Tiếp tục các thông tin về Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
21:48, ngày 25-10-2017

TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 25-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra hai dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, đồng bộ với các Luật khác

Đa số các đại biểu tán thành với việc thông qua dự án Luật Quy hoạch tại Kỳ họp lần này để chuẩn bị cho Chiến lược quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Xuân (Cần Thơ) cho rằng, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của các Luật liên quan; hạn chế các nội dung giao Chính phủ quy định để tránh việc ban hành xong Luật vẫn phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khẳng định đây là một Luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay nhưng lần đầu tiên áp dụng phương pháp tích hợp tiên tiến. Vấn đề cốt lõi chính là kỹ thuật công nghệ, chuyên môn của hệ thống chuyên gia đến năng lực các thành viên hội đồng thẩm định, thẩm tra. Đặc biệt do tích hợp đa ngành nên cơ chế làm việc, hợp tác phản biện giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích địa phương trong quy hoạch vùng, ngành để lựa chọn hình thành phương án tối ưu trong khoảng thời gian không dài là thách thức lớn. Chỉ có tính độc lập, khách quan, đủ năng lực chuyên môn thực sự của các thành viên hội đồng mới không biến Luật này thành kết quả của phép cộng một loạt các quy hoạch tồn tại như hiện nay.

Đồng tình với ý kiến này, trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là lần đầu tiên khái niệm này được đưa ra, là xu thế từ tình hình thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước và bắt nguồn từ quan điểm không thể để các ngành tách rời nhau lập quy hoạch riêng, cần phải tích hợp lại để có sự thống nhất, tránh xung đột, mâu thuẫn, phát huy được tối đa lợi ích, lợi thế của các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Vì lần đầu tiên thực hiện phương pháp này nên chắc chắn có nhiều vấn đề thách thức trong quá trình triển khai, do đó cần đẩy mạnh ứng dụng của khoa học công nghệ, đặc biệt là các phần mềm để phương pháp thực hiện được đảm bảo thống nhất, công khai, minh bạch, độc lập trong thời gian nhanh nhất.

Khắc phục tình trạng chồng chéo, cục bộ, ''lợi ích nhóm''

Cho ý kiến về việc tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, thành lập Hội đồng và quyết định phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, đại biểu Tráng Thị Xuân (Sơn La) phân tích: Dự án Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh; đồng thời Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, không thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

Đại biểu cho rằng việc thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh nên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo đảm thống nhất giữa thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch với tỉnh, thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch của quốc gia, quy hoạch vùng, tránh trường hợp khi thực hiện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cả quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh phải thành lập tới 2 Hội đồng thẩm định, đó là Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng do Thủ tướng quyết định còn Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định.

Điều chỉnh hợp lý quy trình lập quy hoạch

Tán thành với quy trình lập quy hoạch, tuy nhiên đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ sự e ngại việc quy trình lập quy hoạch quốc gia, sau đó đến lập quy hoạch ngành quốc gia, lập quy hoạch vùng quốc gia, sau đó đến quy hoạch tỉnh... sẽ mất tổng thời gian là 5 năm. Như vậy thì khi lập quy hoạch cấp dưới, sau 5 năm, quy hoạch cấp trên đã đến kỳ điều chỉnh, sẽ gây khó khăn cho quy hoạch cấp dưới. Vì vậy cần có sự điều chỉnh quy hoạch theo phương thức tích hợp.

Giải thích thêm về nội dung điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp. Trong thực tiễn, nếu quy định quá cứng nhắc, không linh hoạt khi xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển sẽ gây cản trở hoặc làm chậm quá trình phát triển, tuy nhiên nếu quy định không chặt chẽ thì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện. Lập quy hoạch đã khó nhưng tổ chức giữ được quy hoạch, thực hiện quy hoạch còn khó hơn nên Ban Soạn thảo đã thiết kế để bảo đảm điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhu cầu nhưng cũng bảo đảm những nguyên tắc nhất định, không tùy tiện trong việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về nhiệm vụ lập quy hoạch; về chi phí cho hoạt động quy hoạch; thời kỳ quy hoạch...

** Buổi chiều, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra hai dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng.

Bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn

Trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động...

Xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm sự tương thích với các Hiệp định bảo vệ tin mật giữa Việt Nam và các nước; phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật mới chỉ điều chỉnh được các loại thông tin thuộc bí mật nhà nước tồn tại dưới các hình thức vật chất cụ thể, không bao hàm hết được các loại thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước tồn tại dưới các hình thức khác.

Cũng có ý kiến cho rằng để tách bạch giữa bí mật nhà nước với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khái niệm bí mật nhà nước cần quy định rõ thông tin do Nhà nước quản lý và giữ bí mật. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, khái niệm “bí mật nhà nước” có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để xác định các loại thông tin cần bảo vệ theo quy định của Luật này và các hình thức, biện pháp bảo vệ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, do vậy cần nghiên cứu xây dựng khái niệm “bí mật nhà nước” rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là bí mật nhà nước (trong đó bao gồm cả thông tin không do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo ra), làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước theo Luật này đạt hiệu quả cao.

Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, một số ý kiến tán thành quy định về thời hạn và việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật là thời hạn tối đa hay tối thiểu; số lần gia hạn và thời gian cụ thể cho từng lần gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; cách tính thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước sau khi được tăng độ mật hoặc giảm độ mật.

Có ý kiến cho rằng bí mật nhà nước độ Tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn (có thể là 50 hoặc đến 60 năm) hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.

Về giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu quả, không lãng phí. Ý kiến này cũng đề nghị việc tiêu hủy bí mật nhà nước cần có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ quyết định việc tiêu hủy bí mật nhà nước. Mặt khác, việc tiêu hủy bí mật nhà nước chỉ phù hợp với các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, không phù hợp với bí mật nhà nước là thông tin. Vì vậy, cần nghiên cứu thiết kế lại khoản 1 Điều 23 để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi, đồng thời tránh việc tiêu hủy tùy tiện.

Bảo vệ an ninh quốc gia

Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết, vừa để bảo vệ an ninh quốc gia, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới.

Xuất phát từ những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành và các yêu cầu, đòi hỏi đặt ra từ tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban này nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là tập trung điều chỉnh về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng nhằm tạo cơ sở pháp lý cần thiết, linh hoạt cho việc triển khai các hoạt động này trong thực tế.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật và hệ thống pháp luật, cần cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật các quy định về hoạt động tác chiến mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng cho phù hợp.

Cơ bản tán thành với dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng an ninh mạng là lĩnh vực mới nên cần phải quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để có căn cứ thực hiện. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Miễn nhiệm hai “Tư lệnh” ngành

Các đại biểu Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu và tiến hành bỏ phiếu kín phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ hai “Tư lệnh” ngành này.

Công bố kết quả kiểm phiếu, Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường cho biết, ông Trương Quang Nghĩa nhận được 465 phiếu đồng ý, chiếm 94,7% tổng số đại biểu Quốc hội; ông Phan Văn Sáu nhận được 463 phiếu đồng ý, chiếm 94,3% tổng số đại biểu Quốc hội.

Căn cứ vào Điều 27 Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu với 433 đại biểu tán thành, chiếm 88,19%.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa và Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu là những thành viên Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quốc hội mong rằng trên cương vị mới là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, hai ông Trương Quang Nghĩa và Phan Văn Sáu sẽ tiếp tục nỗ lực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tặng hoa hai thành viên Chính phủ vừa được miễn nhiệm.

Đề nghị bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Quốc hội đã thảo luận ở Đoàn về nội dung này. Dự kiến trong phiên họp sáng 26-10, Quốc hội sẽ nghe kết quả thảo luận tại Đoàn và tiến hành bỏ phiếu kín phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ./.