TCCSĐT - Ngày 13-6-2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đồng tổ chức Hội thảo “Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo”.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quốc tế về tái định hình vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế và tăng cường thể chế hướng tới một nhà nước kiến tạo nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia của Việt Nam, các nhà tham mưu và hoạch định chính sách, các chuyên gia quốc tế đến từ các nước và các tổ chức quốc tế, như Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Ba Lan, Ngân hàng Thế giới (WB).

Hội thảo gồm bốn phiên toàn thể. Phiên thứ nhất được thực hiện dưới hình thức thảo luận bàn tròn bàn về bối cảnh; nêu lên những thách thức chính trong lộ trình cải cách thể chế của Việt Nam hướng tới một Nhà nước kiến tạo. Các phiên tiếp theo trình bày những thí dụ thực tiễn về cải cách hành chính và quản trị nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, phương thức can thiệp, điều hành của nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác hiệu quả giữa thị trường và xã hội, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân; phát huy công nghệ số trong quan hệ giữa nhà nước và người dân…

Theo các chuyên gia, cũng giống như nhiều nước đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, Việt Nam hiện phải đối diện với những vấn đề, như vai trò của Nhà nước cần thực hiện như thế nào để thị trường vận hành thông thoáng, tạo ra nhiều của cải vật chất, nền kinh tế phát triển bền vững hơn; bảo đảm sự cân bằng giữa khu vực công và tư để cung cấp dịch vụ hiệu quả; thiết lập những cơ chế để tạo ra sự tương tác hiệu quả hơn trong bộ máy nhà nước và mối quan hệ lành mạnh giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, việc xây dựng chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ không đơn giản. Sự chuyển đổi này đòi hỏi cần làm rõ phương thức can thiệp, điều hành của chính phủ.

Nhà nước kiến tạo là ở đó chính phủ chủ động tham dự vào kế hoạch hóa cả ở tầm vĩ mô và vi mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục với tốc độ nhanh…

Đặc điểm của nhà nước kiến tạo là mặc dù nhà nước can thiệp nhưng tạo môi trường kinh doanh là thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.

Đặc trưng của nhà nước kiến tạo là có chính sách phát triển dài hạn, chính phủ độc lập và có cơ quan quyền lực đủ mạnh để theo đuổi các mục tiêu phát triển dài hạn; ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn các cải cách chính trị; nhấn mạnh đến giáo dục kỹ thuật và kỹ năng tính toán, máy tính.

Chính sách đặc trưng của nhà nước kiến tạo là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ kinh doanh; các nhà lãnh đạo sẵn sàng đương đầu với các công ty đa quốc gia để bảo vệ cơ hội và lợi ích của người dân trong nước; yêu cầu các công ty này tôn trọng lợi ích của người dân địa phương v.v…

Hiện nay, Việt Nam đã có một số yếu tố của nhà nước kiến tạo, đó là nhấn mạnh và ưu tiên mục tiêu tăng trưởng và phát triển; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại; có chính sách ưu tiên đầu tư và định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khác biệt, như tuy ưu tiên cho giáo dục đào tạo, nhưng trọng tâm chưa phải là giáo dục kỹ thuật và tin học; chính sách phát triển và chuyển giao công nghệ còn nhiều điểm chưa rõ ràng và thiếu mạnh mẽ; doanh nghiệp tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng của mình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao trình độ phát triển của công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Những ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng như các ví dụ thực tiễn từ các quốc gia khác là những kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo trong việc định hướng và lựa chọn lộ trình chuyển đổi, hỗ trợ các hành động hướng tới khát vọng được nêu trong báo cáo “Việt Nam 2035”. /.

Trong Báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam nằm trong top 10 nước có trách nhiệm giải trình của nhà nước thấp nhất. Xếp hạng quản trị nhà nước của Việt Nam thấp so với mức thu nhập. Trước thực trạng đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đề xuất một số giải pháp, như tăng cường năng lực của Nhà nước; bảo đảm nguyên tắc thị trường trong các quyết định của Nhà nước. Từ đó, làm rõ vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường.