Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09 đến 15-10-2017)
TCCSĐT - Việc Mỹ và Israel rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức này mà còn tạo ra bất lợi cho chính Mỹ và Israel. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại trước quyết định trên.
Mỹ và Israel rút khỏi UNESCO
Trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp). Ảnh: Reuters
Ngày 12-10, Mỹ đã có một động thái bất ngờ khi đột ngột tuyên bố sẽ rút khỏi UNESCO và quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31-12-2017. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu rõ quyết định trên “phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel”. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò là quan sát viên để đóng góp quan điểm và chuyên môn cho UNESCO. Đây là lần thứ hai Mỹ rút khỏi UNESCO. Trước đó, Mỹ từng rút khỏi tổ chức này vào những năm 80 của thế kỷ XX, và chỉ trở lại tổ chức này vào năm 2003.
Không lâu sau tuyên bố trên của Mỹ, cũng trong ngày 12-10, Thủ tướng Israel B. Netanyahu đã tuyên bố nước này sẽ rút khỏi UNESCO.
Lý giải nguyên nhân rút khỏi UNESCO, đại diện của Mỹ tại UNESCO, ông C. Hegadorn, cho biết có hai nguyên nhân chính khiến Mỹ đưa ra quyết định này: “Một là, các khoản nợ quá hạn của UNESCO kể từ năm 2011 khi tổ chức công nhận Palestine là một nước thành viên. Hai là, sự chính trị hóa đã làm tổn hại công việc của UNESCO”. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, dù viện dẫn nhiều lý do, song sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO có lẽ chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel. Thời gian qua, Israel và chính quyền của Tổng thống Mỹ D. Trump đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng về các quyết định của UNESCO, mà mới đây nhất là việc xếp thành cổ Hebron ở khu bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine (tháng 10-2017). Để phản đối quyết định này, Israel đã ngừng hợp tác với UNESCO.
Ngay sau quyết định của Mỹ và Israel, đại diện một số cơ quan quốc tế cũng như nhiều nước đã có phản ứng. Tổng Giám đốc UNESCO I. Bokova đã bày tỏ “vô cùng đáng tiếc” về quyết định này của Mỹ, cho đây là tổn thất lớn đối với “đại gia đình Liên hợp quốc” và sự hợp tác giữa các quốc gia. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres cũng lấy làm tiếc trước quyết sách của Mỹ, song cam kết sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả với chính quyền Tổng thống D. Trump “trong một loạt vấn đề thông qua các tổ chức quốc tế”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga còn nêu rõ, Moscow chia sẻ quan ngại chung với nhiều nước về việc hoạt động của UNESCO đang có dấu hiệu bị chính trị hóa trong thời gian gần đây, đồng thời bày tỏ hy vọng giám đốc mới của cơ quan này sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, tạo điều kiện để các nước tiếp tục hợp tác có lợi trong các lĩnh vực thuộc phạm vi của UNESCO. Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình, khẳng định UNESCO thúc đẩy và tôn vinh các giá trị có ý nghĩa với nước Mỹ và sự tham gia của Mỹ trong tổ chức này là quan trọng. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh T. May cho biết, nước này vẫn sẽ tham gia UNESCO sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi cơ quan này.
Là một tổ chức của Liên hợp quốc có uy tín cao, hiện UNESCO đang tồn tại một thực tế, đó là xu thế đưa các vấn đề chính trị nhạy cảm vào chương trình nghị sự của UNESCO và các tổ chức trực thuộc ngày càng rõ hơn. Một số vấn đề như khủng bố, tình hình bán đảo Crimea, quan hệ giữa Israel và Palestine, các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... đang tiếp tục chi phối chương trình nghị sự của UNESCO. Đặc biệt, sự kiện ngày 31-10-2011, khi UNESCO kết nạp Palestine làm thành viên chính thức đã khiến cho những mâu thuẫn giữa các nước thành viên của tổ chức này tăng cao. Khi đó, để phản đối việc UNESCO công nhận Palestine là nhà nước độc lập, Mỹ, Israel và một số thành viên EU đã kiên quyết phản đối. Mỹ đã tuyên bố ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của UNESCO và thậm chí còn dọa rút khỏi tổ chức này. Trước đó, mỗi năm Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD cho UNESCO, tương đương 20% ngân sách của tổ chức này.
Các quốc gia hiện vẫn coi UNESCO là diễn đàn để tận dụng các ý tưởng, sáng kiến phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, đây cũng là nơi để tập hợp lực lượng và phát huy vai trò ảnh hưởng của các nước. Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ quyết định rút khỏi UNESCO lần này tuy gây khó khăn cho tổ chức này, song điều này cũng sẽ gây bất lợi cho Mỹ, bởi chính quyền Mỹ lâu nay vẫn coi UNESCO là một lợi ích chiến lược, là nơi truyền bá các giá trị tinh thần.
Catalunya: Bước đi rủi ro nếu tách khỏi Tây Ban Nha
Thủ hiến vùng Catalunya C. Puigdemont. Ảnh: express.co.uk
Thủ hiến vùng Catalunya đã tạm thời hoãn tuyên bố độc lập tách khỏi Tây Ban Nha để mở cửa đối thoại với chính quyền trung ương. Trước động thái này của chính quyền vùng Catalunya, các nhà phân tích cho rằng, nếu Catalunya tuyên bố độc lập, cái giá mà họ phải đánh đổi có lẽ không hề dễ chịu khi phải đối mặt với một tương lai bất định.
Phát biểu trước các nghị sĩ vùng Catalunya, ông C. Puigdemont nêu rõ: “Tôi gánh vác sự ủy nhiệm của người dân tại vùng là Catalunya trở thành một quốc gia cộng hòa độc lập”. Tuy nhiên, ông đã đề nghị với Nghị viện vùng “tạm hoãn việc tuyên bố độc lập nhằm bắt đầu tiến hành đàm phán trong các tuần tới”.
Catalunya nằm ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số Tây Ban Nha. Vùng này đóng góp tới 19% GDP của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài. Có thể nói, Catalunya là một khu vực giàu có nhất Tây Ban Nha. Chính điều này đã mang lại cho người dân Catalunya một sức ảnh hưởng trong việc đàm phán về quyền lực và một vị thế tự trị ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nếu kiên quyết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, khu vực tự trị Catalunya sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà hiện tại chưa thể có lời giải đáp.
Thứ nhất, nếu tuyên bố độc lập, vùng Catalunya sẽ phải đứng trước nguy cơ bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha đình chỉ quyền tự trị. Thủ tướng Tây Ban Nha M. Rajoy khẳng định sẽ “không loại trừ bất cứ khả năng nào”. Thứ hai, có một quy định rõ ràng rằng, nếu một phần lãnh thổ của một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đòi độc lập hoặc thực hiện tiến trình ly khai thì việc duy trì tư cách thành viên tại EU sẽ không thể được thực hiện. Giới chức EU đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng cầu ý dân ở Catalunya về việc tách khỏi Tây Ban Nha và nêu rõ Catalunya nếu ly khai không nghiễm nhiên được thừa nhận là thành viên của EU. Nếu Catalunya ly khai khỏi Tây Ban Nha, vùng này trên thực tế sẽ phải rời khỏi EU và nằm ngoài các hiệp ước của EU, không được hưởng các lợi ích chung và không được tiếp cận thị trường chung của khối. Khi đó, công dân mang hộ chiếu Catalunya sẽ không có quyền tự do đi lại theo hiệp ước Schengen giữa một số nước châu Âu. Hàng hóa và dịch vụ từ Catalunya cũng sẽ không được luân chuyển tự do trong khu vực. Thứ ba, nếu Catalunya trở thành một nhà nước độc lập, họ sẽ không thể tự động trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và như vậy sẽ phải đối mặt với các rào cản thương mại, gây khó khăn, tổn hại cho nền kinh tế. Hơn nữa, tình hình chia rẽ tại Tây Ban Nha cũng đã khiến nhiều ngân hàng, các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp tìm cách chuyển trụ sở ra khỏi Catalunya, đồng thời khiến lòng tin thị trường vào nền kinh tế Tây Ban Nha bị chao đảo. Do Tây Ban Nha là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nên nếu Catalunya tuyên bố độc lập, khu vực tự trị này sẽ bị loại khỏi Eurozone và khi đó GDP của Catalunya sẽ giảm khoảng 20%. Ngoài ra, do thuộc Eurozone nên Catalunya cũng thuộc sự bảo trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nếu độc lập, các doanh nghiệp ở đây sẽ không được hưởng lợi từ chương trình mua trái phiếu cứu trợ của ECB.
Trên thực tế, chính quyền vùng Catalunya đã bị gạt khỏi thị trường vay nợ quốc tế và buộc phải vay nợ thông qua chính quyền Madrid kể từ năm 2012. Do vậy, hiện tại, chính phủ Tây Ban Nha là chủ nợ lớn nhất của Catalunya. Nói cách khác, nếu ly khai khỏi Tây Ban Nha, đồng nghĩa với việc Catalunya sẽ phải đối mặt với gánh nặng nợ công, lên đến khoảng 134% GDP của vùng.
Mặc dù các lãnh đạo phong trào ly khai ở Catalunya đã lựa chọn một giải pháp trung gian, tức là không tuyên bố độc lập ngay lập tức nhưng cũng không từ bỏ ý định ly khai, tuy nhiên nếu vùng Catalunya kiên quyết đòi độc lập, cái được có thể sẽ là chủ nghĩa dân tộc, vùng miền được thỏa mãn, nhưng xét trên các mặt kinh tế - chính trị, rõ ràng đây là một bước đi nhiều rủi ro.
Leo thang căng thẳng ngoại giao Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan và Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: Reuteurs
Quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang trở nên căng thẳng khi chính phủ hai nước bất ngờ tuyên bố sẽ ngừng cấp thị thực nhập cư cho công dân Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này lại càng tăng thêm sự chia rẽ giữa hai thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Khủng hoảng bắt đầu khi Đại sứ quán Mỹ ở Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng mọi dịch vụ cấp thị thực không nhập cư tại tất cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 08-10. Thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara nêu rõ: “Những sự kiện gần đây đã buộc chính phủ Mỹ đánh giá lại cam kết của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của phái bộ và nhân viên ngoại giao Mỹ”. Ngay sau đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa ra tuyên bố sẽ áp dụng quyết định tương tự đối với thị thực trong hộ chiếu, thị thực điện tử, thị thực được cấp tại biên giới cũng như các loại thị thực được cấp tại các trụ sở ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ. Thông báo cũng nhấn mạnh quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ quyết định dừng cung cấp thị thực không nhập cư cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cho rằng, động thái trên của Mỹ buộc Ankara phải xem xét lại những cam kết về an ninh của Washington đối với các phái bộ và nhân viên ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ khẳng định bước đi trên nhằm giảm số lượng người tới Đại sứ quán và Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ để xin cấp thị thực.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo có mối quan hệ tương đối gần gũi với phương Tây. Được coi là vùng đệm giữa châu Âu và khu vực Trung Đông thường xuyên xảy ra xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi NATO đặt căn cứ không quân chiến lược Incirlik, hiện giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng của liên quân do Mỹ đứng đầu tại Syria. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã trở nên căng thẳng bắt nguồn từ việc các tay súng thuộc lực lượng YPG - nhánh vũ trang của đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua đã bày tỏ sự tức giận đối với Mỹ, khi Mỹ thể hiện rõ sự ủng hộ đối với các nhóm dân quân người Kurd ở Syria. Đây là đội quân nòng cốt nhất và là đồng minh chính của liên minh do Mỹ đứng đầu trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria nhưng lại có liên hệ chặt chẽ với đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức đã tiến hành chiến dịch quân sự chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền Nam và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Gần đây, hồi đầu tháng 5-2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục kịch liệt phản đối việc Mỹ trang bị vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria và đây chính là nguyên nhân thổi bùng những mâu thuẫn vốn đã âm ỉ lâu nay giữa hai nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, những mâu thuẫn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không mang lại lợi ích gì cho cả hai nước. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn coi trọng mối quan hệ với Mỹ. Căng thẳng với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ đẩy lùi những nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của nước này. Còn với Mỹ, sự căng thẳng với chính quyền Tổng thống T. Erdogan sẽ không có lợi cho cuộc chiến chống IS mà Mỹ và các đồng minh đang tiến hành tại Syria.
Nền kinh tế thế giới đang bước vào quá trình phục hồi
Ảnh minh họa. Ảnh: baoquocte.vn
Ngày 10-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 3,6% trong năm 2017 và 3,7% trong năm 2018. Đây là mức tăng không đáng kể so với dự đoán đưa ra 6 tháng trước, nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của năm 2016.
Thông báo trên được đưa ra trước khi diễn ra Hội nghị thường niên giữa IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và đại diện của 189 quốc gia trên thế giới. Theo bà C. Lagarde, Tổng Giám đốc IMF, nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ phục hồi, mở ra cơ hội cho các quốc gia triển khai các biện pháp cải cách nhằm gặt hái những thành quả phát triển sâu rộng và bền vững. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, gần 75% nền kinh tế trên thế giới bắt đầu quá trình phục hồi, chứng kiến một giai đoạn phát triển mới và bền vững, trong khi các hệ thống ngân hàng diễn biến ổn định hơn cùng với đó là lòng tin thị trường tiếp tục tăng. Đây là thời điểm mà các quốc gia phải nhanh chóng hành động, không để vuột mất thời cơ trong bối cảnh không ít những nguy cơ vẫn đang rình rập, trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng chậm, vấn đề bất bình đẳng ngày càng sâu sắc tại các nền kinh tế phát triển, ứng dụng đột phá công nghệ chưa hiệu quả và biến động chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới. Nếu không hành động kịp thời để lãng phí cơ hội thì hậu quả có thể là hàng loạt vấn đề như tăng trưởng yếu kém, thị trường lao động bị kìm hãm, tăng nguy cơ bất ổn xã hội và đẩy cả hệ thống tài chính vào nguy cơ khủng hoảng trong tương lai.
Bên cạnh đó, các nước cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng suất và nhu cầu thị trường, góp phần giảm thiểu tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm; đẩy mạnh tiếp cận các mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cũng như áp dụng các hình thức đánh thuế lũy tiến để giảm tình trạng bất bình đẳng. Theo các nghiên cứu của IMF, tình trạng bất bình đẳng gia tăng đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm lung lay nền tảng kinh tế của mỗi quốc gia. Vấn đề biến đổi khí hậu cũng nên được coi như một mối đe dọa toàn cầu mà các nhà hoạch định chính sách cần huy động mọi biện pháp để thúc đẩy các hành động ngăn chặn cụ thể.
Hiện kinh tế Mỹ tiếp tục có thêm các tín hiệu sáng sủa. Từ đầu năm 2017 đến nay, kinh tế Mỹ tạo thêm bình quân 176.000 việc làm/tháng. Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp bình quân trong bốn tuần qua đã giảm 9.500 đơn xuống 268.250 đơn. Chính vì vậy, viện dẫn niềm tin thị trường tăng mạnh, IMF cho rằng, tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 2,2% trong năm nay, tăng 0,1% so với dự báo đưa ra 3 tháng trước và năm 2018 đạt 2,3%.
Với Eurozone, IMF cho rằng, sự phục hồi mạnh hơn và Eurozone đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu cách đây gần một thập niên, bất chấp những tác động thất thường của việc Anh rời khỏi EU. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Eurozone từ 1,9% lên 2,1% trong năm 2017 và từ 1,7% lên 1,9% trong năm 2018. Kết quả này phản ánh sự gia tăng xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh nhờ chính sách lãi suất thấp của ECB. Mặc dù vậy, IMF cảnh báo lạm phát thấp, nợ công cao và dân số già hóa có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế này trong tương lai./.
Cầu truyền hình "Chung tay vì người nghèo" 2017 tại 2 điểm cầu  (16/10/2017)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 09 đến ngày 15-10-2017  (16/10/2017)
Hợp tác Quốc hội là nền tảng phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc  (15/10/2017)
Quốc hội hai nước Việt Nam-Hàn Quốc tăng cường giao lưu hợp tác  (15/10/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên