TCCSĐT - Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Malaysia bắt nguồn từ chính sách “hướng đông” của nguyên Thủ tướng Malaysia - Mahathir Mohamad, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại phương Tây. Động lực kinh tế chính của Malaysia khi tham gia các FTA tại các khu vực châu Á - Thái Bình Dương là để hội nhập sâu hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực, thông qua cắt giảm thuế quan và hài hòa các quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Thực trạng tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) của Malaysia

FTA Malaysia - Japan (MJEPA) là hiệp định toàn diện đầu tiên của Malaysia, được đàm phán ký tháng 12-2005 và bắt đầu có hiệu lực năm 2006. Hiệp định bao gồm: thương mại hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các tiêu chuẩn và sự phù hợp, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, tăng cường môi trường kinh doanh. Khi MJEPA có hiệu lực, Malaysia và Nhật Bản đã thực hiện giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp tương ứng. Hiệp định MJEPA là một thỏa thuận toàn diện, bao gồm cả tự do hóa thương mại và dịch vụ. Theo hiệp định này, Nhật Bản đối xử với Malaysia như đối xử với các đối tác FTA khác mà Nhật Bản đã ký thỏa thuận thương mại tự do. Các lĩnh vực quan tâm của Nhật Bản bao gồm dịch vụ kinh doanh và dịch vụ chuyên nghiệp, dịch vụ giáo dục, dịch vụ truyền thông, du lịch và dịch vụ liên quan đến y tế và xã hội.

Năm 2010, Malaysia và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu các cuộc đàm phán FTA. Sau đó tạm ngừng trong năm 2015 vì cả hai bên đều đang trong quá trình nghiên cứu các nguyên tắc xung quanh thỏa thuận. Năm 2016, cuộc đàm phán về FTA giữa Malaysia và EU kết thúc. Thỏa thuận này là sáng kiến song phương mới nhất của Malaysia với EU. Malaysia tích cực theo đuổi đàm phán với EU bởi Malaysia được hưởng lợi rất nhiều từ FTA này. Với việc miễn thuế xuất khẩu và nhập khẩu từ thị trường EU (với 500 triệu dân), dự kiến đầu tư nước ngoài vào Malaysia sẽ tăng sau khi ký kết thỏa thuận. Một khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, các cơ hội việc làm sẽ tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2016, thương mại của Malaysia với EU đạt 149,05 tỷ RM, trong đó Malaysia xuất khẩu sang EU đạt 79,84 tỷ RM, tăng 1,2% và nhập khẩu từ các nước EU 69,21 tỷ RM, giảm 0,5%.

Malaysia là nước thứ 59 ký FTA với Chile. Hiệp định thương mại tự do Malaysia - Chile (MCFTA) là hiệp định thương mại song phương đầu tiên giữa Malaysia và một nước Mỹ Latinh. MCFTA bắt đầu có hiệu lực năm 2012, các thỏa thuận bao gồm tự do hóa thương mại hàng hoá cũng như tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Các cam kết được đưa ra trong MCFTA nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hàng hoá bao gồm: thuế (tariffs); các quy tắc xuất xứ (RoO - Rules of Origin); Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS- sanitary and phyto-sanitary measures); thủ tục hải quan (customs procedures); và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT- technical barriers to trade).

MCFTA về lâu dài, tạo cơ hội tăng cường mối liên kết thương mại và đầu tư thông qua: Thứ nhất, tăng cường thị phần của Malaysia tại Chile; Thứ hai, tạo điều kiện cho các luồng đầu tư hai chiều trong các lĩnh vực chung; Thứ ba, tạo cơ hội cho các thương nhân và nhà đầu tư Malaysia mở rộng sang các thị trường Mỹ Latinh khác.

Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Chile đều được các FTA của Chile đã ký kết bảo hộ. FTA Malaysia - Chile sẽ cho phép 99% hàng xuất khẩu của Chile sang Malaysia và 95% hàng hóa Malaysia xuất khẩu sang Chile không phải chịu thuế. Kim ngạch thương mại giữa Malaysia và Chile hiện đạt 320 triệu USD, tăng so với 130 triệu USD của năm 2000. FTA Malaysia - Chile sẽ tạo cơ hội cho Kuala Lumpur tăng cường thương mại và đầu tư nhờ có thêm thị phần tại Chile và giúp các thương gia và các nhà đầu tư Malaysia mở rộng hướng làm ăn sang các thị trường Mỹ Latinh.

Năm 2014, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết FTA sau 5 năm đàm phán. Hiệp định này được hy vọng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy thương mại song phương của Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia. Các doanh nghiệp Malaysia có cơ hội tận dụng một thị trường đầy tiềm năng với dân số 74 triệu người. FTA Malaysia - Thổ Nhĩ Kỳ cũng bao gồm hợp tác thông qua trao đổi chuyên gia kỹ thuật và chia sẻ kiến thức - công nghệ trong lĩnh vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp halal (thực phẩm cho người Hồi giáo(1) , nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, nghiên cứu phát triển và đổi mới, y tế (dược phẩm, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng), nguồn năng lượng và năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và ôtô.

Hiệp định có hiệu lực giúp các nhà xuất khẩu của Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ đều hưởng lợi từ sự tiếp cận những ưu đãi cho các sản phẩm của hai nước. Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ loại bỏ 70% các loại thuế trong tổng thể các dòng thuế. Sau 8 năm (đến năm 2023), gần 86% các dòng thuế sẽ được giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn. Hiện Malayia xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu hàng dệt may và quần áo, hóa chất và sản phẩm hóa chất, dầu cọ, sản xuất kim loại, các sản phẩm cao su, và các sản phẩm điện và điện tử, trong khi nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ hàng may mặc và quần áo, các thiết bị máy móc và phụ tùng, sắt thép sản phẩm, hóa chất và sản phẩm hóa chất, nông sản, sản phẩm điện và điện tử. Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD (năm 2018).

Năm 2011, Trung Quốc và Malaysia đã ký một loạt các thỏa thuận để thúc đẩy đầu tư vào các dự án liên quan đến năng lượng, cơ sở hạ tầng và truyền thông. Các thỏa thuận ký kết bao gồm: Thứ nhất, xây dựng một nhà máy điện đốt than; Thứ hai, cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ giữa Digi Telecommunications của Malaysia và ZTE của Trung Quốc; Thứ ba, phát triển một dự án luyện kim với Công ty Nhôm Trung Quốc cùng với dự án 1 tỷ USD ở bang Sarawak phía Đông Malaysia đã được ký trước; Thứ tư, ký kết những văn bản công nhận bằng cấp ở cả hai nước để thúc đẩy trao đổi sinh viên. Với việc gia tăng các thỏa thuận đã góp phần đưa tổng kim ngạch thương mại của Malaysia với Trung Quốc đạt 240,91 tỷ RM, tăng 4,4% so với năm 2015, trong đó Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc 98,56 tỷ RM, giảm 2,9% và nhập khẩu từ Trung Quốc 142,35 tỷ RM, tăng 10,1%. Trung Quốc chiếm 20% thị phần thương mại của Malaysia.

Malaysia và Ấn Độ đàm phán về FTA từ tháng 02-2008 nhưng tạm ngừng sau hai vòng đàm phán, trước khi được khởi động lại vào năm 2010 và được ký vào năm 2011, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại và tăng cường quan hệ kinh tế. Hiệp định tự do thương mại với Malaysia sẽ dành cho Ấn Độ nhiều ưu đãi hơn với phạm vi hợp tác rộng, thời hạn cắt giảm thuế quan ngắn hơn. Trong lĩnh vực dịch vụ, hai nước đồng ý cho các nhà đầu tư của nước đối tác nắm giữ số cổ phiếu ngang nhau trong hơn 80 lĩnh vực, như truyền thông, chăm sóc y tế, bán lẻ, dịch vụ môi trường...

            Thương mại của Malaysia với các đối tác ký FTA
                                                                    Đơn vị: Triệu RM

Thị trường

Năm 2015

Năm 2014

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Trung Quốc

101.531,4

129.360,0

92.286,5

115.513,1

Nhật Bản

73.811,5

53.588,3

82.617,1

54.711,8

Mỹ

73.669,4

 

64.404,8

 

Thái Lan

44.423,3

41.752,7

40.205,4

39.612,0

Hồng Kông

36.851,9

 

37.023,3

 

Ân Độ

31.666,0

 

31.893,4

 

Indonesia

29.098,8

31.057,7

31.757,5

27.728,2

Úc

28.028,5

 

32.966,6

 

Hàn Quốc

25.228,9

31.053,2

27.941,1

31.699,8


* Tỷ giá tạm tính: 1 USD tương đương 4,0 RM
Nguồn: Hồ sơ thị trường Malaysia, năm 2016

Năm 2012, Malaysia ký FTA với Australia(2). FTA Malaysia - Australia hy vọng tiếp thêm động lực mới cho các cuộc đàm phán thương mại song phương đang bị trì hoãn với các đối tác thương mại chủ chốt khác ở châu Á. FTA Malaysia - Australia mang lại cho các nhà đầu tư ngành dịch vụ của Australia quyền hoạt động ở Malaysia và được phép thâm nhập thị trường Malaysia mà không cần chứng thực từ các nước ASEAN khác. Theo thỏa thuận, hơn 97% dòng thuế của hàng hóa Australia nhập khẩu vào Malaysia sẽ được loại bỏ. Đổi lại, Australia đồng ý đẩy nhanh tiến trình loại bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Malaysia. FTA Malaysia - Australia đã góp phần củng cố và thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ song phương lâu đời và gắn kết giữa Malaysia và Australia. Hiện Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Australia trong ASEAN và là đối tác thương mại thứ 10 trong số các đối tác thương mại của Australia.

Malaysia và Mỹ đã tiến hành tám vòng thương lượng về FTA song phương từ năm 2006, song không đi đến kết quả do bế tắc trong một số lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là việc Mỹ tìm cách tiếp cận những hợp đồng của Chính phủ Malaysia vốn chỉ dành riêng cho người bản địa. Năm 2016, tổng kim ngạch thương mại của Malaysia với Mỹ đạt 135,88 tỷ RM, tăng 5,3% so với năm 2015, trong đó Malaysia xuất khẩu sang Mỹ đạt 80,23 tỷ RM, tăng 8,9% và nhập khẩu từ Mỹ 55,65 tỷ RM, tăng 0,5%. Một khi FTA Malaysia-Mỹ được ký kết sẽ tạo nhiều cơ hội kinh doanh cho cả Mỹ và Malaysia. Năm 2014, Mỹ và Malaysia đã ký Bản ghi nhớ (MoU-Memorandum of Understanding) về giao dịch thương mại giữa các công ty của Malaysia và Mỹ trị giá gần 2 tỷ USD trong các lĩnh vực hàng không, công nghệ sinh học và bảo hiểm.

Những lợi ích hướng tới

Từ quốc gia với quan điểm tập trung vào liên kết đa phương trên phạm vi toàn cầu, trong những năm gần đây, Malaysia đã có chuyển hướng chiến lược chú ý đồng thời trong liên kết hội nhập theo cả kênh đa phương và song phương. Việc mở rộng ký kết các FTA của Malaysia với các đối tác nhằm hướng đến những mục tiêu, lợi ích chính sau:

Thứ nhất, mở rộng FTA giúp Malaysia có thể dễ dàng xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia khác. Hàng hóa của Malaysia không dễ dàng xâm nhập vào các quốc gia khác, vì người mua thường muốn mua từ các đối tác mà họ đã quen thuộc hoặc chỉ bị thu hút bởi một số loại hàng đặc biệt. Vì vậy, cách duy nhất để Malaysia có thể bán được nhiều hàng hóa của mình là kết nối được với những người bán hàng ở các nước khác. Điều này có thể được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể hoặc có thể được thực hiện như là một thỏa thuận thông các FTA(3). Tuy nhiên, Malaysia không có nhiều FTA với các nước xung quanh Thái Bình Dương vì Malaysia vẫn còn là một quốc gia đang phát triển so với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Singapore, Australia , Hoa Kỳ và Canada. Cách nhanh chóng để có được FTA với các nước này là bằng cách đàm phán với tất cả các quốc gia trong một hiệp định - điều này thường được thực hiện trong một nhóm kinh tế như hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC). Xuất khẩu của Malaysia đã giảm kể từ năm 2013. Ký kết FTA có thể giúp các doanh nghiệp Malaysia có được thị trường toàn cầu lớn hơn và tiếp tục tăng xuất khẩu. Xuất khẩu tăng sẽ củng cố vị trí của Malaysia như là một điểm đến hấp dẫn cho sản xuất toàn cầu và do đó tạo ra cơ hội việc làm và cải thiện trình độ công nghệ cho nền kinh tế.

Thứ hai, bên cạnh việc được hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế, FTA góp phần nâng cao tính minh bạch và khả năng dự báo trong hoạt động đầu tư của Malaysia. Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, ký kết FTA cũng góp phần nâng cao tính minh bạch và khả năng dự báo trong các hoạt động đầu tư. FTA cũng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho Malaysia so với các đối thủ trong khu vực cũng như đa dạng thị trường và tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư vào Malaysia.

Để tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy thương mại, Malaysia đang tăng cường mở rộng thêm 10% thương mại miễn thuế với các thị trường chưa có FTA với Malaysia, như Mỹ, Canada, Mexico và Peru. Các nhà xuất khẩu Malaysia rất quan tâm đến thị trường Mỹ và Canada, đặc biệt khi Malaysia đã bị loại ra khỏi danh sách các nước được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (2014). Các doanh nghiệp Malaysia buộc phải trả thuế cao hơn để xuất khẩu vào Canada từ năm 2015. Dầu cọ xuất khẩu vào Canada đang phải chịu mức thuế cao là 11%. Tham gia hàng loạt FTA không chỉ giúp giảm thuế xuất khẩu mà còn nhiều cơ hội khác giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các FTA cho phép Malaysia tiếp cận thị trường ưu đãi đối với 63,5% khối lượng thương mại của Malaysia, gồm thị trường ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản. Đáng chú ý là phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của Malaysia sang các thị trường này đều có mức thuế bằng 0%. Việc ký kết FTA với EU cũng giúp cho nhiều hàng hóa của Malaysia được ưu đãi khi vào các thị trường EU.

Thứ ba, ký kết FTA giúp Malaysia thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường tiết kiệm. Các nhà xuất khẩu Malaysia sẽ tiết kiệm được khoảng 150-200 triệu USD từ việc loại bỏ cơ chế thu phí hàng của Mỹ (mức phí này thường dao động 28-485 USD cho mỗi lô hàng); Loại bỏ thuế nhập khẩu từ các nước cũng sẽ giúp Malaysia tiết kiệm khoảng 1,2 tỷ USD; Xóa bỏ hoặc giảm thuế cũng sẽ giúp tiết kiệm thêm 12,4% kim ngạch xuất khẩu sang các nước.

FTA được xem là công cụ để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và kích thích sự tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia thành viên. Đồng thời, FTA có thể giảm bớt những rào cản thương mại cho phép các ngành công nghiệp khai thác những thị trường mới, mở rộng phạm vi xuất khẩu và làm tăng nền tảng người tiêu dùng. Cơ quan xúc tiến đầu tư Malaysia (MIDA-Malaysian Investment Development Authority) rất chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư muốn tìm hiểu cơ hội làm ăn cũng như muốn thành lập công ty hay mở cửa hàng tại Malaysia. Bên cạnh đó, bằng cách giảm bớt hoặc xóa bỏ các hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan. FTA góp phần làm tăng tính chuyên môn hóa của lực lượng lao động vì quốc gia nào cũng theo xu hướng tập trung sản xuất những mặt hàng hay cung cấp những dịch vụ mà họ có lợi thế cạnh tranh. Trên lý thuyết, FTA làm lợi cho người tiêu dùng, vì cạnh tranh tăng đồng nghĩa với các sản phẩm bày bán có giá thấp hơn.

Thứ tư, ký kết FTA giúp Malaysia thâm nhập thị trường mua sắm chính phủ của các quốc gia thành viên, nhất là thị trường Mỹ.

Hiện các nhà xuất khẩu Malaysia vẫn còn bị loại ra khỏi thị trường mua sắm chính phủ của Mỹ giá trị tới 250 tỷ USD - nơi mà nhiều sản phẩm xuất khẩu của Malaysia có khả năng cạnh tranh cao. Bởi vì, Chính phủ Malaysia chưa tham gia ký kết Hiệp định Mua sắm chính phủ thuộc khuôn khổ WTO, cũng như chưa ký kết FTA với Mỹ, nên các công ty nước ngoài không có cơ hội ngang bằng với các công ty nội địa trong vấn đề cạnh tranh hợp đồng. Thường các công ty nước ngoài phải hợp tác với đối tác địa phương mới được xem xét hồ sơ dự thầu.

Ký kết FTA mang lại cho các doanh nghiệp Malaysia cơ hội tiếp cận thị trường mua sắm chính phủ nước ngoài cũng như hỗ trợ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty địa phương trong đấu thầu mua sắm chính phủ. Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã dành khoảng 60 tỷ USD mỗi năm cho mua sắm trong lĩnh vực công nghệ. Các FTA được ký kết cũng mang lại nhiều lợi ích, được Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia (FMM) kỳ vọng các FTA sẽ góp một phần đáng kể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu, tăng cường các hoạt động kinh tế và giúp kinh tế Malaysia tiến về phía trước, biến Malaysia thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người lên mức 15.000 USD/năm kể từ năm 2019, hướng tới mục tiêu đưa Malaysia vào danh sách các nước có thu nhập cao vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Malaysia cần phải duy trì sự phát triển kinh tế bền vững, tiếp tục tăng cường thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại tự do cùng với hiệu ứng từ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế thế giới.

Một số kinh nghiệm rút ra

Từ thực tiễn tham gia và các lợi ích hướng tới của Malaysia khi ký kết các FTA, có thể rút ra một số kinh nghiệm tham khảo sau:

Một là, tham gia các FTA, thực chất là hội nhập vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu là nhu cầu tất yếu của sự phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không thể phát triển nếu đứng ngoài xu thế hội nhập, vấn đề là lựa chọn đối tác và thời cơ hội nhập nhằm tận dụng được tốt nhất các cơ hội có thể. Việc Việt Nam đẩy mạnh đàm phán tham gia các FTA, nhất là chủ động tham gia đàm phán các FTA thế hệ mới là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển chung.

Hai là, cần xác định rõ mục tiêu tham gia các FTA. Tham gia các FTA tất nhiên, trước hết là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, song đồng thời cần tính đến các yếu tố chính trị và an ninh. Nói cách khác, đẩy mạnh liên kết kinh tế đi đôi với an ninh và quốc phòng, tạo môi trường hòa bình ổn định cho phát triển kinh tế lâu dài, gắn lợi ích kinh tế với an ninh và quốc phòng của nhau.

Ba là, kết hợp đồng thời các tầng cấp, các kênh liên kết hội nhập, kể cả song phương và đa phương. Đây chính là bài học rất chú ý đối với Malaysia, trong giai đoạn trước chỉ tập trung vào kênh đa phương, cho nên có phần chậm hơn trong hội nhập song phương trong khu vực, song gần đây với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư, tham gia vào thị trường mua sắm chính phủ… Malaysia đã đẩy mạnh đàm phán ký kết các FTA, kể cả FTA thế hệ mới.

Bốn là, tạo sự đồng thuận trong đàm phán và triển khai FTA, chuẩn bị tốt các điều kiện để nhằm tận dụng các cơ hội đặt ra. Điều này tưởng như tất yếu được nhận thức, song không hẳn như vậy. Việc Malaysia chậm tham gia đàm phán các hiệp định song phương cũng xuất phát từ chính sự chưa đồng thuận trong chiến lược hội nhập.

Năm là, có thể và nên khi có điều kiện triển khai đàm phán và ký kết các FTA với các quốc gia, các vùng lãnh thổ khác nhau. Thực tế cho thấy các quốc gia khu vực cũng đồng thời tham gia các FTA khác nhau, có song phương, có đa phương, có FTA giữa các quốc gia cùng khu vực địa lý, có FTA giữa các quốc gia ở khu vực địa lý khác nhau. Bản thân các FTA được các quốc gia ký kết với nhau cũng có cam kết và mức độ mở cửa thị trường không giống nhau. Bản chất các FTA là hướng tới thúc đẩy tự do hóa, hội nhập, đem lại các điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nâng cao chất lượng môi trường tăng trưởng, từ đó góp phần nâng cao vị thế và an ninh từng quốc gia và khu vực. Đó cũng chính là mục tiêu phát triển của các quốc gia. Do vậy, không lo sợ sự chồng lấn, xung đột lợi ích giữa các FTA. Vấn đề là ở chỗ cần có lộ trình triển khai các cam kết và sự quản lý, điều phối của nhà nước bảo đảm hài hòa các lợi ích, trong đó lợi ích quốc gia là tối thượng trong ký kết và thực thi các thỏa thuận./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ sơ thị trường Malaysia, Ban Quan hệ quốc tế , VCCI tháng 6-2016

2. Thương mại của Malaysia năm 2016, Ministry of Industry and Trade of the Socialist Republic of Vietnam, February 2017.

3. Malaysia-Chile Free Trade Agreement (Malaysia-Chile FTA), Asia Regional Integration Center, 2015 Asian Development Bank.

4. Shannon Tiezzi (2015), China Promotes Trade, Maritime Silk Road in Malaysia, The Diplomat, November 2015.

-----------------------------------------

(1) Người Hồi giáo chỉ ăn, sử dụng những gì được chứng thực Halal theo Luật Shariah

(2) Theo Bộ trưởng Thương mại Úc, FTA Malaysia - Úc được ký sau 7 năm đàm phán là “một kết quả mang tính lịch sử”

(3) Khoảng 62% thương mại Malaysia là từ 7 FTA song phương với Nhật Bản, Pakistan, New Zealand, Ấn Độ, Chile, Úc và Thổ Nhĩ Kỳ; và 5 FTA khu vực trong khuôn khổ ASEAN (Asean và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc-New Zealand)