EU sẽ trả đũa Mỹ theo kịch bản nào?

Huy Quang
22:57, ngày 16-08-2017
TCCSĐT - Ngay sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua Dự luật tăng cường trừng phạt chống Nga, Iran và Triều Tiên, đồng thời hạn chế khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Donald Trump, Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng mãnh liệt và cho rằng Mỹ đã không coi trọng lợi ích của đồng minh châu Âu, và rằng EU sẽ trả đũa lại Mỹ.
Từ lợi ích kinh tế…

Theo giới quan sát, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump luôn giơ cao khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” quan hệ Mỹ - EU đã có những đối đầu trên các lĩnh vực, tự do thương mại, biến đổi khí hậu và ngân sách NATO… “Lần này, Dự luật của Quốc hội Mỹ lại trực tiếp đe dọa lợi ích của các công ty EU từ lĩnh vực năng lượng nhằm giành lại thị phần cho các công ty Mỹ.

Trong khi Mỹ còn muốn thay thế Gazprom cung cấp cho EU nguồn khí đốt sản xuất từ đá phiến, thì EU lại muốn có một chính sách năng lượng độc lập. Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel từng tuyên bố rằng: “chuyện cung cấp năng lượng cho EU là việc của châu Âu, không phải việc của Mỹ”.

Nguồn cung năng lượng của Nga có ưu thế là giá cả thấp, Nga có trữ lượng khí gas cao nhất thế giới và là nhà cung cấp chiến lược ổn định lâu dài đối với châu Âu, luôn đáp ứng nhu cầu của châu Âu tới 30%. Giới chức Đức cho rằng, dự luật rõ ràng đã “ưu tiên” cho xuất khẩu năng lượng từ Mỹ, “tạo việc làm cho Mỹ”, “tăng cường chính sách ngoại giao” của Mỹ… và đặt lợi ích kinh tế Mỹ lên trên lợi ích kinh tế của đồng minh.

Theo giới phân tích, dự luật còn làm cho các công ty Mỹ cũng khó bề làm ăn với các doanh nghiệp Nga. Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitri Peskov đã gọi dự luật này là “cực kỳ tiêu cực”.

Đến “gây hại” đồng minh…

Trong tuyên bố của mình Chủ tịch EC Jean Claude Juncker quan ngại quyết định của Mỹ ảnh hưởng đến “Dòng chảy phương Bắc 2”. Đây là một dự án đặc biệt quan trọng đối với cả EU và Nga. Dự án có tổng vốn lên tới 9,5 tỷ euro, do Gazprom và EU (Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Áo) góp vốn với tỷ lệ là 50/50.

Theo kế hoạch, đến năm 2019 dự án này sẽ hoàn thành và cung cấp 55 tỷ m3 khí hằng năm cho EU, bảo đảm 50% nhu cầu của Đức. Ngoài ra một số dự án năng lượng khác liên quan đến Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng, như dự án đường ống dẫn khí “Hành lang phía Nam” từ biển Caspian đến châu Âu.

Phía châu Âu lập tức lên tiếng phản đối việc mở rộng lệnh trừng phạt lần này của Mỹ liên quan tới các vấn đề của riêng Washington với Moscow chứ không phải vấn đề quốc tế như các lệnh trừng phạt trước đây mà phía Mỹ lại không tham khảo ý kiến của đồng minh EU.

Tờ Bild am Sonntag của Đức dẫn lời người phát ngôn Hội đồng châu Âu (EC) cảnh báo, các biện pháp chống Nga/Iran, Triều Tiên của Mỹ có thể gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ với các nước G7 mà còn với lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế của EU, nhất là đối với nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Giới quan sát cho rằng, sự trục trặc trong quan hệ Đức - Mỹ vốn đã xuất hiện kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Khi đó bà Angela Merkel đã không ngại ngần công khai chỉ trích Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump công kích Đức về chính sách quốc phòng, thương mại và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Mỹ còn ra mặt thể hiện sự nghi ngờ Berlin câu kết chặt chẽ với Moscow.

Chủ tịch EC Jean Claude Juncker ngày 24-7 đã kêu gọi EU nhanh chóng thảo luận về vấn đề này. Theo đó, EC nhấn mạnh Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU” trong bối cảnh EU có thể lâm vào tái khủng hoảng. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Và kịch bản “trả đũa”…

Theo giới quan sát, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ trừng phạt các công ty Đức đang tham gia xây dựng đường ống dẫn khí đốt với Nga. Nếu các phản đối từ phía châu Âu không có hiệu lực, EU có thể sử dụng các biện pháp tự vệ và đáp trả đối với Mỹ. Theo đó, một số kịch bản được dự báo như:

Một là,
EU sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump, theo đó Washington tuyên bố rằng, các quyết định này từ phía Mỹ sẽ không được sử dụng để chống lại các công ty EU. Đây là điều đã có tiền lệ từ thời cựu Tổng thống Barack Obama năm 2014.

Hai là,
EU có thể sử dụng “cơ chế phong tỏa”, theo điều 2271/96 trong Luật của EC về việc bảo vệ lợi ích của châu Âu trước quyết định pháp lý do một nước thứ 3 đưa ra mà lại áp dụng bên ngoài lãnh thổ nước này. Theo đó, châu Âu có thể không thực thi các quyết định từ phía Mỹ.

Ba là, EU có thể viện đến cơ chế của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để tổ chức này ra phán quyết hoặc cho phép EU áp dụng các biện pháp trả đũa tương xứng theo định chế của WTO.

Như vậy, việc Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên lần này làm nảy sinh “cuộc chiến” pháp lý có liên quan đến lợi ích kinh tế của Mỹ và đồng minh EU, và có thể cả hai nhánh lập pháp và hành pháp của Washington cũng nảy sinh mâu thuẫn. Vì thế, dư luận đang tìm xem kịch bản nào mà EU sẽ lựa chọn để trả đũa Mỹ./.