TCCSĐT - 63 năm trước, đúng vào ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng. Với những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Hà Nội không những đã khắc phục được hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh, khôi phục lại kinh tế -xã hội mà còn trở thành đầu tầu và là động lực phát triển của khu vực phía Bắc.

Mốc son lịch sử

Trong toàn bộ lịch sử phát triển của Thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử đánh dấu sự thắng lợi oanh liệt của nhân dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nhân dân Hà Nội và cả nước không có nguyện ước gì hơn là được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, đã câu kết và phối hợp với các thế lực phản động trong và ngoài nước chống phá nước ta. Trong tình thế muôn vàn khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi, cùng một lúc phải đương đầu với cả thù trong, giặc ngoài, cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo tài tình và khôn khéo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Hà Nội đã cùng với cả nước kiên cường đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, xây dựng lực lượng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu rất kiên cường và quả cảm, biến mỗi góc phố, mỗi căn nhà thành một pháo đài, mỗi người dân thành một chiến sỹ, bám trụ quần nhau với giặc. Nhiều đội cảm tử quân được thành lập, “Trung đoàn Thủ đô” ra đời. Hàng nghìn người con của Liên khu I đã anh dũng chiến đấu, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ Thủ đô, để kìm chân, làm tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện cho các lực lượng kháng chiến rút về căn cứ an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao.

Sau gần 9 năm ròng rã, sau trận đòn quyết định của ta tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn thương lượng và ký vào Hiệp định Genève (ngày 20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và chấp nhận phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam… chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam. Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Genève.

Đúng 16 giờ ngày 09-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên. Quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.

Sáng 10-10-1954, Ủy ban quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm sống dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui của người dân thủ đô, mà còn là một mốc son lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, các thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui và đưa tin về chiến thắng vang dội của chúng ta.

Quyết tâm “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”

Ngày 10-10-1954, trong niềm vui hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, mừng Hà Nội sạch bóng quân thù, Đảng bộ và nhân dân thành phố lại nhận được lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp khó khăn, nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 7, trang 361).

Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân hoàn thành thắng lợi việc tiếp quản Thủ đô, nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ hơn một tháng sau giải phóng, thành phố đã thông qua kế hoạch phục hồi công thương nghiệp và một năm sau đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ. Những năm sau đó, cả Hà Nội là một công trường lớn xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Không khí hòa bình xây dựng rất nhộn nhịp, sôi động. Bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày.

Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân.

Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục và tăng khá cao. Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng bình quân qua các giai đoạn là: 4,48% (1986 - 1990); 12,52% (1991 - 1995); 10,72% (1996 - 2000); 11,25% (2001 - 2005); 10,73% (2006 - 2010); 9,23% (2011 - 2015) và 8,2% năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm.

Song song với phát triển kinh tế, thành phố cũng chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2016 giảm còn 2,7% (theo chuẩn nghèo đa chiều); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 80,1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 56,93%... Giá cả thị trường, lạm phát được kiểm soát.

Cùng với đó, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế Thủ đô tiếp tục phát triển. Quy trình, quy chuẩn quản lý đô thị theo hướng hiện đại, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến, hình thành tuyến phố kiểu mẫu.... Năm 2016, thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách như: thông xe đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy; nút trung tâm quận Long Biên; cơ bản hoàn thành Cầu vượt nút Bắc Hồng; thông xe tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; phối hợp đẩy nhanh tiến độ các công trình đường sắt đô thị trên địa bàn...

Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai tích cực, năm 2016 có thêm 56 xã và 1 huyện đạt chuẩn cùng 2 huyện đang trình để được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hòa bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình.

Chia sẻ những hoài niệm đẹp

Sáng 10-10-2017, cơn mưa lớn của áp thấp nhiệt đới đổ xuống Hà Nội. Những dòng nước hối hả xiên ngang qua những tòa cao ốc, qua từng cây cầu trọng yếu kết nối giao thông của Thủ đô, để rơi vào dòng người và xe đang tất bật trong guồng quay cuộc sống. Nhìn nơi đất chật, người đông đang dần định hình một thành phố hiện đại, hội nhập và phát triển này, khó có thể hình dung ngày này của 63 năm trước, lại là một đô thị nghèo nàn, lạc hậu…

Trong trí nhớ của Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp, nguyên cán bộ Quân chủng Phòng không không quân - Bộ Quốc phòng, Hà Nội ở thời điểm trước và sau khi ngày Giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954, phần nhiều là nhà tranh vách đất, chỉ một số tuyến phố chính có đường nhựa. Các ngõ phố, đường làng hầu hết là đường đất, đường sỏi lầy lội khi trời mưa và bụi mù khi trời nắng. Các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Tây Hồ và nhiều quận khác còn mang dáng dấp đặc trưng của vùng thuần nông. Thành phố lúc đó cũng vắng vẻ, người đi lại ít.

Vào ngày trọng đại đó, Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp là một anh lính 16 tuổi, người Hà Nội, nhỏ tuổi nhất Trung đoàn 88 của Đại đoàn quân Tiên phong 308, vào tiếp quản Thủ đô. Khi từ hướng Hà Đông tiến vào, những chiến sỹ quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên” cài trên ngực áo gặp người dân từ các phố Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang, ai cũng tay cờ, tay hoa nồng nhiệt đón chào. Nhiều người đã bật khóc vì vui mừng, phấn khởi, tự hào.

“Bây giờ Thủ đô đã phát triển mạnh hơn rất nhiều rồi. Hơn sáu chục năm là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, nhưng chỉ với từng ấy thời gian, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm và đã có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có”, ông Diệp nói.

Có thể thấy, 63 năm sau giải phóng, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước./.