Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp khai giảng năm học 2017 - 2018
TCCSĐT - Ngày 14-9, tại Vĩnh Phúc, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp đã tổ chức khai giảng năm học 2017 - 2018.
Những năm qua, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp đã có nhiều đổi mới về chương trình đào tạo theo hướng giảm tỷ lệ khối kiến thức đại cương, tăng tỷ lệ kiến thức chuyên ngành. Năm học 2016 - 2017, Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, với phương châm “Lấy người học làm trung tâm, lấy kết quả đào tạo, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của học viên sau khi ra trường là khâu then chốt”. Trong năm học kết quả đào tạo các đối tượng học viên đã có sự chuyển biến rõ rệt trên tất cả các tiêu chí so với năm học 2015 - 2016, cụ thể là: Kết quả đào tạo các đối tượng xếp loại giỏi chiếm 6,9%, loại khá chiếm 78,13%, đạt chiếm 14,97%; học viên sĩ quan phân đội, trình độ đại học thực tập cuối khóa xếp loại giỏi chiếm 81,1%, loại khá chiếm 18,9%; kết quả tốt nghiệp, loại giỏi chiếm 7,6%, loại khá chiếm 74,56%, loại trung bình khá chiếm 16,7%, loại trung bình chiếm 1,14%; 100% học viên tốt nghiệp ra trường yên tâm nhận nhiệm vụ, năng lực quản lý, chỉ huy và trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài có trong biên chế được nâng lên một bước.
Năm học 2017 - 2018, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp tiếp tục phát huy truyền thống “Đoàn kết, tự lực, sáng tạo, chủ động vượt khó, dạy tốt, học tốt, chính quy mẫu mực” trong giáo dục - đào tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Nhà trường tập trung triển khai một số biện pháp chính như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; chỉ thị, hướng dẫn của các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp về nhiệm vụ công tác Nhà trường quân đội năm học 2017 - 2018; phát huy nội lực và tính chủ động, sáng tạo. Tập trung nâng cao chất lượng chính trị, chất lượng giáo dục - đào tạo. Quán triệt, triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục - đào tạo trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội. Thực hiện điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo Chỉ thị số 01/CT-BQP, Chỉ thị số 86/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và kế hoạch của Cục Nhà trường (Bộ Tổng tham mưu) tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, xác định rõ trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, tập trung tạo chuyển biến về chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hiện nay, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp có gần 50% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ sau đại học; 100% giảng viên được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Đây chính là yếu tố cơ bản để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đào tạo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Để thực hiện tốt kế hoạch kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo đến năm 2020, Nhà trường tập trung bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý nâng cao trình độ, kỹ năng và phương pháp sư phạm. Trước hết, tạo sự chuyển biến toàn diện về phương pháp dạy học tích cực; triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ mô phỏng vào quản lý, chỉ huy, điều hành và giảng dạy; chú trọng nghiên cứu xây dựng và phát triển các phần mềm chuyên dụng phục vụ dạy và học các nội dung thực hành về kỹ thuật, chiến thuật Tăng thiết giáp; đồng thời tích cực đề nghị cấp trên cử giảng viên, cán bộ quản lý đi đào tạo tại các học viện, trường trong và ngoài Quân đội và đi thực tế ở các đơn vị Tăng thiết giáp, cũng như bổ sung những cán bộ đã qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị về Trường làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục nhằm tạo nguồn cho Nhà trường. Nâng cao hơn nữa, chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong từng giai đoạn, đồng thời từng bước “chuẩn hóa” tiêu chuẩn và quy trình tạo nguồn giảng viên, bảo đảm đủ trình độ, năng lực, trẻ hóa và có kế cận.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; phương pháp dạy học nâng cao chất lượng dạy và học. Đổi mới phương pháp dạy - học phù hợp với từng môn học và đối tượng học viên trong Nhà trường, lấy người học là trung tâm: Tích cực vận dụng sáng tạo phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo bồi dưỡng năng lực tư duy và rèn luyện kỹ năng thực hành cho học viên. Cụ thể là: Triển khai các đề tài thực nghiệm, nâng cao khả năng tư duy tương tác giữa giáo viên với học viên trong từng bài giảng, nội dung trong huấn luyện thực hành. Làm tốt quá trình hướng dẫn học viên, tự học, tự nghiên cứu, đi đôi với các hoạt động phối hợp giữa giảng dạy và quản lý rèn luyện học viên, tăng cường các biện pháp kiểm tra ở mọi cấp, đánh giá đúng thực chất năng lực của học viên thông qua các bài tập lớn, các báo cáo thí nghiệm, báo cáo thực tập, đề án bộ môn, tiểu luận, khóa luận, đề tài theo các chuyên ngành đào tạo, các câu lạc bộ chuyên đề, các diễn đàn để trao đổi, thảo luận.
Bốn là, nâng cao chất lượng hiệu quả nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình tài liệu, bảo đảm vật chất và đầu tư trang thiết bị dạy học. Chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học là cơ sở, nền tảng để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy; do đó, cần chú trọng giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức để có cách nhìn tổng quan, đúng đắn về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho mọi cán bộ, giảng viên, học viên. Thông qua nghiên cứu khoa học, giảng viên có thể giúp cho người học cách nghĩ, cách làm, tức là phương pháp, kỹ năng và kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời nhằm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên góp phần đào tạo những cán bộ, giảng viên xuất sắc, đạt tiêu chí vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, vừa có kỹ năng, trình độ làm chủ khoa học - công nghệ và trang bị, khí tài Tăng thiết giáp hiện đại. Do vậy, công tác nghiên cứu khoa học cần được xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai đồng bộ ở các cấp, lấy kết quả nghiên cứu khoa học là tiêu chí để xét chọn giảng viên giỏi, danh hiệu chiến sĩ thi đua hằng năm; đồng thời lãnh đạo chỉ huy các cấp cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học.
Năm là, phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị trong giáo dục, đào tạo. Đây là biện pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Chính vì vậy, trước hết cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng; vai trò chỉ đạo của chỉ huy, cán bộ chủ trì các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là giáo dục - đào tạo. Nắm chắc đối tượng huấn luyện và tình hình thực tiễn của hoạt động huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị Tăng thiết giáp để xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống kế hoạch huấn luyện, đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung nội dung mới theo chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên. Tích cực đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện đào tạo bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, chính xác./.
Tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2009  (15/09/2017)
Tuyên Quang trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947)  (15/09/2017)
Kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc  (15/09/2017)
Thị trường ASEAN: Cơ hội rộng mở đối với Hà Lan và Liên minh châu Âu  (15/09/2017)
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ  (15/09/2017)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên