Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman và Phu nhân sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 06 đến 08-6.

Việt Nam và Cộng hòa Séc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 02-02-1950. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Cộng hòa Séc luôn thực hiện chính sách phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Quan hệ thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Tính đến nay, Cộng hòa Séc có 35 dự án đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 91,3 triệu USD, tập trung vào các các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng...

Năm 2012, Cộng hòa Séc công bố Chiến lược xuất khẩu quốc gia 2012 - 2020, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách 12 thị trường ưu tiên. Cộng hòa Séc thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Đông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho Việt Nam, tới nay khoảng 18 triệu USD.

Hiện có hơn 60.000 người Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Séc. Ngày 03-7-2013, Chính phủ Cộng hòa Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc.

Sáng 07-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì Lễ đón trọng thể Tổng thống Milos Zeman và Phu nhân.

Tham dự Lễ đón, về phía Việt Nam có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Về phía Cộng hòa Séc có các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Sau Lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Milos Zeman.

Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Milos Zeman đã chứng kiến Lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai nước, đó là Hiệp định về chuyển giao người bị kết án, phạt tù; Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Milos Zeman đã có cuộc gặp gỡ với báo chí, thông báo về kết quả cuộc hội đàm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, về chính trị-đối ngoại, Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; thường xuyên tham vấn về các vấn đề cùng quan tâm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là tại Liên hợp quốc, ASEAN - EU và trong khuôn khổ ASEM.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị Tổng thống Milos Zeman ủng hộ và tích cực thúc đẩy EU sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Về thương mại-đầu tư và những lĩnh vực hợp tác khác, hai nhà Lãnh đạo thống nhất cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, phối hợp chuẩn bị tốt nội dung Khóa họp lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Séc về hợp tác kinh tế, dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào năm 2018.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết lãnh đạo hai nước hoan nghênh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam trên các những lĩnh vực Séc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như: năng lượng, môi trường, công nghiệp hỗ trợ, kết cấu hạ tầng, chế tạo máy, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm...
Hai nhà Lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác, như giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-du lịch, y tế, môi trường, lao động, quốc phòng-an ninh...

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, hai nhà Lãnh đạo nhất trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh, hòa bình, thúc đẩy hợp tác, phát triển trên thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo nhất trí cho rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Thay mặt Nhà nước, nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Nhà nước và nhân dân Séc đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc sinh sống, làm ăn, hòa nhập tốt vào xã hội sở tại; tin tưởng cộng đồng người Việt Nam tại Séc tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Về phần mình, Tổng thống Milos Zeman cho biết, giới doanh nghiệp Cộng hòa Séc đang quan tâm nhiều tới các cơ hội ở Việt Nam. Tháp tùng Tổng thống trong chuyến thăm Việt Nam có 68 doanh nghiệp đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp Cộng hòa Séc rất mong muốn hợp tác với các đối tác Việt Nam bằng những thỏa thuận hợp tác cụ thể.

Tổng thống Milos Zeman cũng cho biết, hai nhà Lãnh đạo đã thảo luận, thống nhất về vấn đề mở đường bay thẳng giữa hai nước (đường bay Prague - Thành phố Hồ Chí Minh) và việc miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Séc sang du lịch tại Việt Nam. Sắp tới, Cộng hòa Séc sẽ mở Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng thống Milos Zeman tin rằng những thực tế nêu trên sẽ là tiền đề, tạo sự bùng nổ về số lượng khách du lịch Cộng hòa Séc sang Việt Nam trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Tổng thống Milos Zeman thông báo đã trân trọng mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm Cộng hòa Séc./.