Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc
Không chỉ là người khởi xướng, tổ chức, phát động và là tấm gương mẫu mực trong phong trào Thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà lý luận uyên bác về Thi đua ái quốc. Quá trình lãnh đạo cách mạng, cũng như lãnh đạo phong trào Thi đua ái quốc của toàn dân tộc, Người đã để lại cho nhân dân ta tư tưởng về Thi đua ái quốc vô cùng quý giá. Điểm nổi bật trong tư tưởng này là quan niệm đúng đắn của Người về Thi đua ái quốc.
Kế thừa tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin về thi đua xã hội chủ nghĩa, song Hồ Chí Minh sớm nhận thấy tư tưởng đó mới chỉ đề cập đến thi đua trên lĩnh vực sản xuất vật chất, kinh tế khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền. Trong hoàn cảnh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước ta, Người đã có sự bổ sung, phát triển sáng tạo nguyên lý đó bằng quan niệm mới - Thi đua ái quốc. Trên những quan điểm, góc độ khác nhau, Người đã có những quan niệm hết sức đa dạng và phong phú về Thi đua ái quốc.
Thứ nhất, nhận thấy mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa vận mệnh quốc gia, dân tộc với thi đua, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”(1).
Lo lắng cho vận mệnh quốc gia, dân tộc trước cuộc chiến tranh xâm lược một lần nữa của thực dân Pháp, và để chuẩn bị cho cuộc vận động Thi đua ái quốc, nhân dịp cảm tạ đồng bào chúc thọ mình (1948), Hồ Chí Minh đã bày tỏ chính kiến trước quốc dân, đồng bào: “đường chúng ta còn dài, gánh chúng ta còn nặng, chúng ta cần và phải phát triển và nâng cao cái truyền thống oanh liệt, cái lực lượng đoàn kết, và cái chí khí kiên cường ấy lên nữa, nâng cao lên mãi. Nâng cao bằng cách gì? Bằng cách thi đua ái quốc. Cuộc thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong cuộc kháng chiến và kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công. Vì vậy… mọi người đều phải đưa chí sáng suốt, lực lượng và tài năng của mình vào đó, để phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc”(2).
Năm 1952, khi cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn tổng phản công, Hồ Chí Minh đặt vấn đề: “Lòng yêu nước, ghét địch đó, dân ta sẵn có… Làm thế nào cho mỗi người dân luôn luôn tự hỏi: Tôi phải làm gì để thực hiện lòng yêu nước, ghét địch? Lúc đó mới là lúc tư tưởng yêu nước thấm nhuần cả mọi người, và mọi người muốn hành động một cách thực tế”. Tiếp đó Người suy luận: “Yêu nước thì phải thi đua. Tư tưởng yêu nước phải tỏ ra trong công việc thực tế, trong Thi đua ái quốc”(3). Tại Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, Người giải thích: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”; thi đua sẽ bồi dưỡng tinh thần yêu nước của dân tộc…
Trên cơ sở luận đề, phân tích và giải thích đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Với lòng nồng nàn yêu nước và lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta, cuộc thi đua ái quốc nhất định sẽ thành công”; và đi đến một nhận định hết sức sáng tạo: “Thi đua lấy tinh thần yêu nước làm gốc”(4) .
Không chỉ đưa ra những quan niệm hết sức ngắn gọn, và trình bày súc tích, làm cho mọi người hiểu rõ thi đua phải luôn gắn liền với yêu nước, trên cơ sở tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải ra sức thi đua, Hồ Chí Minh còn luôn xác định thái độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc gắn kết chặt chẽ giữa trách nhiệm thi đua với tinh thần yêu nước. Người xác định: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước”(5) . “Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”; “Nhiệm vụ của chiến sĩ thi đua… phải gắn liền tinh thần thi đua với tinh thần yêu nước”...
Quá trình hình thành nên tư tưởng Thi đua ái quốc đã cho thấy, từ lúc bày tỏ chính kiến, đặt vấn đề, khởi xướng, luận đề hay phân tích, giải thích và cuối cùng đi đến nhận định về Thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh, thì yêu nước với thi đua luôn là hai thành tố thống nhất chặt chẽ trong quan niệm Thi đua ái quốc của Người. Hồ Chí Minh chính là người Việt Nam đầu tiên nêu lên và gắn kết một cách tài tình giữa yêu nước với thi đua, chỉ ra mối quan hệ bản chất giữa hai thành tố này: Yêu nước - một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta với thi đua - một động lực khơi nguồn, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, đưa kháng chiến đến thắng lợi, đẩy kiến quốc đến thành công.
Không chỉ luận giải, đưa ra quan niệm Thi đua là yêu nước mà Hồ Chí Minh còn ra sức hiện thực hoá nó trong thực tiễn, tạo dựng được một phong trào Thi đua ái quốc trong muôn triệu trái tim và trong cuộc sống chiến đấu, xây dựng, lao động và kiến thiết đất nước của con người Việt Nam, tạo cơ hội cho toàn dân thể hiện lòng yêu nước của mình đối với Tổ quốc thân yêu trong mọi giai đoạn phát triển của dân tộc.
Thứ hai, trên quan điểm xác định mục tiêu chính trị của Thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh định nghĩa, “Thi đua ái quốc là một phong trào để hoàn toàn thực hiện cái khẩu hiệu: “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”(6) .
Là một chiến sĩ cách mạng, Người luôn luôn kiên định và thể hiện rõ lập trường, mục đích, quan điểm chính trị của mình, cũng như thường xuyên xác định cho toàn dân mục tiêu, ý nghĩa chính trị to lớn của thi đua yêu nước. Người nói: “Mục đích của thi đua ái quốc là: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt ngoại xâm”. Chính vì thường xuyên quan niệm, cũng như đưa mục tiêu chính trị của thi đua ái quốc lên hàng đầu, nên trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Hồ Chí Minh luôn luôn có ý thức quán triệt cho toàn dân, toàn quân hiểu rõ mục tiêu chính trị ấy. Tại Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai (7-1958), Người nói rõ: “Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nhà nước, mới có phong trào thi đua”. Người giải thích: “Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến không thể có phong trào thi đua yêu nước, vì giai cấp lao động không dại gì mà ra sức thi đua làm giàu thêm cho bọn chủ để rồi lại bị chúng áp bức bóc lột thêm”. Người nêu rõ: “Đặc điểm của Thi đua ái quốc là: Đưa tất cả tinh thần và lực lượng của quân và dân Việt Nam để thực hiện ba mục đích: - Diệt giặc đói, - Diệt giặc dốt, - Diệt giặc ngoại xâm”(7) .
Tuy mục tiêu chính trị luôn được xác định trước tiên và đề cao trong quan niệm Thi đua ái quốc, nhưng Hồ Chí Minh không cao siêu hoá, chính trị hoá nó, trái lại luôn có ý thức dân tộc hoá, dân gian hoá, làm cho các mục tiêu đó luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống dân sinh, dân trí của quân và dân ta trong cuộc trường kỳ “châu chấu đá voi” đó. Người giải thích, thi đua “Nó là thế này: Bất kỳ hạng người nào, bất kỳ nghề nghiệp gì, ai cũng thi đua nhau làm cho mau, làm cho tốt, làm cho đẹp, làm cho nhiều”(8) ; “Thi đua là phải làm cho tốt… Phải làm nhanh và phải làm rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu”… Tóm lại, Người giải thích hết sức đơn giản và ngắn gọn là: “Phải làm cho mọi người hiểu thi đua là là ích nước lợi nhà”(9) …
Với quan niệm như vậy, nên Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mọi cấp, mọi ngành, mọi người: “Thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, đơn giản”; “Lời thách thức thi đua phải thiết thực, chớ lông bông. Đã thách thức thì phải làm cho kỳ được, hoặc vượt qua mức thách thức càng tốt”. Đó là quan niệm đúng đắn, là mục đích chính trị thực tiễn của Thi đua ái quốc, nó giúp cho chúng ta hiểu khi phát động, tổ chức và tham gia phong trào thi đua việc đầu tiên là phải nhận thức rõ, hiểu đúng ý nghĩa chính trị và thực tiễn sâu sắc của thi đua và phong trào thi đua là gì, để làm gì, nhằm mục đích gì?
Thứ ba, trên quan điểm nhân văn của Thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh quan niệm “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”(10) .
Tuy đưa mục tiêu chính trị lên hàng đầu, nhằm xác định động cơ, thái độ chính trị, đả thông tư tưởng cho mọi mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà, mọi người khi tổ chức và tham gia thi đua, nhưng Hồ Chí Minh cũng không quên mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là vì sự tiến bộ của con người. Chính vì vậy, trong tư duy, quan niệm của Người khi tổ chức và phát động thi đua là phải luôn tìm cách giáo dục, động viên, nâng đỡ, khích lệ những mặt tốt, việc tốt và con người tốt, luôn biểu dương, khen thưởng và ghi nhận những thành tích, thành quả mà nhân dân, bộ đội ta đạt được trong kháng chiến, kiến quốc. Trong Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gưỡng mẫu (5-1952), Người khẳng định: “Thi đua cải tạo con người: Lao động sáng tạo ra xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”(11)
Giải nghĩa quan niệm trên, Người còn nói rõ, càng hăng hái thi đua thì người chiến sĩ càng ra sức tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật của mình. Do thi đua mà lao động trí óc gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi những người lao động chân tay, và trở nên những người trí thức hoàn toàn. Thế là phong trào thi đua đã làm cho công nông binh trí thức hoá, và trí thức thì lao động hoá… Từ việc phân tích, giải thích đó Hồ Chí Minh đi đến nhận định: “Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung thành của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”(12) .
Ngăn ngừa những biểu hiện sai lầm và hướng con người tới những mục đích chính trị, xã hội tốt đẹp trong phong trào thi đua cũng chính là một phần trong quan niệm nhân văn về Thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh. Năm 1949, do còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng về Thi đua ái quốc, đã phạm phải khuyết điểm, sai lầm, nên khi kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công, Người đã nhắc nhở: “Tưởng lầm rằng phong trào thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua… Tưởng lầm rằng thi đua chỉ là nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”. Người còn lưu ý: “Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau. Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mọi người dân hiểu rõ ràng… Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”(13) . Từ đó, Người đi đến kết luận: “Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề”, mà là “người đi trước hiểu biết, dẫn dắt người đi sau”; “Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”...
Bên cạnh những quan niệm nổi bật trên đây, tuỳ theo cách nhìn nhận, góc độ tiếp cận, và trong mỗi hoàn cảnh cụ thể mà Hồ Chí Minh có những quan niệm hết sức sáng tạo, mạnh dạn về Thi đua ái quốc. Ví như: “thi đua là gây cơ sở, phá kỷ lục”; “Thi đua là đoàn kết”; “Thi đua là tinh thần quốc tế”; “Thi đua là góp sức gìn giữ hoà bình và dân chủ thế giới”…
Trên cơ sở nghiên cứu khách quan, toàn diện, lịch sử và cụ thể, có thể hiểu một cách khái quát nhất rằng: Hồ Chí Minh quan niệm Thi đua ái quốc là thi đua yêu nước, lấy tinh thần yêu nước làm gốc, đoàn kết, động viên, khích lệ toàn dân, toàn quân ta mau tiến bộ, phát huy hết tài năng, sáng kiến của mình vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, thực hiện dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Quán triệt, nắm vững, cũng như thực hiện đúng tinh thần cơ bản về quan niệm Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trách nhiệm chính trị của mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân Việt Nam, góp phần thiết thực hiện vào “phong trào toàn dân thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hoá” mà Đảng, Nhà nước ta đang phát động, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và tiến mạnh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Quốc hội thảo luận về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội  (19/05/2008)
Mãi mãi trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh  (19/05/2008)
Hội thảo về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ Đảng  (19/05/2008)
Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam tổ chức Hội thi báo cáo viên giỏi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (19/05/2008)
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc  (19/05/2008)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên