 lần. Chỉ tính riêng đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ Latinh đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2003 lên 87,8 tỷ USD năm 2012. Riêng trong năm 2014, các thể chế tài chính của Trung Quốc đã cấp hơn 22 tỷ USD tín dụng cho các nước Mỹ Latinh, vượt tổng số tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ - hai nguồn cho vay truyền thống - cấp cho khu vực này.
Giới phân tích nhận định, đằng sau lý do kinh tế - thương mại, là những tính toán về địa chính trị của Trung Quốc bởi CELAC là tổ chức chính trị mang tính khu vực lớn nhất Tây Bán cầu (không có Mỹ, Canada). Chính vì vậy, tăng cường quan hệ với CELAC được coi là nhằm đối trọng với những toan tính chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác đều phải xuất phát từ lợi ích của hai phía. Việc CELAC mở cửa với Trung Quốc cho thấy khu vực này đang tìm cách mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Nhiều nước Mỹ Latinh đã công khai đánh giá cao những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Nhiều người dường như coi Trung Quốc là “phao cứu sinh” để có thể giải quyết mọi vấn đề quốc gia cũng như khu vực trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhiều nhà hoạch định chính sách cao cấp của Mỹ Latinh còn nhắc lại thường xuyên trong các tuyên bố của mình về vai trò của Trung Quốc như một liều “thuốc giải độc” để khu vực này có thể giải thoát hoàn toàn khỏi Mỹ.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay thì hợp tác liên khu vực là một nhu cầu tất yếu cho cả hai bên. Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê - Trung Quốc cho thấy thành công không nhỏ về ngoại giao của Trung Quốc, tiếp tục củng cố các bước đi vững chắc của nước này tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe./.
Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức Hội nghị tổng kết huấn luyện - đào tạo và xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật năm 2017  (24/01/2018)
Mỹ thông qua biện pháp ngắn hạn chấm dứt tình trạng Chính phủ đóng cửa  (24/01/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ  (24/01/2018)
Công an Hà Nội bảo đảm tuyệt đối cho Thủ đô trong mọi tình huống  (24/01/2018)
Thanh Hóa cần rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác cán bộ  (24/01/2018)
Quyền lực nào cũng phải được kiểm soát  (24/01/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên