Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
TCCSĐT - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 đến 12-11-2017. Chuyến thăm được đánh giá là bước nối tiếp của chính sách thúc đẩy quan hệ song phương đã được Washington triển khai từ nhiều năm nay, đồng thời cũng là cơ hội để củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Phát triển tích cực trên các lĩnh vực
Chuyến công du diễn ra ngay trong năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống D. Trump và chỉ chưa đầy nửa năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ (tháng 5-2017) đã thể hiện cả Việt Nam và Mỹ đều rất coi trọng quan hệ giữa hai nước và sẽ tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới.
Tuyên bố với báo chí quốc tế trước thềm chuyến đi, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Trung tướng H.R. McMaster, đã khẳng định chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông D. Trump tới châu Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ, nhân dân Mỹ và cá nhân ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng. Trong đó, thông điệp chính trong chuyến thăm của Tổng thống D. Trump tới Đà Nẵng và Hà Nội lần này là hướng tới thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và an ninh; tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện đang phát triển tích cực giữa hai nước.
Trên thực tế, kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 tới nay, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các mặt, đặc biệt về chính trị, kinh tế và quân sự. Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, hai bên đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Về phía Việt Nam, khởi đầu là chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ (tháng 6-2005), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 6-2008 và tháng 02-2016), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 6-2007), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2013), đặt nền tảng cho việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7-2015) và mới đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5-2017).
Về phía Mỹ, kể từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam tháng 11-2000 đến nay, các tổng thống Mỹ G. Bush, B. Obama đều có các chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đặc biệt, lần này, Tổng thống D. Trump thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên nhậm chức, một minh chứng cho lời khẳng định của ông trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ngày 31-5 vừa qua rằng, ông “coi trọng quan hệ Việt Nam - Mỹ và vai trò của Việt Nam trong khu vực; mong muốn quan hệ hai nước thời gian tới tiếp tục phát triển mạnh mẽ”.
Trước đó, sau khi ông D. Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, hai nước Việt Nam - Mỹ tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi, tiếp xúc. Từ ngày 19 đến 22-4-2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ R. Tillerson. Từ ngày 29 đến 31-5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống D. Trump. Quan hệ giữa Quốc hội hai nước cũng phát triển tích cực. Vừa qua, Việt Nam đã đón Đoàn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Thornberry; Đoàn Chủ tịch Tiểu ban các lực lượng chiến lược, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ Mike Rogers.
Mở ra nhiều cơ hội hợp tác
Nhiều cơ hội hợp tác đang mở ra trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại ngày càng được tăng cường, hợp tác tăng lên trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân, giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Về hợp tác kinh tế, kể từ khi Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ với tăng trưởng thương mại giữa hai nước hằng năm đạt trung bình 20%. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bắt đầu dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên trên 47 tỷ USD vào cuối năm 2016. Việt Nam luôn duy trì mức thặng dư lớn trong cán cân trao đổi thương mại với Mỹ. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ tập trung vào những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, máy vi tính, thủy sản, nông sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Về đầu tư, hiện Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với 815 dự án có tổng vốn đăng ký 10,07 tỷ USD, đồng thời xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam với 147 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký 571,38 triệu USD. Tháng 3-2017, hai bên đã tái khởi động cuộc họp kỹ thuật của Hội đồng Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương.
Hợp tác an ninh - quốc phòng là ví dụ điển hình của việc xây dựng lòng tin thành công giữa hai nước. Ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ quân sự cũng được thiết lập trở lại và thúc đẩy thông qua hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, tham vấn đối thoại, an ninh biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… Với sự giúp đỡ của phía Mỹ, dự án tẩy rửa chất độc da cam (dioxin) ở sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành, dự án tiếp tục tẩy độc sân bay Biên Hòa đang được triển khai, trở thành minh chứng cụ thể cho hợp tác quốc phòng phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Ngoài ra, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Về khoa học - kỹ thuật, hai bên đã ký Tuyên bố hợp tác về khoa học - công nghệ (tháng 3-2015). Hợp tác giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân đang trên đà phát triển tích cực. Tính đến tháng 11-2016, Việt Nam có hơn 31.000 sinh viên, thực tập sinh đang theo học tại Mỹ, đứng đầu các quốc gia Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ. Hai nước đang thúc đẩy triển khai dự án Đại học Fulbright tại Việt Nam. Lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam năm 2016 đạt trên 550 nghìn lượt (tăng 12,8% so với năm 2015).
Phía Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm tới các vấn đề hợp tác y tế, môi trường, nhân đạo. Trong chuyến thăm của Tổng thống B. Obama (tháng 5-2016), hai bên đã ra hai Công bố chung về Đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ về lĩnh vực Biến đổi khí hậu và Đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ về lĩnh vực chống buôn bán động thực vật hoang dã. Theo đó, phía Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam 60 triệu USD trong 5 năm để ứng phó với biến đổi khí hậu và 10 triệu USD trong 5 năm để phòng, chống buôn bán động thực vật hoang dã.
Hai nước tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +)… trong đó có các vấn đề khu vực như an ninh an toàn hàng hải, củng cố đoàn kết ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai Đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN; cũng như các vấn đề toàn cầu, như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước, chống tội phạm xuyên quốc gia...
Khẳng định quan hệ Đối tác toàn diện
“Việt Nam và Mỹ đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thúc đẩy mối quan hệ song phương có lợi cho cả hai nước” là nhận định của Giáo sư Fredrik Lovegall của trường Đại học Havard, tác giả bốn cuốn sách viết về Việt Nam, trong đó có cuốn “'Lửa đạn chiến tranh” (Embers of War) giành giải Pulitzer năm 2014. Theo Giáo sư F. Lovegall, Mỹ là đối tác quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế, tiếp nhận công nghệ mới và nền giáo dục tiên tiến, củng cố khả năng quốc phòng. Việt Nam và Mỹ có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc đối phó với những thách thức lớn như phát triển đô thị, bảo đảm an ninh mạng và tình trạng biến đổi khí hậu. Đổi lại, Mỹ tìm thấy ở Việt Nam nguồn cung cấp hàng hóa chất lượng và giá rẻ, cơ sở chế tạo nhân công thấp. Bên cạnh đó, Mỹ và Việt Nam đều có những lợi ích chung ở khu vực, bởi vậy hợp tác hai nước sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhìn lại chặng đường quan hệ thăng trầm giữa Việt Nam và Mỹ kể từ ngày 16-02-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ Harry S. Truman thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng hữu nghị và hợp tác hiện nay. Việc Tổng thống D. Trump chọn Việt Nam là một trong những điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên của ông tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên cương vị người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới, một lần nữa cho thấy, Mỹ hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, cũng như vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Chuyến thăm của Tổng thống D. Trump được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin, thiết lập những khuôn khổ hợp tác mới hiệu quả hơn, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát triển tốt đẹp, phù hợp với lợi ích của hai nước. Đồng thời, chuyến thăm cũng cho thấy, Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó coi trọng thúc đẩy quan hệ với Mỹ trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018  (10/11/2017)
Hội nghị APEC 2017: Nhiều cơ hội cho sự hợp tác và phát triển  (10/11/2017)
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ  (10/11/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp song phương các nhà lãnh đạo cấp cao các nước sang tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC  (10/11/2017)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2017  (10/11/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên